CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:22

Năm 2018, Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra

 

Thời gian qua, Bình Phước đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; thực hiện giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng chính sách, người có công và cải thiện đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội; đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ xâm hại trẻ em; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai; phòng, chống mại dâm và buôn bán người; thúc đẩy phát triển bình đẳng giới.

Cụ thể, năm 2018, đã giải quyết việc làm cho 38.790/30.000 lao động, đạt 129,3% kế hoạch năm, tăng 3,56% so với năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đạt 3,2%; duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn trên 90%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%. Đào tạo nghề cho 10.594/6.000 lao động, đạt 176,57% kế hoạch năm, tăng 33,76% so với năm 2017; trong đó lao động nông thôn: 2.526 lao động, đào tạo nghề trình độ sơ cấp: 8.068 lao động.

Đối với lĩnh vực người có công, đã giải quyết 1.352 hồ sơ. Tổ chức điều dưỡng cho 2.120 đối tượng; 100% các đối tượng chính sách được cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời để khám chữa bệnh; vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng và chăm sóc suốt đời cho 63 người có công, tặng 45 sổ tiết kiệm với tổng giá trị 152.000.000 đồng cho các hộ chính sách người có công và con em người có công vượt khó.

Hỗ trợ sinh kế giúp người nghèo thoát nghèo bền vững


Hiện, Bình Phước có 40 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc X’tiêng chiếm tỷ lệ cao nhất. Do tập tục canh tác lạc hậu, sinh nhiều con… cho nên hộ nghèo là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao. Ðể giúp đồng bào định canh, định cư ổn định, Bình Phước đã có nhiều chính sách phù hợp, cách làm hay, mô hình hiệu quả và hiện đang được nhân rộng. Qua đó, từng bước xóa nghèo bền vững cho đồng bào DTTS nói riêng và các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung.

Xác định được nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, tỉnh Bình Phước đã xây dựng các nhóm giải pháp giúp người dân xóa nghèo bền vững. Nhiệm vụ trước mắt, hàng đầu là chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể xây dựng các nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp tâm lý, tập quán của từng dân tộc, nhằm thúc đẩy, khuyến khích ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Ðồng thời, thực hiện đồng bộ hiệu quả các chính sách, dự án dành cho người nghèo về vốn tín dụng, y tế, giáo dục, nhà ở; ưu tiên hộ nghèo DTTS; tập trung xóa nghèo ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã, thôn, ấp thuộc diện đặc biệt khó khăn nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, khu vực trong tỉnh; tăng cường chính sách hỗ trợ cho nhóm hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, nhằm bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nhờ đó, trong năm Bình Phước giảm 0,95% tỷ lệ hộ nghèo, đạt 190% kế hoạch giao. Ngoài ra, ngành đã xây dựng 02 mô hình giảm nghèo tại 02 xã có tỷ lệ nghèo cao thuộc huyện Lộc Ninh và thị xã Phước Long; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động, phân bổ 511 căn nhà cho hộ nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền là 28,21 tỷ đồng.

Đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em được quan tâm thực hiện tốt. Trên 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp; hơn 95% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em.

Năm 2019, ngành tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra như: Giải quyết việc làm cho 35.000 lao động; duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 3,2% và duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn mức trên 90%. Đào tạo nghề cho 6.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 56%. Giảm 0,5% tỷ lệ hộ nghèo.

 Tỷ lệ xã, phường, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em đạt 100%; 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên để có cơ hội hòa nhập cộng đồng. 100% xã, phường, thị trấn được công nhận “Xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”.

Trao quà Tết cho các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ( ảnh: Internet)


Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, ngành LĐ-TB&XH triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể: Thông tin cung, cầu lao động và nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo đúng kế hoạch đề ra.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cho thanh niên, những người trong độ tuổi lao động giúp họ nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đào tạo lao động để thay đổi hành vi, thu hút ngày càng nhiều người học.

 Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công.

Tạo nhiều các chính sách, chương trình hỗ trợ như: miễn giảm thuế đất, ưu tiên cho thuê đất sản xuất, hỗ trợ vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo, xây và sửa chữa nhà và giới thiệu việc làm cho các gia đình chính sách người có công đặc biệt là gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo để nâng cao mức thu nhập giúp các hộ gia đình này thoát nghèo.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh