THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 03:55

Năm 2017: Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan

 

Bạo lực, chen lấn, cướp lộc, ném tiền… vẫn xảy ra trong mùa lễ hội 2016

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) cho biết, công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 trong cả nước có sự chuyển biến tích cực, những tồn tại, hạn chế ở các mùa lễ hội trước đây đã giảm, hoạt động lễ hội đã đi vào nề nếp. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội từng bước được cải thiện. Những kết quả đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đặc biệt, năm 2016, các tập tục “chém lợn” (lễ hội Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), “Tế trâu” (lễ hội Đền Pu Nhạ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)... đã được chính quyền và người dân các địa phương thay đổi hình thức tổ chức, giảm thiểu các hình ảnh phản cảm, bạo lực trong lễ hội. 

Tuy nhiên, mùa lễ hội 2016 vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt vẫn để xảy ra những biểu hiện tiêu cực như “chọi trâu”, “ném tiền”, “cướp lộc”, chen lấn, xô đẩy... Trong năm 2016, Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Bình Dương phát hiện và tịch thu 29.200 tờ tử vi, 22 cuốn sách bói toán; Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Hưng Yên xử lý vi phạm tại chỗ đối với các biểu hện trục lợi, lừa gạt khách tham quan, mê tín dị đoan, cờ bạc...

Theo bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm vẫn tổ chức hội chọi trâu, lễ hội chọi trâu mà không phải lễ hội truyền thống của địa phương như: xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), huyện Phúc Thọ (Hà Nội); huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang (Hà Giang); huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), huyện Hớn Quản (Bình Phước); xã Tân Nguyên (Yên Bình, Yên Bái); xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai), xã Gia Phú (Bảo Thắng, Lào Cai); Mai Sơn (Sơn La)…

 

Ảnh minh họa


Điều đáng nói là yếu tố bạo lực tại một số lễ hội vẫn còn xảy ra, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền, tiền giọt dầu không đúng nghĩa quy định vẫn còn tồn tại. Điển hình như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, ăn xin, ép giá tại Đền Trần (Nam Định); tranh cướp tại Lễ hội Gióng (Hà Nội); tục rước Tàng Thinh tại lễ hội Ná Nhèm, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn); tình trạng khấn khuê Đền Bà Chùa Kho (Bắc Ninh), Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Liễu Hạnh (Quảng Bình)…. Một số lễ hội lớn vẫn chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong lễ hội, vẫn còn để xảy ra hiện tượng bẻ cành cây, xả rác thải bừa bãi, nước thải gây mất vệ sinh, mỹ quan của lễ hội như Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh) và một số lễ hội Nghinh Ông ở một số tỉnh ven biển…

 

Tuyệt đối ngăn chặn thương mại, biến tướng lễ hội

TS. Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng, thực tế, bất cập trong lễ hội ngày càng giảm, những nét đặc sắc lễ hội dân gian ngày càng được phát huy. Theo TS Minh Lý, không gian lễ hội chật hẹp, lượng người tham gia lễ hội đông vượt quá khả năng đáp ứng của các di tích và lực lượng phục vụ… BTC lễ hội nên rút kinh nghiệm từ nhiều năm tổ chức để có kế hoạch, các phương án tổ chức linh hoạt, hiệu quả để những hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa sẽ từng bước giảm đi và cuối cùng sẽ giải quyết được dứt điểm.

Nhằm tiếp tục hạn chế thấp nhất những tồn tại trong năm qua, ngành VHTT&DL khẳng định, năm 2017 sẽ tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội. Đặc biệt sẽ có kế hoạch giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm trong mùa lễ hội năm 2016, không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… trong lễ hội. Khẩn trương thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá và bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội. Chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích…

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, lễ hội là di sản văn hóa, là nơi sinh hoạt, lưu lại giá trị truyền thống tốt đẹp. Mỗi lễ hội có giá trị văn hóa riêng, chứa đựng trong đó tinh thần nhân văn, uống nước nhớ nguồn, hướng tới khát vọng tốt đẹp, quốc thái dân an, cầu mong những điều tốt lành để mỗi người trong cộng đồng có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Lễ hội là nơi con người về với cội nguồn, lịch sử, quê hương, cha ông, hòa hợp tự nhiên, vạn vật và lễ hội bao giờ cũng gắn với di tích, bảo tồn, phục dựng di sản tốt đẹp. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội cũng cần hướng đến giá trị kinh tế, du lịch. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, bên cạnh tiến bộ cũng còn tồn tại hạn chế trong công tác tổ chức quản lý lễ hội, hiện tượng thương mại hóa lễ hội, làm biến tướng lễ hội cần tuyệt đối ngăn chặn, các địa phương phải quản lý thật tốt, tuyệt đối không cấp phép cho những lễ hội như vậy.

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh