Năm 2016, ngành dệt may và da giày đều không đạt chỉ tiêu
- Huyệt vị
- 05:05 - 09/01/2017
Sản xuất và xuất khẩu dệt may vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên ở mức thấp hơn so với năm 2015. Sản xuất vải dệt từ sợi bông, sợi tổng hợp hoặc sợi nhân đạo ước đạt 1.027 triệu m2, tăng 4% và bằng 96% kế hoạch năm; sản xuất quần áo mặc thường ước đạt 3.435 triệu cái, tăng 6,2% so với năm 2015 và bằng 97,3% kế hoạch năm.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 28,5 tỷ tăng 5,6% so với năm 2015, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với dự kiến 1,5 tỷ USD, hoàn thành 92% kế hoạch xuất khẩu.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 23,6 tỷ USD tăng 3,3%; xuất khẩu xơ sợi ước đạt 2.9 tỷ USD, tăng 14,1%...
Nguyên nhân là do sự sụt giảm của cầu thế giới từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Việt nam bị cạnh tranh từ các nền kinh tế mới nổi như Campuchia, Bangladet, Pakistan...
Trong khi đó, sản xuất da giày cũng tăng trưởng thấp và không đạt chỉ tiêu kế hoạch với mức ước đạt 272 triệu đôi, tăng 2,8% so với năm trước và bằng 86,7% kế hoạch năm.
Xuất khẩu giầy dép các loại ước đạt gần 12,9 tỷ USD tăng 7,6 % so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù ước đạt 3,13 tỷ USD tăng 9 % so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công thương lý giải, nguyên nhân là do áp lực của suy thoái kinh tế toàn cầu, chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu trong nước còn thiếu đồng bộ.
Cùng với đó, ngành da giày vẫn thiếu chủ động nguồn nguyên liệu, chuyển động khá chậm ở khâu đổi mới công nghệ, chuyên nghiệp hóa phương thức quản trị, đặc biệt trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay.