THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:59

Năm 2016: Giá dịch vụ y tế sẽ tính đủ trực tiếp vào tiền lương

 

Cuối năm 2015: Sẽ tính 100% tiền lương của BV huyện và trạm y tế vào giá dịch vụ y tế

Tại phiên họp, Chính phủ đã đồng ý để Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch, đến cuối năm nay sẽ tính 100% tiền lương của bệnh viện huyện và trạm y tế vào giá dịch vụ y tế. Mức giá dịch vụ y tế mới trước mắt được áp dụng để cơ quan BHXH thanh toán cho bệnh viện đối với người có thẻ BHYT, còn với người không có thẻ BHYT thì vẫn được tính theo giá hiện hành cho đến năm 2016

Nhiều người dân tỏ ra lo lắng khi giá dịch vụ y tế tăng tăng

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Giá dịch vụ y tế hiện nay mới tính một phần chi phí trực tiếp (3/7 yếu tố trực tiếp) do đó mỗi đơn vị thuộc bộ, ngành và mỗi địa phương có một bảng giá khác nhau nên giá thanh toán của BHYT đối với các bệnh viện cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật...) khác nhau gây bất bình đẳng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT...

Theo lộ trình, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn gần nhất là đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý; đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ  được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư, buộc các bệnh viện phải nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người bệnh.

Điều chỉnh giá dịch vụ  gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá viện phí, nhiều chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế điều chỉnh sẽ tác động mạnh đến khoảng 30% dân số chưa có thẻ BHYT. Ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, với lộ trình thực hiện điều chỉnh viện phí như hiện nay, điều quan trọng là phải bảo đảm tăng độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải chi trả thêm. “Nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ triển khai, bệnh nhân BHYT sẽ được hưởng bởi chi phí hầu hết do BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Việc điều chỉnh giá được thực hiện theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương; không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản thu trước đây Nhà nước bao cấp cho các bệnh viện vào giá và chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người tham gia BHYT. ” - ông Liên giải thích.

Tăng giá dịch vụ y tế, liệu người dân sẽ được hưởng dịch vụ chất lượng hơn?

Bộ Y tế cũng khẳng định, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được gắn với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng KCB. Thực tế cho thấy, sau 2 năm bắt đầu điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60 - 80% của 3 yếu tố nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định, quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên. Các BV sử dụng 15% tiền khám bệnh, tiền giường/ngày để mua thêm giường, ghế, cải tạo, sửa chữa phòng khám khang trang hơn, các buồng bệnh đã có sự thay đổi, đáp ứng nhu cầu của người bệnh

Mục tiêu của lộ trình BHYT toàn dân là đến năm 2020 phải đạt ít nhất 80% số dân tham gia BHYT, do đó giá dịch vụ y tế có vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách BHYT.Khi giá được tính đủ tiền lương và chi phí trực tiếp, bệnh viện sẽ từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động sao cho hiệu quả hơn. Đồng thời, đây là điều kiện bắt buộc để các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; nếu người bệnh không đến KCB hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội không ký hợp đồng thì bệnh viện không có nguồn kinh phí hoạt động. Đáng chú ý, khi giá dịch vụ y tế được tính đủ, giá tại bệnh viện công lập và ngoài công lập sẽ tương đương, không tạo mặt bằng hai giá như hiện nay, khi đó sẽ khuyến khích xã hội hóa, tạo sự cạnh tranh giữa các bệnh viện (cả công và tư).

Thái An/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh