THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:17

Viện phí sắp tăng mạnh

 

Với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cộng thêm kết cấu tiền lương vào viện phí, bệnh nhân sẽ phải trả thêm chi phí điều trị. Trong đó, người không có thẻ BHYT sẽ là đối tượng bị tác động mạnh nhất nếu đau ốm.

Nhiều dịch vụ “gánh” thêm tiền triệu

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - cho biết Thông tư 50 quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật theo từng chuyên ngành và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật đã được bộ ký ban hành từ cuối năm 2014 với hơn 17.500 kỹ thuật.

Dự kiến, từ ngày 1/8 vừa qua, chi phí trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật bắt đầu được tính vào giá dịch vụ y tế. Song, qua quá trình làm việc giữa các bộ, ngành, có một số điểm cần thống nhất, phải xin ý kiến của Thủ tướng. Vì vậy, sau khi Thủ tướng có ý kiến chính thức, liên Bộ Y tế - Tài chính sẽ hoàn chỉnh dự thảo và ban hành thông tư.

Một ca phẫu thuật hàm mặt tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba

Theo dự thảo thông tư này, có 26 loại hình dịch vụ y tế với hàng chục ngàn hạng mục thuộc các chuyên ngành: hồi sức cấp cứu và chống độc, nội khoa, nhi khoa, ngoại lao, da liễu, tâm thần, nội tiết, ngoại khoa, bỏng, ung bướu, phụ sản, tạo hình thẩm mỹ, nội soi… được kết cấu giá theo mức phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt, loại I, II và III.

Trong đó, phẫu thuật ngoại khoa và nội soi có mức phụ cấp đặc biệt được đề xuất cao nhất là 1.520.000 đồng/ca với kíp mổ gồm 8 người. Với phẫu thuật loại 1, mức phụ cấp là 660.000 đồng/ca cho kíp mổ 7 người; loại II là 310.000 đồng/ca cho kíp mổ 6 người và loại III là 175.000 đồng/ca/kíp mổ 5 người. Với các chuyên ngành phụ sản, bỏng, răng hàm mặt, tạo hình thẩm mỹ, tai mũi họng, nội tiết, ung bướu…, phụ cấp phẫu thuật đặc biệt dự kiến ở mức 1.280.000-1.480.000 đồng/ca cho kíp 6- 7 người...

Lý giải về việc nhiều dịch vụ y tế sẽ “gánh” thêm hơn 1,5 triệu đồng phụ cấp trong thời gian tới, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng thủ thuật loại đặc biệt đòi hỏi người khám bệnh, chữa bệnh phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; phải có phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị y tế chuyên dụng...

“Nhìn số tiền phụ cấp trên 1 dịch vụ thì khá lớn nhưng nếu chia cho một kíp mổ 8 người thì lại không lớn. Ngay cả với bệnh nhân có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% viện phí thì số tiền tăng tối đa cũng không quá 1,5  triệu đồng” - ông Liên giải thích.

“Cõng” cả lương bác sĩ

Không chỉ “gánh” khoản tiền phụ cấp, dự kiến từ đầu năm 2016, các dịch vụ y tế sẽ tiếp tục “cõng” thêm chi phí lương của nhân viên y tế. Theo dự thảo nêu trên, việc đưa lương vào các dịch vụ y tế chuyên khoa kéo theo dịch vụ này sẽ tăng khoảng 700.000 đến 1 triệu đồng/ca phẫu thuật loại đặc biệt (tùy chuyên khoa) và 400.000 - 600.000 đồng/ca phẫu thuật loại I.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội), so với chi phí vật tư và thuốc thì chi phí cho nhân viên y tế chẳng thấm tháp gì. Thực tế, có những ca phẫu thuật thay khớp lên tới hàng trăm triệu đồng, trong khi phụ cấp cho cả kíp mổ với 7-8 người làm việc liên tục khoảng 4-5 giờ chỉ khoảng 1-2 triệu đồng. Nếu chia đều thì mỗi bác sĩ cũng chỉ được 100.000- 200.000 đồng.

Bà Hường cho rằng muốn giảm chi phí y tế để bớt tiền túi của người dân cũng như giảm gánh nặng cho BHYT, cách tốt nhất là làm giảm chi phí vật tư y tế cũng như tiền thuốc. “Tiền công của bác sĩ cho dù tăng thêm cũng chỉ chiếm chưa đầy 20% viện phí. Trong khi đó, công sức, trí tuệ mà họ bỏ ra cho mỗi ca phẫu thuật, giành giật sự sống cho bệnh nhân là không thể đo đếm được” - bà Hường nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, với lộ trình thực hiện điều chỉnh viện phí như hiện nay, điều quan trọng là phải bảo đảm tăng độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải chi trả thêm. “Nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, BV không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ triển khai, bệnh nhân BHYT sẽ được hưởng bởi chi phí hầu hết do BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT” - ông Liên giải thích.

Theo một chuyên gia y tế, việc điều chỉnh giá hàng chục ngàn kỹ thuật y tế chắc chắn sẽ tác động mạnh đến người không có thẻ BHYT nếu chẳng may ốm đau. Với nguồn quỹ BHYT đang kết dư, việc chi trả cho bệnh nhân BHYT có thể bảo đảm khi các dịch vụ y tế tính thêm chi phí tiền lương và phẫu thuật, thủ thuật. Tuy vậy, để quỹ không bị “vỡ”, các cơ quan chức năng sẽ phải tính đến việc tăng mức đóng BHYT hoặc có nhiều mệnh giá thẻ cho người dân lựa chọn.  

Giá khám bệnh sẽ tăng gấp đôi

Bộ Y tế đang lấy ý kiến các cơ sở y tế về việc đưa tiền lương vào giá khám bệnh, giá giường nằm, giá dịch vụ chẩn đoán hình ảnh và các phẫu thuật, thủ thuật theo chuyên khoa.

Theo dự thảo, với BV hạng đặc biệt và hạng I, chi phí tiền lương là 140.000 đồng/giường bệnh, trong đó cơ cấu lương bác sĩ 33.000 đồng; điều dưỡng, y tá 86.000 đồng và các chi phí quản lý, gián tiếp 20.000 đồng.

Cũng theo dự thảo, mức giá khám bệnh sau khi đã được kết cấu chi phí trực tiếp và tiền lương: BV hạng đặc biệt và hạng I là 40.000 đồng/lượt, hạng II: 39.000 đồng, hạng III: 34.000 đồng và hạng IV: 31.000 đồng. Hiện nay, mức thu tối đa tiền khám bệnh của các hạng BV này lần lượt là 20.000, 15.000, 10.000 và 7.000 đồng.

Theo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh