Mường Giàng: Phát triển đàn gia súc tập trung để làm giàu
- Dược liệu
- 19:53 - 19/09/2020
Trước đây, người dân trong bản Mường Giàng trồng lúa, trồng ngô, một số gia đình chăn thả 1 - 2 con bò nên đời sống cũng chỉ đủ ăn, hiệu quả kinh tế không cao. Khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, người dân trong bản họp bàn tìm cách thoát nghèo và làm giàu từ những lợi thế của đại phương. Cùng với những định hướng kỹ thuật của các bộ khuyến nông, người dân nơi đây xác định, bản có thể phát triển chăn nuôi gia súc tập trung để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, lại không tốn nhiều công chăm sóc.
Cũng giống như nhiều gia đình khác trong bản, thay vì nuôi bò theo hình thức thả rông như trước, gia đình ông Đềm Văn Nhất nuôi 4 con bò theo hình thức nhốt chuồng. Để có nguồn thức ăn cho bò, ông Nhất trồng 2 sào cỏ voi. Ông Nhất cho biết: "Cỏ voi dễ trồng, không tốn công chăm sóc, năng suất cao, lại có thời gian lưu gốc khoảng 6 năm. Nếu như trước đây nuôi 1 con bò mất công 1 người chăn thả thì nay nuôi 4 - 5 con bò chỉ mất 1 giờ đồng hồ đi lấy cỏ về thái nhỏ là xong. Vừa không mất nhiều thời gian, lại hiệu quả cao hơn".
Từ khi chăn nuôi nhốt chuồng, ông Nhất nuôi đàn bò nhiều hơn trước và hiệu quả cũng cao hơn. Được cán bộ xã tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi bò tập trung và thấy rõ những lợi ích của hình thức chăn nuôi này nên không chỉ ông Nhất mà tất cả các hộ dân trong bản đều đã thay đổi phương thức chăn nuôi hiệu quả hơn.
Trung bình, mỗi năm ông Nhất bán 3 - 4 con bê, mỗi con bê có giá khoảng 9 triệu đồng. Ông bảo, mỗi con bê nếu nuôi thêm 1 năm nữa sẽ thành bò, khi đó số tiền bán được lên đến 20 triệu đồng. Đến Mường Giàng, điều ấn tượng nhất chính là không một tấc đất nào bị bỏ hoang. "Bờ xôi ruộng mật trồng lúa, ngô hay trồng rau. Còn đất xấu hơn hay những thửa ruộng nhỏ, chúng tôi tận dụng trồng cỏ nuôi bò. Ở bản Mường Giàng, người dân không để phí một tấc đất nào…", ông Nhất tự hào khi nói về bà con dân bản.
Rồi ông Nhất kể, hai người con lớn của ông sau khi học xong THPT đã đi làm công nhân tại Bắc Ninh. Hai vợ chồng ông ở nhà trồng 1 ha ngô. Mỗi năm, thu hoạch được hơn 30 bao thóc, không những đủ ăn mà còn có để chăn nuôi. Ngoài đàn bò 4 con, ông còn nuôi lợn, gà, ngan… "Công việc luôn chân luôn tay nhưng bù lại có thu nhập ổn định nên rất phấn khởi", ông Nhất nói.
Bóc xong đống bắp ngô vừa thu hoạch, chị Lày Thị Kiêm ở bản Mường Giàng vội lấy bao tải cất hết những vỏ ngô khô. "Trước đây vỏ ngô đều vứt bỏ hoặc dùng đun nấu nhưng nay được cán bộ hướng dẫn phải cất để làm thức ăn dự trữ vào mùa đông cho bò", chị Kiêm nói.
Nhà chị Kiêm nuôi 6 con bò và bê. Chị kể, trước đây gia đình từng vay ngân hàng mua 1 con bò về nuôi với hy vọng sẽ nhân đàn. Tuy nhiên, do không có kiến thức chăn nuôi, nên chỉ chăn thả tự do và không biết dự trữ thức ăn vào mùa đông, không có chuồng trại, không tiêm phòng nên bò bị chết vì dịch bệnh.
"Bò chết, bao nhiêu hy vọng tiêu tan. Tôi phải trồng ngô, nuôi lợn để lấy tiền trả ngân hàng nên rất sợ… nuôi bò. Khi được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn nuôi bò tôi vẫn sợ bò lại chết như trước thì "cụt vốn". Thế nhưng, khi thấy các hộ dân quanh nhà chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng hiệu quả, tôi quyết định bán ngô và mấy con lợn thịt để mua con bò giống với giá 20 triệu đồng. Thật may, bò được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sinh trưởng tốt. Đến nay, từ 1 con bò giống tôi có đàn bò 6 con. Trước đó, tôi cũng đã bán 2 con bê được 20 triệu đồng", chị Kiêm phấn khởi kể.
Nhờ những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả mà Mường Giàng ngày càng phát triển. Tất cả các tuyến đường nội bản đều được đổ bê tông kiên cố đến tận sân của từng gia đình. Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, bà con bàn nhau góp cát, sỏi, công lao động đổ bê tông. Cũng nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nên tất cả các hộ dân đã có nước sạch để sử dụng hằng ngày, có điện lưới quốc gia thắp sáng, được xem ti vi, qua đó, học hỏi thêm nhiều kiến thức pháp luật, kỹ thuật sản xuất; con em có lớp học khang trang.