THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:46

Muôn vẻ nghề "ông già Noel" ở Mỹ

Ed Taylor, một trong những Santa Claus nổi tiếng nhất nước Mỹ, chưa từng nghĩ sẽ hóa thân thành ông già Noel. Taylor lần đầu tiên mặc bộ đồ ông già Noel ở Ashland (Oregon) vào năm 2003, sau khi bạn ông bất ngờ bị ốm và cần người thay thế vào phút cuối để đến buổi gây quỹ của địa phương. Ban đầu rất do dự nhưng Taylor đã được vợ động viên để hóa trang. Rất nhanh chóng, ông phát hiện ra cơ duyên mới của mình.

"Trong vài phút, tôi nghĩ rằng điều này thật đặc biệt. Tôi lái xe về nhà với vợ và nói rằng tôi sẽ tình nguyện làm ông già Noel ở bất cứ đâu, mỗi khi có người cần", ông kể lại với Business Insider.

Công việc chính ban ngày của Taylor là phát triển kinh doanh và diễn giả. Tuy nhiên, niềm say mê về Giáng Sinh từ lần hóa thân đầu tiên đã đưa ông đi khắp các trường học, bệnh viện, cơ sở xã hội tại Oregon.

Đến năm 2011, đam mê được làm ông già Noel đã đưa ông đến với Century City Mall tại Los Angeles, nơi ông bắt đầu kiếm tiền từ sở thích này và chuyển dần sang một ngôi sao Hollywood thực thụ.

Muôn vẻ nghề "ông già Noel" ở Mỹ - Ảnh 1.

Ông già Noel Ed Taylor. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đối với Taylor, trung tâm thương mại từng là nơi làm việc chính. Tuy nhiên, ông cũng bắt đầu thấy bất ổn khi ngày càng nhiều điểm bán lẻ cao cấp mọc lên ở Los Angeles. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều cạnh tranh hơn và ít khách hàng hơn.

"Tôi rất thích làm việc trong trung tâm thương mại, nhưng tôi muốn làm nhiều loại công việc khác nhau. Đã có rất nhiều lần nó thưa vắng và không nhiều người đi bộ. Điều đó thật nhàm chán với tôi. Tiền vẫn ổn và mọi thứ như vậy, nhưng nó không vui như tôi đã từng thích", Taylor nói.

Khi còn ở Century City, ông kết bạn với một số nam nữ diễn viên trẻ đầy tham vọng. Họ cộng tác với ông trong vai yêu tinh và người giúp việc của ông già Noel. Nhóm của ông từ đó có các hợp đồng biểu diễn trên truyền hình.

Chẳng bao lâu, Taylor tham gia vào hàng loạt dự án, từ nhạc Giáng Sinh của Gwen Stefani và Blake Shelton đến một tập trong "Ridiculousness" của MTV. Qua các năm, ông cộng tác với nhiều ngôi sao Hollywood như Jimmy Kimmel, Ellen DeGeneres, và James Corden.

"Tôi phát hiện rằng tôi rất giỏi diễn xuất. Tôi có kinh nghiệm làm diễn giả chuyên nghiệp nên nó rất hữu ích", ông nói.

Ngoài những lần xuất hiện trên truyền hình, Taylor còn điều hành Học viện ông già Noel, nơi tổ chức các hội thảo cho những ông già Noel khao khát tìm kiếm cả công việc bán lẻ và biểu diễn. Học viện hiện có 3.000 thành viên, 15% trong số đó phải trả phí để được tiếp cận các nội dung độc quyền và sự kiện đặc biệt.

Một ông già Noel nổi bật khác là Jonathan Rich, một ông già Noel biểu diễn, người đã chia ca làm việc cùng Taylor tại Trung tâm thương mại Century City. Giờ đây, Rich bắt đầu tham gia các sự kiện riêng tư và làm việc tại các trung tâm xã hội, nơi có thể phát triển đam mê thực sự trong công việc.

Muôn vẻ nghề "ông già Noel" ở Mỹ - Ảnh 2.

Ông già Noel Jonathan Rich. Ảnh: Gig Roster.

"Đối với tôi, đó là liệu pháp. Tôi cảm thấy thất vọng về thế giới và con người. Trở thành ông già Noel mang đến cho tôi cơ hội để làm mới niềm tin vào nhân loại", Rich nói.

Trong nhiều năm, Rich trở nên thất vọng với bối cảnh trung tâm thương mại, đặc biệt khi anh bị áp lực phải bán thêm ảnh, hàng hóa và dành ít thời gian hơn để nói chuyện với trẻ em. Sự ra đời của truyền thông xã hội cũng bắt đầu thay đổi cách người mua sắm tương tác với trung tâm thương mại. Nhiều phụ huynh trẻ chỉ cố có được bức ảnh hoàn hảo để đăng lên Instagram.

Tại các trung tâm cao cấp ở Los Angeles, các chuyến thăm của ông già Noel được báo trước qua di động nhằm thu hút nhiều phụ huynh nhất có thể. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa, phép màu về sự bất ngờ khi ông già Noel đến không còn.

"Tôi đã được đối xử không tốt. Tôi được bảo là đi nhanh hơn và bán nhiều hơn. Vì vậy, tôi đã nói sẽ không bao giờ đi làm ở trung tâm thương mại nữa", Rich nói ông chọn các buổi diễn tại những bữa tiệc công ty.

Rich còn tìm thấy niềm đam mê khi làm việc tại các trung tâm xã hội. Ông vốn bị điếc một phần nên thường xuyên đến ngôi trường dành cho trẻ khiếm thính, nơi những đứa trẻ rất vui mừng khi thấy một ông già Noel cũng có máy trợ thính.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ông già Noel đều muốn thành diễn viên nổi tiếng hay lui về hoạt động tại những sự kiện riêng tư. Một số người, như Jim Langley, vẫn cần mẫn làm việc tại các địa điểm bán lẻ.

Langley, sống ở Fort Worth (Texas) đã làm ông già Noel trong 49 năm. Hiện ông đang làm việc tại một cửa hàng của Cabela. Mặc dù rất yêu công việc, nhưng ông cũng thừa nhận nó khá mệt mỏi, cả về tinh thần và thể chất.

"Thật mệt mỏi. Mọi người không nhận ra nhưng nó giống như nâng một quả tạ 10 pound (đứa bé) lặp đi, lặp lại hàng trăm lần mỗi đêm. Và đôi khi, quả tạ 10 pound đó đang đá và la hét", ông miêu tả.

Tuy nhiên, ông cho biết kinh nghiệm khi làm ông già Noel đã mở rộng tầm nhìn của bản thân về nhân loại. Ông thường xuyên đón các nhóm trẻ em đa dạng về chủng tộc, tôn giáo và tình trạng kinh tế xã hội.

"Đó là một trong những công việc khó khăn nhất vì bạn phải biết tâm lý trẻ em. Bạn sẽ được hỏi một số câu rất khó như 'Con có thể có em trai vào dịp Giáng Sinh không?' hoặc 'Ông có thể đưa bố con về nhà vào dịp Giáng Sinh không?'", ông nói.

Langley thừa nhận, dù có thể khó đáp ứng với những yêu cầu đau lòng như vậy, nhưng chỉ cần lắng nghe và cho những đứa trẻ biết chúng đang được lắng nghe. "Những đứa trẻ này là thế hệ tương lai của chúng ta. Chúng là hy vọng cho thế giới và chúng ta thực sự cần nói chuyện với chúng", ông nói.

Theo Santa Rick, người điều hành Học viện Santa Lights miền Bắc (Mỹ) - một cơ sở đào tạo ông già Noel, cho biết, do tính chất thời vụ của công việc, ít ông già Noel kiếm được hơn 25.000 USD một năm và hầu hết thu về 5.000-15.000 USD.

Theo PHIÊN AN /Vnexpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh