Muốn thăng tiến nhanh, người trẻ nhất thiết phải chọn người sếp có những tính cách này!
- Chia sẻ
- 16:08 - 14/09/2020
Trong cuộc sống, những người thầy đầu tiên luôn là những người ảnh hưởng nhất đến với mỗi cá nhân. Khi đi làm cũng vậy, những người sếp đầu tiên luôn là những người ảnh hưởng đến tác phong và cung cách làm việc của bạn. Dù là ở bất kì công việc hay vị trí nào, nếu bạn gặp được người sếp biết định hướng, đưa cho bạn được những lời khuyên hữu ích sẽ giúp bạn có những kinh nghiệm quý báu cho cuộc sống sau này.
Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhận định được đâu là một người sếp có thể giúp bạn phát triển hơn. Thì đây có thể là một trong những tiêu chí bạn đặt ra để có thể chọn được người lãnh đạo phù hợp cho mình.
1. Chọn người sếp cầu toàn và kỷ luật
Đa phần nhân viên mới đi làm đều rất sợ những người sếp cầu toàn và kỷ luật. Đơn giản là khi mới đi làm chắc chắn bạn sẽ mắc sai sót công việc. Điều này là không thể tránh khỏi. Trong thời gian là sinh viên, chúng ta đa phần đều khá thoải mái trong việc giờ giấc và bài vở nên không áp lực. Nhưng trong môi trường công sở, kỷ luật và văn hóa luôn được các doanh nghiệp tôn trọng. Do vậy, chúng ta cần phải thích nghi và tập làm quen với điều đó.
Khi ta làm việc với một người sếp kỷ luật và cầu toàn, nhiều lúc bạn sẽ thấy họ thiếu đi tính sáng tạo và cứng nhắc trong công việc. Điều đó khiến nhiều bạn sinh viên mới đi làm cảm thấy ngột ngạt trong cách làm việc. Nhưng rèn luyện được điều đó sẽ giúp các bạn tiến bộ rất nhanh trong công việc. Kỷ luật giúp chúng ta tập trung hơn, tác phong làm việc chuyên nghiệp và chuẩn chỉnh hơn. Cầu toàn giúp cho bạn cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc. Học được hai tính cách này càng sớm thì bạn sẽ càng được tin tưởng và giao cho nhiều trọng trách.
Chọn người sếp kỷ luật thì bạn sẽ càng dễ dàng vào khuôn khổ, có những tác phong và cung cách làm việc chuyên nghiệp được hình thành sớm. Sếp cầu toàn sẽ chỉ ra cho bạn càng nhiều lỗi sai, lỗ hồng bạn cần bù đắp. Dần dần bạn sẽ ngày càng trở nên hoàn thiện và làm việc một cách chắc chắn.
2. Sếp công bằng và phân minh
Có một sự thật là ở môi trường công sở nào cũng có những sự tranh đấu lẫn nhau giữa các cá nhân và tập thể. Giữa đội nhóm này với đội nhóm khác, giữa nhân vật này với nhân vật khác. Nơi công ty nhỏ có xung đột kiểu công ty nhỏ, nơi tập đoàn lớn có xung đột kiểu tập đoàn lớn. Do vậy, những người trẻ thường sẽ bị sốc khi trước những xung đột về lợi ích tại nơi công sở dù đó có là xung đột ngầm đi chăng nữa. Trước những bất công nơi công sở những người mới sẽ khó thích nghi và dễ dàng bỏ cuộc.
Do vậy, với vai trò là một người dẫn dắt, những người sếp đầu tiên luôn là người tạo nên một môi trường công bằng, phân minh nhất với tất cả những nhân viên họ quản lý. Một người sếp tốt phải là một người sếp nhìn thấu được những công việc, ưu điểm, nhược điểm của nhân viên của mình. Có thể sẽ không được 100% nhưng cũng phải là 60-70%. Như vậy sếp mới đánh giá chính xác trình độ nhân viên của mình và giao họ những công việc phù hợp. Điều đó sẽ khiến những nhân viên mới tập trung vào những nhóm việc chuyên môn và trau dồi kỹ năng mới.
Ở trong một doanh nghiệp, việc xung đột, tranh chấp, bất bình đẳng chắc chắn là những việc luôn xảy ra. Nhưng điều đó sẽ không còn quan trọng nếu các cấp quản lý trực tiếp tạo cho nhân viên của mình môi trường cạnh tranh bình đẳng, an tâm vào công việc chuyên môn. Khi đó nhân viên mới sẽ được phát triển, trau dồi thêm nhiều vốn kinh nghiệm trong công việc. Đồng thời, người sếp cũng tạo nên được một đội nhóm gắn kết và vững mạnh.
3. Người vạch ra cho bạn lộ trình thăng tiến và quy trình làm việc
Đa phần những bạn mới ra trường và đi làm đều mù mờ về công việc mình làm. Khi bắt đầu một công việc mới, họ thường chỉ biết làm nhưng chưa biết công việc này sẽ giúp họ như nào, phải phát triển kỹ năng ra sau. Nhiều bạn trả lời phỏng vấn rất rõ ràng là 1, 2 năm nữa mình sẽ lên quản lý, làm trưởng nhóm nhưng lại chẳng thể vạch cho mình lộ trình để đạt được điều đó. Khi đó, chính những người sếp sẽ là những người giúp bạn.
Một người sếp giỏi không chỉ là một người khai thác tốt thế mạnh của nhân viên mà họ còn phải là người khai phá những tiềm năng trong họ. Người lãnh đạo là người chỉ được cho nhân viên của mình có thể làm những điều anh ta chưa từng làm, giúp họ vượt qua giới hạn bản thân. Đồng thời, những người lãnh đạo đầu tiên chính là hình mẫu, người định hình con đường công việc cho những nhân viên mới đi làm.
Với những người mới, họ là những tờ giấy trắng cần được trau dồi. Nhưng làm sao để tờ giấy đó được trình bày một cách rõ ràng, gọn gàng theo những quy trình cụ thể thì cần được một người giỏi vẽ lên. Đó chính là những người lãnh đạo đầu tiên. Họ sẽ chỉ cho bạn là hiện tại bạn đang ở đâu, tương lai bạn sẽ ở đâu và cần làm gì để đi đến đó. Vậy nên, hãy chọn cho mình một người lãnh đạo phù hợp thì bạn sẽ phát triển rất nhanh trong công việc.