Phi công phải bồi thường phí huấn luyện, đào tạo nếu xin nghỉ việc
- Bài thuốc hay
- 13:51 - 18/04/2015
Theo dự thảo, với những nhân viên hàng không trình độ cao như phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa máy bay đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Tuy nhiên, người lao động phải thông báo bằng văn bản cho chủ doanh nghiệp 180 ngày (6 tháng).
Lý do ban soạn thảo đưa ra khoảng thời gian này, là để doanh nghiệp lập kế hoạch duy trì hoạt động bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, phi công hay các lao động trình độ cao khác đồng thời phải bồi thường chi phí huấn luyện, đào tạo và chi phí phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hàng không phải thanh lý hợp đồng lao động với nhân viên sau khi hai bên đã hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ theo hợp đồng lao động.
Dự thảo Thông tư cũng quy định, phi công chỉ được chuyển đổi công việc sau khi hoàn tất thanh lý hợp đồng lao động với đơn vị cũ và có hợp đồng lao động mới; có chứng nhận hoàn thành các nội dung huấn luyện. Sau 7 ngày ký kết hợp đồng lao động với phi công, chủ doanh nghiệp phải gửi danh sách phi công tới Cục Hàng không Việt Nam để theo dõi hoặc phải thông báo nếu chấm dứt hợp đồng.
Đầu năm 2015, Vietnam Airlines đã có 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Trong đó, không ít phi công đã muốn chấm dứt hợp đồng vơi Vietnam Airlines để chuyển sang hãng bay khác. Tình trạng nghỉ việc đồng loạt của phi công đã khiến Vietnam Airlines phải "cầu cứu" Bộ GTVT vào cuộc. Theo một số nhà quản lý, đặc thù của ngành vận tải hàng không là các kế hoạch khai thác, kinh doanh và lịch bay theo mùa đều được lập theo chu kỳ 6 tháng, bao gồm việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đảm bảo sự ổn định và an toàn trong quá trình khai thác. Bộ luật Lao động quy định, thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động từ ít nhất 3 ngày đến ít nhất 45 ngày tùy theo loại hợp đồng lao động và gắn với từng trường hợp cụ thể. |