CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:01

Muôn nẻo nhớ quê

Trước khi biết đến một nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng, tôi đã biết anh trong tư cách một thi sĩ, tác giả của những bài thơ đăng rải rác đây đó trên các báo chí địa phương và trung ương. Một lần, quãng những năm 2000, tình cờ đọc trên báo Văn nghệ một cái bút ký của anh, liền nhấc điện thoại hỏi. Thì ra anh đã đầu quân cho báo Lao động và Xã hội có trụ sở tại Hà Nội, riêng anh xin làm chân thường trú tại Bắc miền Trung. Cũng là địa bàn tiện cho anh hoạt động, bởi anh sinh sống và viết lách tại thành phố Hà Tĩnh. Rồi cứ thế, bên cạnh việc làm tin, viết bài cho báo nhà, thỉnh thoảng anh lại cho đăng trên Văn nghệ cái ký đọc rất vào.

Không lạ. Anh được đào tạo báo chí cơ bản, lại sẵn tâm hồn thơ ca, nên anh chọn thể ký, chủ yếu là bút ký, có khi đá chút du ký, phóng sự. Kiểu bút ký có pha phách này đem lại cho anh một lối viết khá biến hóa, tung tẩy, vừa thông tin vừa cảm xúc và suy tưởng. Ngọn bút tha hồ vùng vẫy. Đọc ký của Nguyễn Ngọc Vượng có thể hình dung ra mấy khía cạnh khá thú vị. Thứ nhất, phần lớn không gian địa lý mà anh khám phá chủ yếu là vùng Hà Tĩnh quê anh, được phân định bởi phía Bắc là bờ Nam sông Lam, phía Nam là Đèo Ngang, phía Đông là biển, phía Tây là dãy Trường Sơn; một địa giới hành chính có cả đồng bằng, núi cao và biển cả.

Anh là người rất am hiểu cảnh quan, thổ nhưỡng của xứ sở này. Từ ngọn núi, con sông, bãi biển, lạch bờ, kênh rạch, đồng bãi, thảm thực vật và hệ các loài động vật… anh đều để ý, khảo sát, khám phá tường tận, ngọn nguồn. Từ đấy, các thông tin về mỗi nơi, mỗi sự, mỗi cảnh, mỗi người đều được đảm bảo bởi độ tin cậy, chân thực.

Tuy nhiên, điểm thứ hai mà tôi muốn nói, bên cạnh các không gian địa lý kể trên là các không gian lịch sử, văn hóa. Vùng đất xứ Nghệ nói chung, và riêng vùng Hà Tĩnh, là một xứ sở trầm tích tầng tầng các lớp lịch sử-văn hóa có từ thời Việt cổ, kéo dài qua thời trung đại sang thời hiện đại, giầu có và đa dạng không thể kể xiết.

Mỗi sự việc, con người thuộc mỗi không gian lịch sử-văn hóa đó đi vào các trang viết của anh được khảo tả cụ thể, chính xác, với những câu chuyện, chi tiết cực kỳ phong phú, hấp dẫn, thú vị. Qua đó, thấy thái độ làm việc công phu, đầy tâm huyết và tấm lòng của người viết.

Chỉ xin đơn cử một điểm nhỏ. Như nhiều tài liệu nghiên cứu cho biết, vùng xứ Nghệ xưa chính là nơi phát tích của người Việt cổ. Ngoài các chứng cứ thuộc về khảo cổ học, dân tộc học, có một chứng cứ thuộc về ngôn ngữ học lịch sử: trong hệ từ vựng và trong các địa danh, không ở đâu có mật độ ngôn từ cổ dầy đặc như nơi xứ Nghệ này. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, trong mỗi trang ký của Nguyễn Ngọc Vượng, anh kê cứu đầy rẫy những địa danh thuộc hệ từ cổ, nghe vừa lạ lẫm, vừa thú vị, như thể chúng phát ra những ánh xạ mơ hồ về lịch sử xa xăm của các bậc tiền nhân.

Tôi muốn nói đến ý thức nghề nghiệp báo chí của Nguyễn Ngọc Vượng. Như chúng ta biết, yêu cầu đầu tiên của báo chí là viết cái mà nhân dân cần chứ không phải là nhà báo cần; nhà báo phải là lỗ tai, con mắt, thậm chí cái miệng của nhân dân. Xét theo nghĩa ấy, các bút ký của Nguyễn Ngọc Vượng chính là tiếng nói của chúng sinh muôn nỗi được cất lên với tất cả sự cần thiết, thậm chí bức thiết một cách kịp thời.

Các câu chuyện về di dân, về sinh thái rừng, sinh thái biển; vấn đề lũ lụt, vấn đề làng nghề, vấn đề di tích lịch sử và văn hóa, vấn đề chính sách cho người nghèo, cho thương binh liệt sĩ…Mỗi bút ký là một câu chuyện về muôn nỗi nhân sinh. Sự lên tiếng của Nguyễn Ngọc Vượng đã có không ít trường hợp tác động tích cực đến những tổ chức, chính quyền các cấp, đem lại hiệu quả tốt cho cuộc sống của người dân, góp phần làm lành mạnh xã hội, gìn giữ các giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc và bản địa.

Điều cuối cùng tôi muốn nói, qua mỗi trang bút ký, người đọc nhận ra niềm gắn bó tha thiết, tự nguyện của tác giả đối với quê hương. Tình yêu đối với đất và người Hà Tĩnh thì đã hẳn. Nhưng ở con người này, lòng thương người thương quê mới thật sự lớn, mới là phần căn cốt nhất. Phải, chỉ khi biết thương quê, thương người quê, thương cảnh quê mới biết đau, biết xót với những nỗi khổ, nỗi mất mát ở quê hương vì muôn vàn lý do có tên và không tên.

Các trang bút ký của anh chính là vẻ đẹp của lòng THƯƠNG QUÊ cất thành lời. Đọc các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Vượng, tôi không chỉ được hiểu thêm các tri thức địa lý, lịch sử, văn hóa, dân tộc chí của xứ sở này, mà tôi còn biết yêu thêm, nhất là biết thương (đúng cách) hơn đối với đất và người nơi đây.

Tôi rất cảm động khi được nói đôi lời nhỏ bé ở trang đầu của quyển sách này. Giờ thì tập bút ký “Hồn thiêng Nam Giới” sẽ được trao vào tay bạn đọc để nối dài thêm những tri âm. Hà Nội, những ngày áp Tết năm Tân sửu, 2021

Nhà văn VĂN GIÁ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh