THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:31

Mùi Tết xưa còn thơm trong gió nhớ ...

Vào chiều 30 Tết có một mùi kỳ diệu có tên gọi mùi chờ đợi hồn nhiên, đó là mùi lửa đun bánh chưng có màu hồng rực, thơm ngậy quyện hòa mùi gạo nếp và lá dong đang được đun sôi sùng sục và ngời ngời ánh mắt trẻ thơ cố đợi đến khi dỡ bánh, ngâm nước lạnh, vớt ra xếp ngay ngắn trên một tấm gỗ và ép bằng cối đá. Chao ôi! Mấy chục năm đã qua như bao nước sông chảy qua cầu, tôi vẫn nhớ hình ảnh lũ trẻ nhỏ gật gù nhìn bếp lửa, mắt đã díp lại mà vẫn kiên cường chờ đợi, cho đến khi được cha mẹ, ông bà chia từng cái bánh chưng nhỏ xíu cho mỗi đứa. Mùi lửa trong bếp luộc bánh chưng là mùi chờ đợi thơ ngây, chờ đợi không chỉ vì đói và thèm vì cả năm mới một lần được chờ đợi như thế, mà còn vì niềm vui sum họp của cả nhà quanh nồi bánh ấy. Sự đoàn viên cũng như bếp lửa kia, mỗi thành viên trong gia đình góp một thanh củi yêu thương, để rồi tất cả chụm vào nhau mà ấm áp, cùng cháy lên ngọn lửa hạnh phúc trong đêm Giao thừa thiêng liêng - thời khắc mà tất cả người Việt dù đi xa đến đâu cũng khát khao trở về, sum họp đầm ấm gia đình.

Empty

Sau mùi lửa hồng kia là mùi nước lá thơm sôi sùng sục, rồi được pha với nước lạnh trong chậu to, bọn trẻ con được ưu tiên tắm trước. Mẹ pha nước tắm vừa đủ không nóng, không lạnh quá, rồi quay lại bảo tôi:

- Con tắm trước đi. Gột rửa sạch không chỉ bụi bẩn mà cả những khuyết điểm từng mắc trong năm cũ, để ta mới tinh, thơm sạch trong năm mới nhé.

Mẹ hay đun nước tắm bằng lá của chanh, sả, bưởi, hoặc cây mùi già. Cúi mặt xuống hít lấy hít để mùi lá thơm, bỗng thấy tình mẹ nồng nàn và thẳm sâu biết bao dành cho con cái. Sau này khi đã trưởng thành, tôi cũng tắm tất niên bằng nước lá thơm, sao không bao giờ còn gặp cảm giác rưng rưng như ngày xưa ấy?

Nhưng trong các mùi vị của Tết xưa đầy thương nhớ, có lẽ mùi Giao thừa là thiêng liêng và được níu giữ lâu bền nhất trong ký ức. Vậy mùi Giao thừa là gì? Đó là tổng hòa của nhiều mùi vị như mùi của trầm hương được cha trang nghiêm thắp trên bàn thờ tiên tổ, một mùi thơm vừa dịu nhẹ vừa trầm sâu dẫn dắt chúng ta về cõi tâm linh vời vợi. Mỗi khi chắp tay thành kính đứng cạnh cha, tôi hay liên tưởng đến hai hình ảnh trái ngược nhau thật lạ lùng: - Những đám mây trắng uy nghi trên bầu trời xanh và lòng giếng thơi sâu thăm thẳm. Nhìn những làn khói nhang màu trắng thong thả uốn lượn, bay lên, tôi cứ nghĩ đó là những cây cầu kỳ diệu để tổ tiên, ông bà đi trên đó mà trở về ăn Tết cùng con cháu. Mùi trầm hương thăm thẳm ấy lại quyện hòa với mùi thơm của pháo tép nổ giòn vang đúng vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Sau cúng Giao thừa, đúng vào lúc đồng hồ điểm chuông báo 12 giờ đêm, cha tôi treo bánh pháo tép hồng tươi trước hiên nhà, mấy anh em tôi vừa bịt tai vừa tranh nhau châm pháo. Tiếng pháo nổ giòn giã, cả xóm cùng đồng loạt đốt pháo, xác pháo là giấy hồng điều bay khắp sân, cha cười rồi nói khẽ:

- Nghe tiếng pháo nổ đều thế này, năm nay sẽ làm ăn thuận lợi, mùa này tốt tươi cho mà xem.

Mùi thuốc pháo nồng nồng thơm thơm trở thành một phần của mùi ký ức, đưa chúng ta trở về tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch. Dù pháo nổ giờ bị cấm, tôi vẫn tin rằng: khi nào ý thức của dân ta tốt hơn, không còn làm pháo thật to để đốt bừa bãi gây tai nạn, pháo tép sẽ trở về, trao thêm một mùi vị đặc biệt cho Tết Việt, như đã tồn tại hàng vài trăm năm trước đấy. Ôi âm thanh và mùi pháo Tết ấy gắn với ánh mắt tròn xoe, răng sún, tóc râu ngô của lũ trẻ quê nghèo tranh nhau nhặt pháo xịt lúc giao thừa qua bao thế hệ, làm sao có thế nguôi quên?

Empty

Không chỉ có mùi trầm hương và mùi pháo Tết làm nên mùi Giao thừa kỳ diệu, còn có một mùi vị đặc biệt nữa không dễ diễn tả thành lời. Đúng vào Giao thừa, năm nào cũng thế, cha tôi khai bút đầu xuân. Là một ông giáo già tinh thông Hán học, cha tôi luôn giữ phong tục này, rèn giũa cho các con lòng hiếu học cùng sự trân trọng chữ nghĩa và tình nhân ái, tạo thành nếp nhà thanh bạch mà nhân văn. Cha cắt những vuông giấy đỏ, viết lên đó chữ NHÂN, chữ NGHĨA, chữ TÂM… trao cho từng đứa con. Cầm vuông giấy của mình lên, cha bảo cho tôi chữ NHẪN, tôi ngửi thấy mùi thật đặc biệt, không chỉ là mùi mực Tầu và mùi giấy dó, đây là mùi vị từ tâm hồn, trí tuệ của cha trao cho chúng tôi, với bao lời nhắn gửi tha thiết về đạo làm người, với tri thức và đạo đức là hai phẩm chất quan trọng nhất. Mãi sau này khi đã lớn khôn, tôi mới hiểu được những món quà quý giá mà cha đã trao qua bao nhiêu đêm Giao thừa, ở khoảnh khắc đặc biệt ấy, mùi trầm hương, mùi pháo, mùi thơm và ánh sáng từ những con chữ cha viết trao gửi cho đàn con đã hợp lại, trở thành mùi Giao thừa phả ám vừa thơm tho vừa chan hòa ánh sáng vào ký ức, mãi mãi không quên. Tôi không cảm nhận những mùi vị ấy bằng khứu giác, bởi đó là những mùi vị tượng trưng cho một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của người Việt, đã hun đúc nên nhân cách và trí tuệ cho những con người tử tế từ thủa ấu thơ, để khi lớn lên họ sẽ trở thành những người có tài, có đức, biết yêu thương và phụng sự hết lòng cho đất nước và dân tộc Việt Nam mình. Tôi cảm nhận và lưu giữ những mùi vị ấy bằng cả trái tim và khối óc mình.

Sáng Mùng 1 Tết, sau cả một năm chăm chỉ học tập và lao động giúp cha mẹ như trồng rau, nuôi gà, thái chuối, băm bèo cho lợn ăn, tôi được thưởng một bộ quần áo mới có mùi thơm xúng xính, đặt tay vào nó suốt đêm để chờ đợi, làm bộ quần áo ấm nóng. Dành dụm và đợi chờ đến khi nghỉ Tết, sáng sớm Mùng 1 Tết tôi mặc quần áo mới chạy ra ngoài ngõ. Tiếc thay không có ai dậy sớm và đi ngang qua để khen tôi một câu cho hả lòng hả dạ. Đang ngáo ngơ ngoài ngõ, nghe tiếng mẹ gọi, tôi cuống quýt chạy vào và nhảy cẫng lên vui sướng vì được mẹ lì xì cho mỗi anh em 5 xu bỏ trong phong bao tự làm có màu hồng điều. Ngửi đồng 5 xu ấy tôi thấy có mùi mồ hôi mằn mặn của cha mẹ một nắng hai sương, quanh năm vất vả. Mùi quần áo mới và mùi đồng tiền 5 xu được lì xì tuy có khác nhau, nhưng đều mặn mòi công cha nghĩa mẹ, thầm dạy chúng tôi về lòng biết ơn và tình yêu lao động.

Mặt trời đã lên cao hơn một con sào, ngoài ngõ có tiếng lao xao nói cười:

- Chúc mừng năm mới. Đã có ai xông nhà chưa? Chúc cả nhà ông giáo đón năm mới an khang, thịnh vượng nhá…

Cha mẹ tôi hớn hở ra đón bà con cô bác trong xóm đến chúc Tết. Tất cả đều nở nụ cười rạng rỡ như những mặt trời nhỏ ấm nồng, tỏa ra một mùi vị đặc biệt có thể đặt tên là mùi xóm giềng với sự đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau lúc tối lửa tắt đèn. Từ bé tôi đã băn khoăn mãi về câu tục ngữ: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Anh em dù ở xa thì có bán được không? Láng giềng gần thì đâu có thể mua được? Mãi đến khi tóc ngả bạc tôi mới hiểu thấu đáo: Ông bà mình sâu sắc lắm. Bằng biện pháp cường điệu để khẳng định một chân lý được đúc rút từ thực tiễn: Anh em ruột thịt khi ở xa sẽ không kịp thời chăm lo, giúp đỡ chúng ta bằng láng giếng gần gũi. Bởi vậy mùi láng giềng đầy ân nghĩa mới mênh mang trong những nụ cười của bà con lối xóm đến xông nhà vào sớm ngày Mùng 1 Tết của bao ngày xưa yêu dấu.

Empty

Thời gian như mây trắng bay qua đầu, đã có bao cái Tết đi qua cuộc đời mỗi con người, cuộc sống hôm nay đã ấm no hạnh phúc hơn rất nhiều so với thủa trước. Có những phong tục đã không còn tồn tại khi Tết về. Vậy thì sao bao mùi vị Tết ngày xưa cứ đi theo ta cùng thương nhớ? Bởi những mùi Tết ấy gắn bó với ông bà, cha mẹ, quê hương cùng tuổi thơ trong trẻo của mỗi người. Khi mùi Tết ấy thấp thoảng trở về trong nhớ tiếc, chúng ta như đang được gặp lại bao người thân, tuy người còn, người mất và gặp lại chính mình thủa cho chuồn chuồn cắn rốn rồi ra ao tập bơi… Sâu xa hơn thế, mùi Tết xưa còn gợi nhắc về vẻ đẹp nghĩa tình, đùm bọc sẻ chia, thương người như thể thương thân của tâm hồn Việt. Chính vẻ đẹp tinh thần ấy là cội nguồn làm nên sức mạnh Việt trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Tết Nhâm Dần đã đến, mùi Tết xưa sao cứ gọi hoài rồi thơm mênh mang trong ký ức? Thời đại đổi thay để vận động đi lên thì Tết cũng đổi thay. Thế hệ trẻ hôm nay có cảm nhận về Tết vừa giống vừa khác với cha ông họ thủa trước. Có những phong tục hoặc mãi trường tồn hoặc biến đổi hoặc sẽ biến mất. Đó là một quy luật của giao thoa - tiếp biến văn hóa, thậm chí có lúc là quy luật buồn mà chúng ta phải bình tâm đón nhận. Không thể muốn xã hội đi giật lùi về quá khứ, như khi vào bảo tàng lịch sử, yêu quý, trân trọng chiếc rìu bằng đồng có từ thời Bà Trưng khởi nghĩa, nhưng không thể vì thế mà chúng ta phải sử dụng rìu đồng trong lao động và chiến đấu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Mến yêu và hiểu sâu để trân trọng quá khứ, từ đó tự hào về hiện tại mà vững bước tới tương lai. Mùi Tết xưa có lẽ vì thế cũng là một “bảo vật” quý giá vô cùng trong "bảo tàng ký ức" của mỗi con dân đất Việt.        

Nguyễn Đức Hạnh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh