THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:23

70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục

 

Nguồn nhân lực cho công tác giáo dục TKT được quan tâm đào  

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được khung luật pháp trong việc hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho TKT. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề người khuyết tật nói chung, giáo dục TKT nói riêng đã được ban hành và ngày càng hoàn thiện, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng giúp họ nhận được ngày càng nhiều sự hỗ trợ của xã hội trên cơ sở thực hiện quyền và cơ hội bình đẳng, không rào cản để hội nhập và phát triển.

Đáng chú ý, công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong giáo dục TKT được khuyến khích nhằm thu hút đầu tư nguồn lực cho giáo dục hòa nhập, giúp TKT phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, hòa nhập cộng đồng. Nhiều năm qua, các lực lượng, tổ chức xã hội, cộng đồng, cá nhân đã tham gia và ủng hộ các hoạt động thúc đẩy giáo dục TKT.

 

 

Công tác quản lý giáo dục TKT được thực hiện có hiệu quả. Ban Chỉ đạo giáo dục TKT và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Bộ Giáo dục - Đào tạo và ở các địa phương được thành lập là dấu mốc quan trọng, đảm bảo viêc quản lý, chỉ đạo một cách đồng bộ, hệ thống trong giáo dục khuyết tật từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT cấp tỉnh được thành lập và phát triển với gần 20 Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên, cha mẹ học sinh, TKT, can thiệp sớm, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, cán bộ cộng đồng.

Quy mô giáo dục TKT ngày càng được mở rộng, các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho TKT học tập và chất lượng giáo dục TKT ngày càng được nâng cao. Đã có ngày càng nhiều NKT đi học ở các cấp học cao như trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhiều hình thức tổ chức lớp học hòa nhập linh hoạt với các dạng tật khác nhau, việc cung cấp thiết bị, đồ dùng, phương tiện đảm bảo cho việc thực hiện giáo dục TKT cũng được quan tâm và đầu tư một cách hợp lý, thiết thực.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho công tác giáo dục TKT được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng; hệ thống giáo trình, tài liệu dạy và học về giáo dục khuyết tật được xuất bản và sử dụng rộng rãi hơn trong thực tiễn.

Giáo dục TKT ở Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác giáo dục TKT ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là việc hoàn thành mục tiêu giáo dục của Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020.

Đó là sự hạn chế về nhận thức của cộng đồng về sự phát triển của TKT và tầm quan trọng của giáo dục TKT, trong đó có cả cha mẹ, cán bộ giáo dục và giáo viên. Nhiều cha mẹ không tin tưởng vào chất lượng giáo dục hòa nhập nên không gửi con đến trường, làm hạn chế hiệu quả của phương pháp giáo dục này, đồng thời cản trở cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục của TKT.

Công tác xác nhận khuyết tật và thống kê số liệu về học sinh khuyết tật còn khó khăn. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã không có sự tham gia của ngành giáo dục, dẫn đến những dạng khuyết tật có liên quan đến khó khăn về học tập không được xác định chính xác. Nhiều gia đình không muốn thừa nhận con, em mình là người khuyết tật; nhiều địa phương chưa cấp giấy chứng nhận cho TKT… dẫn đến những khó khăn trong công tác thống kê cũng như thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục học sinh khuyết tật.

Hệ thống dịch vụ hỗ trợ chuyên môn còn yếu, chất lượng giáo dục TKT còn nhiều hạn chế. Ngân sách cho giáo dục TKT chưa tương xứng với yêu cầu; cơ sở vật chất còn kém về chất lượng và thiếu về số lượng, chủng loại; sách giáo khoa và đồ dùng dạy học đặc thù cho từng dạng tật thiếu thốn; phương tiện đi lại, cơ sở vật chất chưa hoặc thiếu tiếp cận

Mặc dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật còn ít về số lượng, yếu về chất lượng. Cả nước mới có 7 cơ sở đào tạo có khoa, tổ giáo dục đặc biệt; số giáo viên được đào tạo trình độ Đại học về giáo dục TKT còn ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của gần 35 nghìn trường học từ mầm non đến THCS trong cả nước. Chương trình, giáo trình đào tạo còn nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn, hạn chế về số lượng, chất lượng… nên chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho giáo dục TKT.

Tuy thế, bằng sự nỗ lực của ngành giáo dục, sự tham gia của toàn xã hội; công tác giáo dục TKT đã có những bước tiến tích cực trong thời gian qua. Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả trong thời gian tới, tin rằng mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 70% TKT có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục sẽ đạt được và không chỉ dừng ở số lượng TKT đến trường mà chất lượng giáo dục TKT cũng sẽ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu phát triển, hòa nhập cộng đồng, xã hội của các em.  

THÀNH CÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh