THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:59

Em bé hơn 1 tháng tuổi đã biết nói!?

 

Cháu bé đặc biệt trên là con gái đầu lòng của chị Kiều Thị Hương (SN 1987) ở Thạch Thất, Hà Nội.

Chị Hương vốn là người thôn Yên Lạc (xã Cần Kiệm); lấy chồng là anh Phùng Đức Cương, người làng Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất).

Bà Dương Thị Thân (bà nội cháu bé) cho biết, cháu (tên gọi ở nhà là Cún) sinh ngày 13/12/2014, là con gái đầu lòng của vợ chồng con trai đầu của bà. Cách đây không lâu, chị Hương đi khám thai và được chuẩn đoán là cạn nước ối nên các bác sĩ chỉ định tiến hành mổ đẻ khi thai nhi đang ở tháng thứ 8.

“Cháu Cún ra đời cũng trong một hoàn cảnh tương đối đặc biệt” – bà Thân bắt đầu câu chuyện về cô cháu gái của mình một cách say sưa. Bà cho biết, con trai và con dâu bà cưới nhau hồi đầu năm ngoái (2014), một thời gian ngắn sau đó thì có bầu bé Cún. Theo lịch siêu âm, thời gian dự sinh là vào đầu năm 2015.

Do chủ quan là còn hơn một tháng nữa mới tới kỳ sinh nên hôm đó, hai vợ chồng chị Hương tranh thủ lên chơi nhà người chị gái (hiện đang là công an tại một quận nội thành Hà Nội).

Nhân có người quen làm ở Bệnh viện 198 (Bộ Công an) nên người chị gái đã đưa chị Hương vào viện này để kiểm tra. Thời điểm siêu âm, bác sỹ thông báo thai đã cạn ối và cần phải mổ gấp. Chị Hương cũng không lường trước được tình huống này vì cho đến thời điểm đó, chị không hề thấy đau mỏi cũng như không có bất cứ biểu hiện trở dạ nào. Tuy nhiên, sau khi nhận thông tin từ bác sỹ siêu âm, chị gái và anh Cương (chồng chị) nhanh chóng làm thủ tục cho chị nhập viện.

“Hai vợ chồng nó ra chơi nhà chị gái lúc 4h. Đến 5h chiều thì gọi điện về thông báo cho gia đình là phải nhập viện mổ khẩn cấp. Gia đình cũng bối rối vì chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho việc này do chủ quan, cứ đinh ninh theo kết quả siêu âm trước đó thì phải tới hơn 1 tháng nữa mới tới kỳ sinh” – mẹ chồng chị Hương kể lại.

 

Theo lời của bà Thân, chuyện cháu Dương biết nói từ lúc hơn 1 tháng tuổi khiến cả nhà ai nấy đều ngạc nhiên (Ảnh: Vũ Đậu)

Theo lời của bà Thân, chị Hương nhập viện lúc 5h chiều nhưng mãi tới gần 22h giờ đêm mới được mổ. Lúc lấy thai, nước ối đã cạn gần hết. Các bác sỹ cho biết, nếu để chậm hơn thì sợ là đã xảy ra tình huống xấu cho cả mẹ và con.

“Dù sinh thiếu tháng như cháu bé tương đối khỏe mạnh, cân nặng lúc sinh là 2,5kg. Cháu rất ngoan và hầu như không khóc đêm” – bà Thân cho biết.

Theo lời của bà Thân, khi cháu bé tròn 1 tháng tuổi, mẹ con chị Hương chuyển sang nhà ngoại. Ở đến ngày thứ 3 thì cháu bắt đầu gọi ba. Sang ngày thứ 5 thì cháu bé gọi rõ và nhiều hơn.

Còn bà Đỗ Thị Tâm (bà ngoại của bé, là giáo viên về hưu) cho biết, khi “tai nghe mắt thấy” chuyện cháu cất tiếng gọi bà, gọi mẹ, thấy lạ, bà đem chuyện kể cho chồng (là ông ngoại của bé, nguyên là cán bộ công an, nay đã nghỉ chế độ) nhưng ông không tin, còn cho rằng đó là ảo giác. Sau đó, bà chủ động dùng điện thoại quay lại những lần cháu nói thì lúc đó, ông mới chịu thừa nhận khả năng kỳ lạ của cháu bé.

 

Mặc dù còn ẵm ngửa trên tay nhưng con chị Hương đã biết nói (Ảnh infonet)

Hiện tại, Cún đã được gần 3 tháng tuổi và được đặt tên trong giấy khai sinh là Phùng Ánh Dương. Chuyện cháu Cún biết nói ngay từ khi còn bế ẵm không chỉ gây ngạc nhiên đối với những người trong gia đình mà đến những người bà con thôn xóm ai cũng ngỡ ngàng.

Thông tin về câu chuyện lạ trên, ông Kiều Trung Thành, trưởng thôn Yên Lạc khẳng định, bé Cún biết gọi ông, gọi bà từ lúc hơn 1 tháng tuổi không chỉ bản thân ông mà nhiều người dân trong làng đều đã từng được nghe. “Đây có lẽ là cháu bé đầu tiên trong thôn biết nói sớm như vậy” – Trưởng thôn Yên Lạc cho hay.

Trước sự việc cháu bé đang còn ẵm ngửa mà đã có thể gọi bà, gọi mẹ, nhiều người phỏng đoán rằng, có thể do lúc nhỏ, bố mẹ cháu Cún cũng biết nói sớm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì điều này có vẻ không đúng với thực tế của anh Cương, chị Hương (bố mẹ cháu bé).

Theo lời mẹ chị Hương thì từ hồi nhỏ, chị Hương phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Và thời điểm chị bắt đầu học nói cũng không khác biệt gì so với những đứa trẻ cùng trang lứa.

Còn theo lời của mẹ anh Cương, hồi nhỏ, anh Cương (bố cháu Cún) không những không nói sớm mà còn nói quá chậm. Lúc được gần 1 tuổi, chẳng thấy con ê a gì, mẹ anh sốt ruột, nghĩ dại “hay là con mình bị vấn đề”.

Thời điểm đó, gia đình ai nấy đều lo lắng nhưng chỉ còn cách kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng con chỉ bị chậm một chút so với những đứa trẻ khác. “Tuy nhiên, chờ đến khi Cương được hơn 1 tuổi, rồi 2 tuổi, vẫn không thấy có dấu hiệu gì, lúc ấy mọi người vội vàng đem anh đi thăm khám. Tuy nhiên, gặp thầy gặp thợ nhiều mà chẳng thấy tình hình biến chuyển, nghe lời khuyên của một số người già trong vùng, gia đình làm theo cách đi “cướp quà” (một hình thức làm dấu chữa bệnh chậm nói ở trẻ con) để Cương có thể bập bẹ ê a.

Và thế là sáng sáng, Cương được bà nội, bà ngoại bế ra chợ. Khi trông thấy ai đang ăn quà, người bế Cương sẽ giơ tay ra giật lấy (theo kiểu cướp) để Cương được vía mà nói. Tuy nhiên, theo đuổi biện pháp này một thời gian mà Cương vẫn không nói được, gia đình đành từ bỏ chuyện “cướp quà” và chấp nhận để con tự phát triển” – bà Thân kể lại.

Và niềm hạnh phúc của gia đình gần như vỡ òa khi được 26 tháng tuổi, Cương bất ngờ ê a tiếng đầu tiên. Lúc đó, gia đình ai nấy đều tập trung dạy Cương học nói vì biết con mình đã bị chậm quá nhiều so với những đứa trẻ khác. Sau giai đoạn đó, Cương phát triển một cách bình thường, đến tuổi đi học, tiếp thu kiến thức khá nhanh. Sau này, con trai bà tốt nghiệp Đại học Bách Khoa và sau đó học tiếp lên Cao học. Hiện anh đang là chủ một công ty chuyên về kỹ thuật xử lý môi trường. Còn chị Hương (vợ anh) cũng đã tốt nghiệp Đại học, hiện ở nhà trông con và phụ giúp chồng các công việc của công ty.

“Bố của Cún thì hơn 2 tuổi mới nói được tiếng đầu tiên. Còn Cún thì hoàn toàn ngược lại, mới đang giai đoạn ẵm bồng đã có thể cất tiếng gọi ông, bà, mẹ và bố của của nó mà không hề bị ngọng, bị vấp, kể ra cũng thật lạ lùng!” – bà Thân cho hay.

Thừa nhận chuyện con mình biết nói sớm nhưng khi chúng tôi đề nghị được chụp ảnh của cháu Dương thì mẹ và bà của cháu đều từ chối. Chị Hương cho biết, con chị còn quá nhỏ, việc cháu nói sớm có thể là do Bà Mụ dạy (giống như nhiều trẻ sơ sinh khác thường được Bà Mụ dạy cười, dạy ê a trong vô thức). Gia đình không muốn chỉ vì việc này mà cháu trở thành đối tượng gây tò mò, chú ý đối với mọi người.

“Gia đình hạn chế việc cháu bị chụp ảnh, quay video cũng là một cách bảo vệ cháu, để cháu có được một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác trong vùng” – mẹ cháu Dương nói.

Theo tinmoi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh