CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:05

Mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa trong vòng 30 năm

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Công bố Kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 diễn ra vào sáng nay (ngày 18/12) tại Hà Nội.

Mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa trong vòng 30 năm - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được công bố vào ngày 19/12/2019. Tiếp theo các kết quả này, Tổng cục Thống kê thực hiện nghiên cứu phân tích chuyên sâu một số chủ đề dân số, gồm: mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư và đô thị hoá, già hóa dân số, đồng thời dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa: tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con vẫn là phổ biến. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình đối với mục tiêu giảm sinh.

Hiện nay, mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn của khu vực thành thị và cao hơn mức sinh thay thế, TFR tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất cả nước, với TFR mỗi vùng là 2,43 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước, TFR tương ứng là 1,56 con/phụ nữ và 1,8 con/phụ nữ.

Năm 2019, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ), cao hơn gấp hai lần so với địa phương có mức sinh thấp nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (1,39 con/phụ nữ). Trong vòng 10 năm qua, toàn quốc có 29 tỉnh ghi nhận mức sinh giảm và 33 tỉnh ghi nhận mức sinh tăng, Sóc Trăng là địa phương duy nhất có mức sinh không thay đổi.

Trong số các dân tộc có quy mô dân số trên 1 triệu người (Kinh, Tày, Thái, Khmer, Mường, Mông, Nùng), dân tộc Mông có mức sinh cao nhất. Trải qua ba thập kỷ, mức sinh của các dân tộc này đều giảm, trong đó dân tộc Mông có mức sinh giảm nhiều nhất (năm 1989: 9,30 con/phụ nữ; năm 2009: 4,96 con/phụ nữ; năm 2019: 3,59 con/phụ nữ). Hiện nay, chênh lệch về mức sinh giữa các nhóm dân tộc đang có xu hướng thu hẹp dần.

Năm 2019, phụ nữ di cư có mức sinh thấp hơn phụ nữ không di cư với TFR tương ứng là 1,54 con/phụ nữ so với 2,13 con/phụ nữ; phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì mức sinh càng thấp, TFR của nhóm phụ nữ có trình độ trên trung học phổ thông là thấp nhất (1,98 con/phụ nữ) và của nhóm có trình độ dưới tiểu học là cao nhất (2,35 con/phụ nữ); phụ nữ sống trong các hộ nghèo nhất có mức sinh cao nhất trong 5 nhóm mức sống (2,4 con/phụ nữ), phụ nữ sống trong các hộ giàu nhất có mức sinh thấp nhất (2 con/phụ nữ).

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của phụ nữ từ 10-19 tuổi (ASFR10) là 11 con/1000 phụ nữ. Trong đó, khu vực nông thôn cao hơn thành thị, tương ứng là 15 con/1000 phụ nữ và 5 con/1000 phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có ASFR10 là cao nhất, tương ứng là 28 con/1000 phụ nữ và 21 con/1000 phụ nữ. Trong số các dân tộc có quy mô dân số trên 1 triệu người, ASFR10 của dân tộc Mông cao nhất, 65 con/1000 phụ nữ, cao hơn khoảng 9 lần so với dân tộc Kinh và hơn 6 lần so với mức bình quân chung của cả nước.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Viet Nam

Về vấn đề già hóa dân số, kết quả Tổng điều tra cho thấy dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy: cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số, và chỉ số già hóa tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019. Chúng ta cũng cần nhấn mạnh một xu hướng mới – “nữ hóa” dân số cao tuổi, nghĩa là đa số người cao tuổi là phụ nữ. Thêm vào đó, ngày càng nhiều người cao tuổi sống một mình. Điều này đã trở thành một vấn đề xã hội và cần nhận được sự quan tâm của cả xã hội. Ở đây, chúng ta cần có cách hiểu đầy đủ rằng già hóa dân số xảy ra không chỉ là do tỷ lệ chết giảm và tuổi thọ tăng, mà chủ yếu là do mức sinh giảm. Trước đây, Việt Nam triển khai chương trình điều chỉnh và hạn chế mức sinh và điều này dẫn đến quá trình già hóa dân số nhanh. Bởi vậy, đây là lúc Viêt Nam điều chỉnh khung pháp lý và chính sách sao cho tuân thủ hoàn toàn với các nguyên tắc đề ra tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, nghĩa là mỗi cá nhân và cặp đôi có quyền quyết định tự do lựa chọn và có trách nhiệm về số con, thời gian sinh và khoảng cách giữa các lần sinh.

Kết quả nghiên cứu đã đưa ra dự báo dân số giai đoạn 2019-2069: Theo phương án trung bình, dự báo dân số Việt Nam năm 2029 là 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người. Trong 5 năm đầu của thời kỳ dự báo, 2019-2024, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước ta là 0,93%. Trong tương lai, dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái "dừng" vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069.

Tỷ số giới tính sẽ tăng nhanh trong giai đoạn 2019-2029. Theo phương án trung bình, dự báo đến năm 2026 dân số nam bằng dân số nữ (tỷ số giới tính đạt mức 100 nam/100 nữ); đến năm 2069, tỷ số giới tính của Việt Nam là 101,4 nam/100 nữ.

Theo phương án trung bình, dự báo dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Dự báo đây là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007

Giai đoạn 2026-2039, Việt Nam vẫn trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đã tăng và đạt trên 10% vào năm 2026 – bước vào thời kỳ dân số già. Dự báo, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069) tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20% đến dưới 30%.

Theo phương án trung bình, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 50% dân số sống ở khu vực thành thị; đến năm 2069, tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị chiếm 64,8%.


NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh