THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:27

Mức phạt hành chính về bảo hiểm y tế đối với người sử dụng lao động

Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm y tế (theo Điều 11 Luật Bảo hiểm y tế 2008)

- Không đóng hoặc đóng bảo hiểm y tế không đầy đủ theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế 2008.

- Gian lận, giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế.

- Sử dụng tiền đóng bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế sai mục đích.

- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế và của các bên liên quan đến bảo hiểm y tế.

- Cố ý báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu về bảo hiểm y tế.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chuyên môn, nghiệp vụ để làm trái với quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Mức phạt hành chính về bảo hiểm y tế đối với người sử dụng lao động

1. Hành vi không trả hoặc trả không đủ cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật (theo Khoản 4 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Mức phạt:

- Từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 5 triệu đồng đến 8.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

- Từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả (Điểm b khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP):

Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

tinh-so-tien-dong-bhxh_1302091146

2. Không thanh toán phần chi phí đồng chi trả hoặc những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế (Điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Mức phạt:

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động.

Biện pháp khắc phục hậu quả (Điểm a khoản 3 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP):

Buộc người sử dụng lao động thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

3. Không tạm ứng chi phí sơ cứu, chi phí cấp cứu hoặc không thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế (Điểm c khoản 1 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Mức phạt:

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động.

Biện pháp khắc phục hậu quả (Điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP):

Buộc người sử dụng lao động thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

4. Không trả cho lao động là người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Mức phạt: 

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động.

Biện pháp khắc phục hậu quả (Điểm đ khoản 5 Điều Nghị định 12/2022/NĐ-CP):

Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lao động là người giúp việc gia đình khi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

5. Kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động, không gia hạn hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác (Điểm c khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Mức phạt:

Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động.

Biện pháp khắc phục hậu quả (Khoản 2 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP):

Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Lưu ý: Đây là quy định đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh