Mùa xuân mới ở thung lũng Kông Trú
- Văn hóa - Giải trí
- 15:16 - 04/01/2016
Lễ hội văn hóa mùa xuân ở Kông Trú.
Văn hóa đặc sắc, nghĩa tình sâu nặng
Đồng hành cùng tôi về thăm lại Kông Trú lần này, thầy giáo Nguyễn Hữu Hòa cũng phải ngỡ ngàng trước những thay đổi của Kông Trú. Thầy Hoà tâm sự: “Từng có gần 20 năm cắm bản ở đây để dạy học, tôi như am hiểu tường tận từng nếp nhà, từng phong tục ở Kông Trú. Ít năm trước thôi, đường vào làng mùa này bụi mù mịt. Những ngôi nhà còn lụp sụp lắm. Vậy mà bây giờ, mọi thứ đã được xây dựng kiên cố. Chẳng còn ai thiếu đói cả”.
Dân sống ở thung lũng Kông Trú hầu hết là người Bana. Cái gốc phát xuất của tên gọi Kông Trú cũng gây nhiều ấn tượng, độc đáo. Với chưa đầy 100 nóc nhà nhưng in đậm ở đó là những nét văn hóa dù có trải qua bao nhiêu biến cố vẫn không phai nhạt.
Những ngày giặc Mỹ càn quét thung lũng, những người già đã vận động bà con kiên cường chống giặc và che giấu cán bộ cách mạng. Dụ dỗ, uy hiếp không được, chúng thả chất độc hóa học trắng xóa cả làng. Người dân vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Giặc tàn phá là vậy nhưng mùa xuân đầu tiên sau ngày đất nước giải phóng, người dân vươn lên một cách mãnh liệt. Nhà nhà đua nhau trồng rừng, chẳng mấy chốc cả thung lũng “chết chóc” đã được phủ một màu xanh bạt ngàn. Có một loài cây ở thung lũng cũng hiên ngang như con người nơi đây. Đó là cây trú. Cây trú che chở cho bộ đội, che chở cho làng. Loài cây này lại mọc trên núi Kông Bru và Kông K’Riêng nên cái tên thung lũng Kông Trú ra đời.
Nhà cửa và đường sá ở Kông Trú đã được làm kiên cố.
Ông Đinh Y Nam, nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, người chứng kiến hầu hết các sự kiện ở Kông Trú, tâm sự: Những đứa trẻ ở đây sinh ra đã được các mẹ hát ru bằng các bài ca dao, các bài hát truyền thống của người Bana. Lớn lên thì học hát, học múa, học ca dao của người Kinh. Những câu chuyện kể về cách mạng, về Bác Hồ cứ thế thấm vào tiềm thức các em. Thế nên niềm tự hào về quê hương, đất nước luôn ẩn chứa trong từng con người ở thung lũng này.
Xuân về, họ lại cùng nhau quây quần ca hát và kể cho nhau nghe những thành tích của nhà mình, những dự định để góp xây cho làng giàu đẹp hơn. Các đêm ca hát thường được tổ chức vào đầu tháng Giêng. Tất cả người dân trong làng cùng tập trung lại cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu cho bà con trong làng khỏe mạnh, dân làng đoàn kết, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau. Khoảnh khắc chuyển năm cũ sang năm mới, tất cả nắm chặt tay nhau như truyền đi sức mạnh của tình đoàn kết.
Là một người dân đam mê văn nghệ, thích và tự học chơi đàn T’Rưng nhiều năm, anh Bok Chung ở làng Kông Trú bộc bạch: “Năm 2016 tới, tôi sẽ làm thêm cho làng 3 cây đàn T’Rưng. Sẽ đi kể cho từng em nhỏ về các câu chuyện liên quan đến rừng, sẽ nói các thanh niên đi trồng rừng vào mùa xuân”.
Lạ thay, dù là từ những ngày còn chìm trong gian khó hay ấm no thì tất thảy những con người ở Kông Trú không bao giờ phá rừng bữa bãi. Khi muốn xin “thần rừng” chặt hạ một cây xanh để làm cái nhà ván họ phải trồng vào đó 10 cây. Xưa là vậy, giờ đây đã có nhà ở kiên cố rồi thì rừng với họ là máu thịt. Già làng Bok Long ở làng Kông Trú bảo: “Chỉ những khi cấp bách lắm thì chúng tôi vào đốn những cành cây chứ không bao giờ hạ cây”. Không ai bảo ai, những người dân ở thung lũng này tự quét dọn sạch sẽ từng hẻm nhỏ trong làng.
Học sinh Kông Trú.
Vươn lên cùng mùa xuân
Ông Đinh Văn Thành sống nhiều năm ở thung lũng tâm sự: “Xuân này nhà tôi có thêm xe máy mới. Mấy đứa con có thêm giấy khen mới. Vậy là không chỉ xuân mới mà còn nhiều niềm vui mới”. Ông Y Nan cũng hồ hởi: “Tôi thuộc diện hộ nghèo, cuối năm 2015, đã được hỗ trợ xây nhà kiên cố rồi, không còn phải nơm nớp lo nhà đổ khi gió mạnh như trước nữa. Mùa rẫy này cũng biết làm ăn theo kỹ thuật nên ngô, sắn chất đầy cả góc nhà. Đường làng được bê tông hóa toàn bộ, cuộc sống của chúng tôi đã bước sang trang mới”.
Đi dọc hết con đường liên xã trải dài qua thung lung Kông Trú, ông Đinh Y Nam vui như mở cờ trong bụng, nói: “Con đường bê tông kiên cố này lợi hại lắm. Có đường người dân giao thương kinh tế, giao lưu văn hóa với bên ngoài. Các sản vật làm ra như: Thổ cẩm dệt, ngô, sắn…các thương lái từ thị trấn, thành phố đánh xe vèo vèo lên đây mua hết. Khi cần gì chỉ nhấc điện thoại a lô là có người chở đến ngay”.
Ông K’Bách, ở làng Kông Trú cũng vui mừng cho biết: Kinh tế cơ bản là ấm no rồi. Nhưng xuân tới đây chúng tôi còn có thêm nhiều niềm tự hào nữa đó là có nhiều trẻ em của đồng bào dân tộc Bana chúng tôi vươn lên học giỏi và biết khát vọng để trở thành người hữu ích với quê hương, đất nước sau này. Theo cái chỉ tay của ông K’Bách chúng tôi đến điểm trường cấp I-II Vĩnh Kim đóng chân tại Kông Trú. Từ xa tiếng đọc chữ trong các lớp học đã vọng ra. Thầy giáo Cao Văn Bá cho biết: Dạy học các em ở đây rất vất vả vì vừa phải dạy kiến thức vừa phải dạy tiếng Kinh. Nhưng khi khơi dậy được trong các em niềm thích thú với con chữ thì mọi thứ đều có thể vượt qua được. Hiện nay, nhiều em đã háo hức đến trường và vươn lên học khá nữa nên những người dạy chữ như chúng tôi cùng mừng vui.
Thầy giáo Trần Minh Phụng bộc bạch: “Gian khổ nào rồi cũng qua đi. Các lớp học ở đây đều phải học ghép. Có vất vả nhưng học sinh ngoan, gia đình những người Bana lại giàu truyền thống nên những gì tươi sáng nhất đang dần đến với các em”.
Em Đinh Y Phùng tự tin: “Em sẽ học giỏi để sau này làm bác sỹ về chữa bệnh cho đồng bào ở thung lũng này. Mùa xuân mới, em cũng có thêm giấy khen mới là học sinh tiên tiến. Em còn đi động viên nhiều bạn khác cùng vươn lên học như mình nữa”.
Xuân mới đã về trên thung lũng Kông Trú...