Mùa xuân đến sớm trên quê hương Đông Các
- Văn hóa - Giải trí
- 15:19 - 03/01/2016
Có thể nói, so với các xã trên địa bàn huyện Đông Hưng thì Đông Các thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng nông thôn mới ở mức khởi điểm thấp bởi toàn bộ hệ thống giao thông liên thôn được xây dựng từ những năm 90, hiện đã xuống cấp trầm trọng, trong khi đó quy mô và kích thước không tương thích với tiêu chí được quy định tại quyết định 20 của UBND tỉnh Thái Bình, nguồn ngân sách rất hạn chế cũng như mọi nỗ lực của các cấp, các ngành và bản thân người dân chưa cao…
Không thể tiếp tục kéo dài sự ỷ lại, trông chờ hỗ trợ thụ động của Nhà nước, từ tháng 7/2013, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đông Các đã họp, bàn, thống nhất và đưa ra Nghị quyết đăng ký với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Đông Hưng phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành cơ bản các tiêu chí trong chương trình, trong đó chú trọng đến các công trình giao thông trên địa bàn dựa vào 4 nguồn lực chính gồm: Hỗ trợ của cấp trên, đóng góp của người dân, tài trợ của con em Đông Các đi làm việc ở mọi miền Tổ quốc nhất là ở nước ngoài và nguồn ngân sách địa phương…
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
Tiếp đó, Ban Chỉ đạo Nông thôn mới của xã đã triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách, trong đó vận dụng sáng tạo các nguồn hỗ trợ cùng với sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ và ý thức của người dân đã giúp Đông Các cơ bản hoàn thành 18/19 chỉ tiêu vào tháng 12/2014 (duy nhất chỉ tiêu về thủy lợi là còn 3 km kênh cấp 1 là chưa hoàn thành)
Đặc biệt, năm 2015 là thời điểm bứt phá của Đông Các với nhiều điểm nhất đáng ghi nhận, trong đó Đảng ủy, UBND xã có định hướng cụ thể phải tập trung hoàn thành các tiêu chí: Thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, diện mạo mới đang hiện hữu trên từng con đường, từng ngõ xóm, tất cả đều xuất phát từ sự đồng thuận của ý Đảng, lòng dân. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm Nhà nước hỗ trợ”, đến tháng 11/2015, Đông Các đã hoàn thành bê tông hóa 21,181 km đường giao thông các loại, xây dựng đường, tường bao khu bãi rác và nhà xử lý rác thải, đầu tư và hoàn thành 10 phòng học THPT, 2 trường mầm non, hoàn thiện các công trình thủy lợi, nâng cấp, sửa chữa khuôn viên, trụ sở làm việc, xây dựng 5 nhà văn hóa còn lại tại 5 thôn… với tổng kinh phí là 70 tỷ đồng… Điểm nổi bật ở Đông Các là không chỉ ủng hộ về tiền mặt, con em xa quê còn chủ động đứng ra đảm nhận thi công một số tuyến đường, hạng mục công trình, chia sẻ phần việc, nhân công với chính quyền địa phương với giá trị thống kê đến cuối năm 2015 khoảng 24 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bà con còn tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình, thể hiện qua việc đa dạng hóa ngành nghề tiểu thủ công, thương mại dịch vụ, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản... Kết thúc năm 2015, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 320 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2014), trong đó sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 45%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với nông nghiệp chiếm 21%; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 46%; thương mại dịch vụ chiếm 33%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2,5%.
Chia sẻ những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, ông Phạm Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Đông Các cho biết: “Nhờ thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và người dân thụ hưởng”, trong đó, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch về tài chính, địa phương đã thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra. Có thể khẳng định, chỉ 3 năm xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội của Đông Các đã có sự phát triển vượt bậc bằng nhiều năm cộng lại, đời sống người dân được cải thiện đáng kể... Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước về mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục động viên nhân dân và con em xa quê đóng góp mọi nguồn lực với mục tiêu chung phát triển sản xuất gắn với an sinh xã hội và thực hiện chương trình nông thôn mới theo hướng bền vững…”