CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:18

Mùa vải chín

 

Những nhà hàng xóm cũng vậy, vì đây được coi là “đất vải” nên nhà ít thì cũng trồng vài chục gốc, còn hộ nhiều thì có cả trăm cây vải. Ngày trước người ta chỉ trồng vải ở vườn nhà, các con đường trong làng, còn hơn chục năm trở lại đây, khi mà giá trị kinh tế của cây vải ngày càng được nâng cao nên rất nhiều hộ đã không trồng lúa, hay các cây rau màu nữa mà vực đất lên cao để trồng vải ở ngoài đồng. Nhà tôi có gần 40 cây vải, trong đó có hơn chục cây vải cổ thụ mà ông bà tôi đã trồng từ thuở trước còn để lại. Nói là “cổ” vì tuổi của chúng cũng vào khoảng mấy chục năm, và những cây vải này luôn cho quả rất sai, đã thế quả lại vỏ mỏng, dày cùi và đặc biệt là rất ngon ngọt.

Ký ức tuổi thơ của tôi, cũng như bao đứa trẻ ở làng, luôn đầy ắp những kỷ niệm về mùa vải chín ngọt ngào. Ngày ấy, ngay từ khi vải mới ra hoa, bọn trẻ chúng tôi đã mong ngóng, ước ao cho thời gian trôi đi thật nhanh để đến mùa vải chín. Và tất nhiên, khi mùa vải chín tới là chỉ có bọn trẻ như chúng tôi là sướng nhất, được chơi, được ăn vải no nê thoả thích, trong khi người lớn phải lao động vất vả, phải hái vải, mang vải đi chợ để bán...

Những mùa hoa vải trắng trời đi qua, dẫu có thơ, có mộng và đẹp thật đấy nhưng cũng khó có thể sánh bằng những khi mùa vải chín tới. Vải hái xuống đất có khi chúng tôi không thèm ăn mà tự leo lên cây ngồi chễm trệ trên một cành cao nào đó để tự hái lấy để ăn. Cứ quả nào chín đỏ, to là hái và ăn theo ý thích. Bố mẹ không tiếc, không cấm con cái ăn vải, nhưng vẫn thường răn đe không được leo cây kẻo ngã xuống gãy chân gãy tay... Tôi nhớ có lần, năm ấy đang học lớp 5, dịp nghỉ hè ở nhà bỏ em ở dưới một mình leo lên cây hái vải ăn. Lúc bố mẹ đi làm đồng về bắt gặp đánh đòn một trận chí tử và phải cả tuần sau những vệt hằn của roi vọt vẫn còn chưa mờ. Từ lần đó tôi không dám trèo cây nữa, nhất là lúc có bố mẹ ở nhà, mà khi có trèo trộm thì cũng chỉ chốc lát và kiểu gì cũng phải bảo cu em, hay đứa bạn hàng xóm canh chừng thì mới dám trèo cây.

Ngoài cách thông thường là ăn trực tiếp thì quả vải chín bọn trẻ ở quê chúng tôi thường... chế biến thành mấy món ăn khá lạ và rất trẻ con, đó là tách lấy cùi rồi cho vào cốc, bỏ đường, đá lạnh vào đánh đều lên rồi uống như sinh tố bây giờ. Cũng có khi chúng tôi tách cùi vải mang phơi nắng cho se lại, khi ăn có cảm giác dai dai, ngọt ngọt và thấy là lạ... Vì nhà nào cũng có vải nên hầu như không bao giờ có chuyện trẻ con đi bẻ trộm vải của nhà nhau...

Đó là những kỷ niệm của thời trẻ con, còn khi lớn hơn đôi chút thì mùa vải chín đến tôi cũng phải cật lực lao động để phụ giúp bố mẹ. Mới sáng sớm đã phải leo cây hái vải để mẹ bó lại cho bố chở xe thồ ra ngoài quốc lộ bán buôn cho thương lái. Bây giờ người ta có thể bán buôn luôn cả vườn theo kiểu ước lượng, thế nhưng ngày trước nhà nào cũng phải tự trèo cây bẻ vải rất vất vả. Với mấy chục cây vải, thường là mùa đến bố mẹ tôi phải thuê thêm vài ba nhân công trong vùng để phụ giúp thu hoạch mới mong kịp mùa. Ngoài tiền công phải trả theo ngày, khi về những nhân công đều được bố mẹ tôi cho một bọc vải to đến cả chục kg về làm quà.

Năm tháng qua đi, dẫu đã gần mười năm có lẻ tôi không còn sống ở làng, bên vườn vải ngát hương mùa hoa, và ngọt ngào mùa quả chín nữa nhưng ký ức về những cây vải mùa quả chín như vẫn tươi mới, nguyên sơ tựa như mới ngày hôm qua...

NGUYỄN HOÀI HƯƠNG/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh