THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:39

Mùa tựu trường, Hà Nội lại nỗi lo trường, lớp quá tải

 

Thiếu hạ tầng xã hội trong các khu đô thị khiến nhiều trường lớp ở Hà Nội quá tải.

 

Thiếu trường, lớp

Trung bình mỗi năm Hà Đông tăng từ 5.000 - 7.000 học sinh so với năm học trước. Trưởng phòng Giáo dục quận Hà Đông Phạm Lệ Hằng cho biết, để đáp ứng với điều kiện gia tăng dân số, cũng như đảm bảo môi trường học tập cho các em học sinh, trong 4 năm gần đây mỗi năm quận Hà Đông thành lập mới từ 5 - 7 trường và riêng năm 2018 này thành lập đến 7 trường trong đó có 5 trường mầm non và 2 trường tiểu học. Tính đến nay, quận Hà Đông có 110 trường với 85.000 học sinh và 3600 giáo viên. Tuy nhiên với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay thì chỉ vài năm nữa trường lớp của Hà Đông cũng sẽ bị quá tải.

Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, năm học 2018-2019, quy mô học sinh (HS) trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp đều tăng: tăng hơn 22 nghìn HS dự tuyển vào lớp 10, trẻ đến tuổi vào lớp 1 tăng hơn 20 nghìn, HS vào lớp 6 tăng 11 nghìn. Nếu ở các huyện ngoại thành, tình trạng xuống cấp phòng học là vấn đề đáng quan tâm thì ở nội thành, áp lực lại do dân cư tăng quá nhanh khi quy mô trường học không đáp ứng kịp, nhất là ở các quận tốc độ đô thị hóa nhanh. Phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) chưa có trường THCS công lập, khu đô thị Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) chưa có trường mầm non công lập; các phường Hoàng Liệt, Định Công, Đại Kim (quận Hoàng Mai) có nhiều khu đô thị mới nhưng chưa đủ trường công lập...

 Sở GD-ĐT Hà Nội kiên trì thực hiện chủ trương giảm sĩ số HS/lớp, giảm số HS trái tuyến nhưng chỉ áp dụng được rõ rệt ở các quận nội thành cũ. Ngoài số HS đúng tuyến vốn đã đông, hầu như trường nào cũng vẫn tồn tại HS trái tuyến (có trường tới hơn 30% tổng số HS đầu cấp). Nhiều trường năm học 2018-2019 vẫn dự kiến mức sĩ số 55-60 với HS lớp 1, lớp 6. Bởi, cơ sở vật chất thì không thể mở rộng ngay trong ngày một, ngày hai nên đành bố trí sĩ số HS các lớp tăng thêm.

 

Đầu năm học mới việc tìm một chỗ học tại trường công lập rất khó khăn với nhiều phụ huynh


Chủ đầu tư mải xây nhà, quên xây trường

Theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về “Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030” thì mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới phải có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS công lập.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn thành phố có 384 dự án đã được giao đất để thực hiện đầu tư xây dựng. Trong đó, 299 dự án đang triển khai, đặc biệt là có 15 dự án đầu tư xây dựng chưa quy hoạch bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học) so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án. Trong số này, quận Nam Từ Liêm có nhiều dự án nhất, gồm: Khu đô thị mới Phùng Khoang; khu nhà ở Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì bán cho cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam; dự án khu chức năng đô thị Xuân Phương; khu đô thị thành phố giao lưu; dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Đoàn ngoại giao; Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại Cổ Nhuế; khu nhà ở để bán Quang Minh. Số còn lại thuộc huyện Hoài Đức (Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco, Khu đô thị mới Vân Canh); quận Hoàng Mai (khu nhà ở Vĩnh Hoàng, khu chức năng đô thị Ao Sào); huyện Thanh Trì (dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Cầu Bươu); quận Long Biên (dự án khu nhà ở Thạch Bàn); huyện Gia Lâm (dự án Khu đô thị mới Đặng Xá).

Khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội về các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị cho thấy, trong 78 dự án khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, chỉ có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; còn lại các dự án có quy hoạch hạ tầng xã hội, nhưng chậm triển khai. Cụ thể, Khu đô thị Văn Phú còn 1 trường THCS, 1 trường tiểu học đang xây dựng; Khu đô thị Đặng Xá còn 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS chưa triển khai đầu tư xây dựng; khu nhà ở 136 Hồ Tùng Mậu GoldMark City còn 1 trường tiểu học liên cấp và THCS đang triển khai xây dựng; dự án Tây Nam Linh Đàm chưa xây dựng 2 nhà trẻ mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 2 trường THCS. 

Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, do quyết định phê duyệt đầu tư chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện các công trình hạ tầng xã hội, dẫn đến một số chủ đầu tư bỏ hoang đất, hoặc có thực hiện nhưng tiến độ chậm. Mặt khác, việc đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội lợi nhuận thấp, các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn chậm, chưa cụ thể dẫn đến các chủ đầu tư ít đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị mới. Nhiều dự án, tình trạng người mua nhà để đầu tư, đầu cơ, vì vậy khi nhận nhà không đưa vào sử dụng ngay dẫn đến khi xây dựng xong nhà trẻ, trường học không đủ học sinh, các chủ đầu tư xây dựng một cách cầm chừng.

Ông Cương cho rằng: “Trước mắt, thành phố cần ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô theo Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án xây dựng trường học chủ đầu tư chậm triển khai, UBND thành phố sớm thu hồi và giao cho UBND quận, huyện, thị xã lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Đặc biệt, thành phố sớm chỉ đạo việc cập nhật quy mô dân số tại các khu đô thị phù hợp quy hoạch, phù hợp thực tế, làm cơ sở điều chỉnh các chỉ tiêu quy mô trường, lớp đối với từng đơn vị, địa phương”.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh