CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:20

Mùa Thu đất nước

 

“Lại về trong hội lớn cùng em

Tháng Tám

Những nẻo đường trung du                      

mùa thu mở nước

Xôn xao cánh ong bay...”

Câu thơ này tôi đọc được từ ba mươi nhăm năm trước. Thời gian qua đi nhưng hàng năm khi mỗi độ thu về thì câu thơ lại ùa ngập. Câu thơ như một lời khẳng định về mùa thu rất riêng có của đất nước Việt Nam.

“Mùa thu mở nước” - Hiếm có một quốc gia nào trên thế giới lại gắn vận mệnh đất nước, gắn vận mệnh dân tộc với mùa. “Mùa” - một khái niệm chỉ khoảng thời gian trong một năm được phân chia theo sự thay đổi của thời tiết - lại trở thành một khái niệm dùng để chỉ hành động cao đẹp của con người. Và mùa thu, đã trở thành biểu tượng của ý chí độc lập tự do, biểu tượng của khối đoàn kết dân tộc, biểu tượng của sức mạnh quần chúng, biểu tượng của cách mạng thành công. Ngược thời gian trở lại năm 1858 khi mà thực dân Pháp nổ súng đánh thành Đà Nẵng, chính thức đưa nước ta vào giai đoạn đen tối hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Dòng hồi tưởng còn giữ trọn niềm trân quý về câu nói khảng khái của Nguyễn Trung Trực, người anh hùng khởi nghĩa nông dân “Bao giờ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh tây”.

Đúng là hiếm có một quốc gia nào mà người dân ở đấy bền bỉ tranh đấu vì khát vọng độc lập. Sự bền bỉ đó đã trở thành “tâm nguyện” của mọi thế hệ người dân. Cả trong thời khắc khó khăn nhất và đau thương nhất thì ngọn lửa của khát vọng độc lập dân tộc cũng không ngừng cháy. Điều đáng nói ở đây không phải là về số lượng các cuộc khởi nghĩa, không phải về các cuộc khởi nghĩa đó cuối cùng đều thất bại. Mà điều đáng nói chính là ở chỗ, các cuộc khởi nghĩa đó hầu hết đều do những người nông dân tập hợp lại. Từ những cuộc khởi nghĩa nông dân đơn lẻ, tự phát và đơn độc qua năm tháng đã chuyển thành “Phong trào nông dân” rộng khắp cả nước. Nét tiêu biểu đó có lẽ chỉ có trong lịch sử cứu nước của dân tộc Việt Nam.

***

Sang thế kỷ hai mươi, có những phong trào khởi nghĩa nông dân như Phong trào nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo tuy đã kéo dài ba mươi năm nhưng đã bộc lộ những khiếm khuyết dẫn tới thất bại. Những khiếm khuyết đó cho thấy “tâm nguyện yêu nước” có thể là cốt lõi nhưng chưa thể thành sức mạnh khi nó chưa có được một ý thức hệ thời đại. Những thanh niên ưu tú của Kỳ bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Bắc kỳ đã nhóm họp tại số nhà 5D phố Hàm Long để chính thức ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Chi bộ đề ra chủ trương vận động tiến tới thành lập một chính đảng chân chính để lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập.

Để có được sự chuyển biến về chủ trương đó có lẽ “công đầu” thuộc về cuộc “gặp gỡ lịch sử” giữa “tinh thần yêu nước” thuần túy của Nguyễn Ái Quốc với “ý thức các dân tộc thuộc địa và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới đoàn kết lại”, thông qua “Cương lĩnh về giải phóng các dân tộc thuộc địa” của Lê Nin vĩ đại và sự khích lệ thành công của cách mạng tháng Mười Nga. Cuộc gặp gỡ lịch sử đó đã dẫn tới Đại hội Tua (tháng 12/1920) và sự ra đời của Đảng cộng sản Pháp và Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập. Cuộc gặp gỡ đó là bước ngoặt đưa cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân Việt Nam chuyển từ đấu tranh tự phát sang hình thức đấu tranh có tổ chức dưới sự lãnh đạo của chính đảng cộng sản. Và ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã thống nhất tất cả các cuộc đấu tranh lại trong một phong trào cách mạng chung và đảng trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đó. Cách mạng nước ta từ đây phát triển trên cơ sở phát động quần chúng nhân dân và lấy quần chúng nhân dân làm nòng cốt.

Dưới ánh nắng thu nhuộm vàng cây trái. Chúng tôi tìm tới ngôi biệt thự ở số 90 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội. Những người Việt Nam làm công cho gia đình một viên chức ngành tài chính của thực dân Pháp ở Bắc kỳ thời đó, đã được tuyên truyền và được giác ngộ cách mạng. Họ trở thành cơ sở tin cậy của đảng cộng sản Đông Dương ở nội thành Hà Nội. Đồng chí Trần Phú, tổng bí thư đầu tiên của đảng, được khôn khéo bố trí vào ở dưới danh nghĩa là người nhà của những người làm công từ quê lên Hà Nội trọ học. Chính tại đây, đồng chí đã khởi thảo “Bản luận cương chính trị”. Bản luận cương xác định, công cuộc cách mạng Việt Nam và giải phóng đất nước có quá trình phát triển qua các giai đoạn cụ thể, là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh của Đảng cộng sản Việt Nam. Việc xây dựng cơ sở tin cậy ngay trong lòng địch là một thành công của những người cộng sản khi đó. Lấy quần chúng làm chỗ dựa, lấy quần chúng làm cơ sở đã góp phần quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển đội ngũ của mình. Đưa hoạt động cách mạng sát gần thực tiễn hơn, sâu sắc hơn và hiệu quả hơn.

*** 

“Em ơi. Anh đưa em về bên kia sông Đuống”. Câu thơ buồn đến nao nao của thi sĩ Hoàng Cầm, đọc lên trong tiết thu mà thấy se se. Vẫn khung cảnh làng quê yên bình đến thanh vắng. Vẫn những con người làng quê bình dị đến nhu lành. Nằm bên bờ trái sông Đuống hiền hòa, xã Trung Mầu trước kia thuộc huyện Tiên Du của tỉnh Bắc Ninh. Thời kỳ Hà Nội mở rộng lần thứ nhất (tháng 4/1961) xã được chuyển về huyện Gia Lâm. Xã Trung Mầu nổi tiếng không phải nơi đây có những người dân một lòng gắn bó với quê hương, cũng không phải vì đây là địa phương chủ động nổi dậy cướp chính quyền sớm nhất cả nước. Ngày 10/3/1945 lá cờ đỏ sao vàng đã phấp phới tung bay khắp đường làng ngõ xóm. Chính cuộc nổi dậy thành công của nhân dân Trung Mầu, một xã ven đô đã thành cơ sở thực tiễn để Xứ ủy Bắc kỳ nhanh chóng chỉ đạo các địa phương nắm bắt thời cơ, kịp thời nổi dậy thành lập chính quyền nhân dân. 

Chuyện còn nhắc rằng: Từ cuối những năm ba mươi đầu những năm bốn mươi của thế kỷ trước, nơi đây đã có nhiều đồng chí cán bộ cách mạng lui về hoạt động. Xã chính là địa điểm mà Xứ ủy Bắc kỳ lấy làm nơi tổ chức các hoạt động cho công tác tuyên truyền cách mạng. Căn nhà của cụ Nguyễn Xuân Ca bây giờ vẫn y nguyên như hồi nó được cụ Ca xây cất năm 1939. Căn nhà ba gian một trái kiểu quê thông thường nhưng bên trong nó đêm đêm những tờ báo cách mạng được âm thầm in ấn. Căn nhà trở thành “nhà in báo Cờ Độc Lập” do đồng chí Trường Chinh, tổng bí thư đảng lúc đó, làm chủ báo. Tình cảm đậm đà cùng sự đùm bọc và sẻ chia của người dân Trung Mầu đã giúp những cán bộ cách mạng thời đó vững tin vào công việc đấu tranh gian khổ của mình. Một tâm với đảng, một dạ với quê hương, người dân Trung Mầu hôm nay vẫn thủy chung với Đảng, thủy chung với công cuộc xây dựng và phát triển chung của đất nước.

***

“Thu đang trải ánh nắng vàng                                       

              khắp nẻo

Quả đã chín thơm dâng ngọt                                    

                 muôn cành

Anh chậm lại với chính mình để                             

             hồn lắng đọng

Nghe tháng năm - Đất nước                        

               hiện dáng hình...”

Trong mạch cảm xúc đó, theo làn gió thu thổi se màu lá chúng tôi về thăm làng Vạn Phúc. Làng giờ đã thành một phường thuộc quận Hà Đông. Người dân trong làng giờ cũng đã thành “người Hà Nội”. Người Hà Nội, cái danh xưng đó chẳng làm phai nhòa nét xưa của những người thợ dệt nên những tấm lụa Hà Đông nức tiếng. Lụa Vạn Phúc bây giờ đã đi ra khắp thế giới chứ không chỉ có tới Sài Gòn để thi sĩ Nguyên Sa viết lên câu thơ “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Hẳn cái ý ẩn của thi sĩ là điều muốn nói lên đất và người Vạn Phúc, Hà Đông luôn là nguồn tình cảm tốt đẹp, là nguồn cảm hứng dạt dào. Còn nhớ những năm đất nước chưa được độc lập. Làng lụa Vạn Phúc cần mẫn nép mình bên sông Nhuệ nhưng lại giàu truyền thống cách mạng. Chẳng phải vô tình mà Vạn Phúc từ đầu những năm bốn mươi đã được chọn làm an toàn khu. Một an toàn khu bí mật nằm sát nách nội thành Hà Nội nhưng lại rất thuận cho đường lên chiến khu Việt Bắc. Lạ là thế. Và kỳ diệu là thế. Đất và người Vạn Phúc cứ tưởng chỉ biết có chăm chỉ bên khung cửi, miệt mài chuyện tơ chuyện lụa, ấy vậy mà lại thấm đẫm tình cảm với đảng.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số gia đình trong làng năm nào từng là cơ sở của cán bộ đảng, từng là nơi Xứ ủy Bắc kỳ tiến hành nhiều cuộc họp quan trọng. Trong đó có cuộc họp ra nghị quyết lãnh đạo Thành ủy Hà Nội chủ động tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945, chủ động ngay khi chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Quốc dân đại hội. Ông Nguyễn Thực dường như quên chuyện tuổi cao sức yếu của mình. Ở người cán bộ tiền khởi nghĩa này mọi chuyện như chưa hề xa cũ. Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em thì có 5 người là lão thành cách mạng, 2 người là cán bộ tiền khởi nghĩa. Hào hứng và say sưa, ông Thực kể cho chúng tôi nghe về ngày tháng sôi động tinh thần cách mạng.

Và mùa Thu năm 1945 tới nhanh và bừng sáng như một vẹt sao băng chói sáng trên bầu trời nước Việt, ứng đúng như tiên đoán của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ bốn năm trước. Năm 1941 Người đặt chân về đến Tổ quốc sau hơn ba mươi năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, tại hang Pắc Pó người đã nói: “Việt Nam độc lập - 1945”.  Từ mùa Thu ấy, từ núi rừng Tân Trào hừng hực khí thế cách mạng. Cùng với thành công của Hội nghị Toàn quốc của Đảng, Quốc dân đại hội đã khai mạc và đã thống nhất quyết định tổng khởi nghĩa. Bản Quân lệnh số 1 được phát đi cùng với các cán bộ tỏa về khắp các địa phương. Những nẻo đường trung du mùa thu mở nước cứ ánh lên niềm hân hoan chưa bao giờ có.

***

Những ngày giữa tháng 8/1945, tình hình ở Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp. Theo tinh thần đấu tranh triệt để và với thái độ không thỏa hiệp với bất cứ tổ chức nào khác, Thành ủy Hà Nội nhanh chóng nắm chắc mọi diễn biến, trực tiếp đi vào quần chúng để tuyên truyền chủ trương đường lối của Việt Minh. Cuộc mít tinh sáng 19/8/1945 mà chính phủ thân Nhật do Trần Trọng Kim đứng đầu tổ chức tại Nhà hát Lớn đã mau lẹ chuyển hướng tích cực. Tại đây các cán bộ Việt Minh Hà Nội đã len lỏi vào đám quần chúng nhân dân đang ngơ ngác chưa xác định được mục tiêu của cuộc mít tinh. Họ đã tiến hành “phản mít tinh” thành công. Khi cô gái Hà Nội có tên rất đẹp, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, nhào tới cướp micro. Cô tranh thủ diễn đàn tuyên truyền đường lối của Việt Minh và kêu gọi mọi người ủng hộ và đi theo Việt Minh. Như một hiệu ứng được chuẩn bị sẵn quần chúng nhân dân nhất tề đi theo lời kêu gọi của Việt Minh và kéo nhau tỏa đi tuần hành khắp các đường phố.

Nhận thấy khả năng thành công của cuộc xuống đường tuần hành là rất lớn. Xứ ủy Bắc kỳ từ trước đó đã họp tại làng Vạn Phúc, Xứ ủy chỉ thị cho Thành ủy Hà Nội nhanh chóng nắm bắt diễn biến và hướng cuộc tuần hành đó thành cuộc thị uy biểu dương sức mạnh của quần chúng. Khí thế trào dâng như thác lũ, dưới sự dẫn dắt của các cán bộ Việt Minh, cuộc tuần hành nhanh chóng tổ chức thành đội ngũ quần chúng thống nhất, tiến hành khởi nghĩa cướp chính quyền về tay nhân dân.

Ông Nguyễn Quang Ngọc ngày đó mới chỉ là cậu thanh niên 17 tuổi, sôi nổi xuống đường vẫy tay hô khản giọng. Cậu hòa vào dòng người ồ ạt xông vào phủ Khâm sai. Và như một sự diệu kỳ của số phận, có ai đó đã ấn vào tay cậu lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh. Và cũng có ai đó vai sát vai cậu, cùng cậu trèo lên điểm cao nhất của tòa nhà. Khi lá cờ được tung ra trước đông đảo quần chúng thì mọi người đồng thanh hô to “Cờ của ta. Cờ của ta”. Kể lại với chúng tôi chuyện này ông Ngọc vẫn còn rưng rưng xúc động. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội là cuộc cách mạng có một không hai. Không vũ trang quần chúng. Không tiếng súng và không bạo lực cách mạng. Thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội là một minh chứng về sức mạnh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó chỉ ra rằng: Một khi lòng dân đã hướng thì không có gì là không thể.

Cách mạng tháng Tám hay cách mạng mùa Thu năm 1945 đã hoàn thành ước mơ giải phóng đất nước khỏi ách thực dân Pháp của nhân dân ta. Trong vòng 10 ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp thôn cùng ngõ nhỏ. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, công cuộc giải phóng dân tộc với công cuộc thống nhất đất nước được hòa làm một và diễn ra nhanh chóng, trọn vẹn. Nước Việt Nam vốn bị thực dân Pháp chia ra làm ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau được thu về một mối mà không cần đến bất cứ một trận chiến nào, không cần đến bất cứ một sự thỏa thuận hay thỏa hiệp nào. Thắng lợi của cuộc cách mạng giành chính quyền trong cả nước không đổ máu này sẽ là bài học vô cùng quý giá về huy động sức mạnh toàn dân.Và hiếm có trên thế giới. Nó mở ra một nước Việt Nam mới, nhà nước Việt Nam mới sẵn sàng đón nhận thử thách mới. Dưới nắng chiều của mùa Thu Hà Nội. Cảm giác mơn man cứ râm ran trong lòng. Sông Hồng đang cuộn sôi màu nước đỏ, sông vẫn ngàn năm thao thiết chảy xuôi ước vọng vững bền về phía biển lớn. Lại bồi hồi nhớ những ngày nào. Ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tức Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Người về để cùng các đồng chí của mình chuẩn bị cho một công việc cực  kỳ trọng đại của đất nước.

Thời gian qua đi. Nét xưa giờ còn đọng lại trong tâm trí. Thời gian qua đi. Người xưa cũng chỉ còn đọng lại trong ký ức. Cụ Hai Vẽ, tức cụ Công Thị Lùn cũng đã đi theo tiên tổ. Người dân làng Phú Thượng xưa, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ nay còn kể với nhau về cụ như nhắc nhở về truyền thống cách mạng của địa phương mình. Truyền thống ấy người dân Phú Thượng còn chưa nguôi viết tiếp. Nằm kín đáo dưới chân đê sông Hồng, ngôi nhà nhỏ chốn quê nghèo của vợ chồng cụ Hai Vẽ được vinh dự là địa điểm đầu tiên của Hà Nội đón Người, đón Bác Hồ như cách gọi trìu mến của nhân dân ta. Bác đã về đây, giản dị như bao người giản dị. Để rồi thành người vĩ đại trong những người bình dị nhất.

Nếu như ngôi nhà quê của cụ Hai Vẽ có vinh dự là nơi đầu tiên đón Bác Hồ thì ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang lại đi vào trang sách học trò như một nhân chứng lịch sử. Chắc khi xây dựng ngôi nhà này. Và chắc khi chấp thuận lời đề nghị của đồng chí Trường Chinh, ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ lại không ngờ rằng đó là một vinh hạnh vô biên. Sẵn lòng yêu nước và đã từ lâu là cơ sở nội thành của Đảng, nên cho dù bận việc làm ăn buôn bán nhưng vợ chồng ông bà Trịnh văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ chẳng ngại ngần nhường toàn bộ phần rộng rãi và trang trọng nhất trên tầng 2 của nhà mình cho vị khách già đặc biệt từ phương xa tới. Các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh…. chọn ngôi nhà này để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến ở khi vào nội thành cũng có nhiều cân nhắc. Ngôi nhà có đủ điều kiện để tiến hành họp Trung ương, lại thuận lợi cho công tác an toàn bởi nhà thông hai dẫy phố. Đặc biệt ngôi nhà này  cũng rất dễ để những người bạn của ta tìm đến. Bà Hoàng Thị Minh Hồ xúc động nhớ lại, chính tại đây bà đã chứng kiến vị khách già đặc biệt đã có cuộc trò chuyện với mấy người bạn Mỹ. Đó là lần Bác Hồ trao đổi với người bạn Mỹ về ý định tiếp thu lời văn trong bản tuyên ngôn của Hoa Kỳ vào bản tuyên ngôn độc lập của nước ta do Người soạn thảo.

“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

***

Thu đang độ sung mãn. Mùa Thu đất nước đang trào dâng. Từ trong tâm thức chúng tôi nhận ra rằng:

Mùa Thu - Đó là sự bao hàm mọi giá trị, mọi tinh thần của một dân tộc từng nhiều phen phải đứng lên đánh giặc ngoại xâm.

Mùa Thu - Đó là sự bao hàm mọi nỗ lực, mọi quyết tâm của một dân tộc từng nhiều phen phải đương đầu trước những thách thức đến từ thiên nhiên.

Mùa Thu - Đó là sự bao hàm mọi hành động, mọi phương châm của một dân tộc từng nhiều phen phải gồng mình vượt qua những thử thách cam go.

Mùa Thu - Đó là điều giản dị nhất để nói về nhân dân.

Và nhân dân Việt Nam chính là Người làm nên Mùa Thu Đất nước.

Tùy bút của nhà thơ Nguyễn Trọng Văn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh