CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:12

Mua sắm mùa Tết năm nay không quá sôi động

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao tại nhiều địa phương, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, các hoạt động kinh tế cũng đang dần hồi phục nên công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai tích cực cùng với công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương nên hàng hóa phục vụ Tết được cung ứng cho thị trường khá dồi dào, đa dạng.

Năm nay, hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số nhóm hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, giá không có biến động lớn.

Các mặt hàng thiết yếu dồi dào

Năm nay, trong khi các nguyên liệu sản xuất đầu vào có xu hướng tăng mạnh (giá thức ăn chăn nuôi, chi phí lưu thông, xét nghiệm, lao động...) thì thời tiết thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định và tăng trưởng tốt đã tiếp tục hỗ trợ cho thị trường mặt hàng thực phẩm Tết Nhâm Dần 2022 diễn biến thuận lợi, không có biến động bất thường. Nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán được bảo đảm, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tình hình giá cả thị trường trước và trong Tết từ ngày 31/1/2022 đến ngày 4/2/2022 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 4 Tết) về cơ bản ổn định, sức mua tăng thấp so với nhiều năm, giá cả các mặt hàng tiêu dùng không có biến động bất thường.

Sang những ngày đầu năm mới, nhu cầu mua hàng hóa không cao do người dân đã mua sắm đủ trước Tết. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 42%-50% so ngày thường; giá các mặt hàng đa số đã trở về mức giá ngày thường nhiều gian hàng đã kinh doanh buôn bán trở lại, hàng hóa dồi dào, tuy nhiên sức bán vẫn chậm và giảm 25%-35% so năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh.

Nhiều siêu thị đã thực hiện đóng cửa muộn và mở cửa sớm trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm, một số siêu thị mở cửa xuyên Tết. Sang những ngày đầu năm mới, hầu hết các chợ, siêu thị đều chỉ đóng cửa vào ngày mùng 1 và mở cửa rải rác từ ngày mùng 2 đến mùng 4 Tết (Saigon Co.op mở cửa vào mùng 2, Hapromart, Winmart mở cửa từ sáng mùng 4).

Sang ngày mùng 4 Tết, hầu hết các chợ truyền thống, siêu thị đều đã mở cửa trở lại để để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, nhiều cửa hàng nhỏ cũng dần mở cửa để bán “lấy ngày” đầu năm, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường.

Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe chịu ảnh hưởng nhất định từ tình hình dịch bệnh.

Một số mặt hàng tăng nhẹ so với ngày thường

Qua theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường tại các địa phương cho thấy, về cơ bản diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng những ngày trước, trong và sau Tết không có biến động bất thường, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới.

Cụ thể, qua theo dõi nắm bắt tình hình giá cả thị trường của Bộ Tài chính và báo cáo từ các Sở Tài chính địa phương cho thấy, hầu hết các địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trong đó mặt hàng gạo luôn được chú trọng và được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường. Những ngày sát Tết giá gạo chất lượng cao, gạo nếp tăng nhẹ từ 3 - 5% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định...

Giá thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn vẫn ổn định và thấp hơn so với giá thị trường; Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương thời điểm trước Tết cơ bản ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với thời điểm trước do cung khá dồi dào và ổn định; tuy nhiên sang đến ngày mùng 4 Tết, giá rau tươi tại miền Bắc có biến động tăng do nhu cầu người dân tăng cũng như thời tiết chuyển lạnh sâu tại miền Bắc; theo đánh giá đây chỉ là biến động cục bộ và giá rau tươi sẽ sớm trở lại giá ngày thường sau các ngày tới khi cung cầu ổn định.

Giá dịch vụ vận tải cơ bản hiện vẫn ổn định, trong tầm kiểm soát của các địa phương. Trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố đã triển khai các biện pháp nhằm tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Theo báo cáo của các địa phương, về cơ bản giá cước vận tải các tuyến cố định trong thời gian qua không tăng hoặc tăng ít. Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao vào dịp trước và sau Tết nguyên đán, một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều.

Do tác động của dịch Covid-19, nhiều người dân không về quê ăn Tết hoặc đi xe riêng, cũng như đã về từ những ngày trước nên nhu cầu đi lại giảm xuống, lượng khách tại các bến xe trung tâm khá ít.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh