Trận mưa sáng ngày 3/10 TP HCM lại trong biển nước. Ảnh: PV.
Nhiều năm qua, tuyến đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Hồ Học Lãm nằm một phần quận 6 và quận 8 kéo dài đến cắt với ngã tư Đại lộ Võ Văn Kiệt, bến phà Phú Định, quận Bình Tân dài khoảng 2 km trở thành “rốn” ngập. Nhiều hộ kinh doanh hai bên đường nói cứ mưa một ngày là họ “đói” một tuần. “Mỗi lần mưa lớn là nước ngập cả tuần mới rút hết nên không ai buôn bán gì được”- bà Nguyễn Thị Ba, chủ hai cửa hàng tạp hóa và quán ăn, than.
Tự cứu mình
Do người dân, khách hàng phản ánh tình trạng đường sá xuống cấp, chỉ cần triều cường hay một cơn mưa lớn là bị ngập, một số doanh nghiệp bất động sản hai bên đường Hồ Học Lãm phải bỏ tiền túi ra để nâng nền đường. Cty Cổ phần đầu tư Nam Long đã nâng cấp trên 1km từ khu vực đường nội bộ khu dân cư đến khu vực chợ tạm trên đường Hồ Học Lãm để cư dân thuận tiện hơn khi ra vào Dự án chung cư Ehome 3. Tuy nhiên người dân cho rằng, doanh nghiệp tự bỏ tiền ra nâng đoạn đường này thì lại ngập đoạn khác, cuối cùng người dân vẫn phải chịu cảnh ngập úng.
Sau mỗi trận mưa, người Sài Gòn vật lộn trong biển nước. Ảnh: L.N.
Để bán được các block chung cư tại dự án Nam Long, đường Trần Trọng Cung, quận 7, chủ đầu tư cũng phải nâng mặt đường Trần Trọng Cung vốn hay ngập lên gần 1m. Sau khi nâng đường, dân vào dự án trên ráo chân thì các đường nhánh lại ngập nặng hơn.
Trao đổi với PV, bà Trần Thị Hải Đường, chuyên viên cao cấp truyền thông Cty Nam Long cho biết: “Về vấn đề ngập do mưa và triều cường, Nam Long đã chủ động tiến hành nâng một số đường chính và thi công hệ thống ngăn triều chống ngập tại khu đô thị Nam Long - Tân Thuận Đông. Ngoài ra, Cty cũng đã nâng một phần tuyến đường dẫn từ đường Hồ Học Lãm vào dự án Ehome 3, quận Bình Tân để hỗ trợ phần nào cho những bất tiện trong sinh hoạt của người dân khu vực và cư dân thuộc dự án. Tổng số chi phí nâng cấp tại 2 khu vực trên là hơn 17 tỷ đồng”.
Cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Novaland khởi công hồ điều tiết, kết hợp với hồ cảnh quan nhằm giúp điều tiết nước, chống ngập cho cả khu vực đông TPHCM, gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây là hồ cảnh quan kết hợp điều tiết, chống ngập nước lớn nhất TPHCM được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Ông Phan Thành Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết: “Sau nhiều năm chỉ đi phát triển các dự án chung cư nhỏ lẻ thì đây là khu đô thị đầu tiên Novaland thực hiện. Xây dựng hồ điều tiết tham gia giải quyết các vấn đề của thành phố về đô thị như ngập nước, kẹt xe...
Ngập nước khiến mặt đường Hồ Học Lãm bong tróc, xuất hiện ổ voi, ổ gà người dân hai bên không bán mua gì được.
Vì dự án đã “chôn chân” tại các khu vực có ngập nên nhiều chủ đầu tư không còn cách nào khác là tự cứu mình. Một số doanh nghiệp BĐS đã đầu tư cải thiện hạ tầng đô thị: HimLam xây cầu qua sông Ông Lớn; Vạn Phát Hưng xây cầu Ông Đội, Phát Đạt xây cầu Phú Thuận quận 7. Gần đây nhất là Vingroup đề xuất làm lại đường Nguyễn Hữu Cảnh để chống ngập úng. Trong khi đó, một khách hàng, anh Trần Văn Nên, cho biết mình và nhiều người khác đã rút khỏi dự án trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 vì sau khi đi khảo sát thì thấy đường vào dự án này ngập quá nặng. “Chủ đầu tư đi không được mà ở không xong nên chỉ còn cách nâng đường hoặc hạ giá nhưng chúng tôi không dám mua nữa”- anh Nên cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, trước đây người ta mua BĐS là mua một chỗ ở nhưng nay thì khác, người ta mua một không gian sống, dẫn đến các chủ đầu tư phải nâng tầm dự án mình lên để đáp ứng khách hàng, đặc biệt là khi mở cửa phục vụ người nước ngoài. Còn theo TS Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế, hiện tại tổng thể qui hoạch vị trí dự án trên địa bàn TPHCM dường như chật kín. “Thời gian qua mưa lớn gây ngập úng, ảnh hưởng rất lớn đến chủ đầu tư khi có khách hàng đến hỏi mua nhà nằm trên các tuyến đường bị ngập. Nghe ngập là khách chê ngay”- ông nói.
“Công bằng mà nói, chủ đầu tư không dại gì khi chọn khu vực ngập úng xây dự án, nhưng do quĩ đất trên địa bàn đã chật kín, nên họ phải chấp nhận thôi. Nhưng, việc doanh nghiệp bỏ tiền sửa đường, xây cầu cống… mới hoàn chỉnh cũng kích thích giao dịch, khu vực đó giá BĐS sẽ tăng, chủ đầu tư cũng có lợi nhuận”.
TS Lê Bá Chí Nhân nhận định
|