THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:29

Mùa măng vầu nở

Cây vầu được trồng xen lẫn với cây chè, cây sắn...

Cây măng vầu (hay còn gọi là cây măng ngọt) thuộc họ tre, diễn, mai, thân nhỏ và không có gai. Cây vầu được trồng ở những vùng có gò đồi cao và thường được trồng xen lẫn với đồi chè, đồi sắn, như ở Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ…

 

Búp măng vầu mới nở, thò hai cái tai xanh xanh, hồng hồng lên khỏi mặt đất. 

 Thân cây dùng để làm nhà lá, hàng rào, kết bè trên sông và làm đóm để mồi bếp lửa. Đến mùa từ dưới những lớp lá hoại mục, măng bắt đầu đội đất nhú lên. Cây vầu cao, xanh tốt, rễ càng dài, càng bò đi xa thì măng mọc càng nhiều hơn. Bất cứ nơi nào có vết đất nứt, chỉ cần lấy cuốc cào một lúc là thấy ngọn măng tròn lẳn, ngọn to nhất cũng phải bằng bắp chân người lớn, nhưng chỗ nào đất xấu cũng chỉ bằng cổ tay. Ngọn nào đã mọc khoảng hai, ba ngày thì trông như những cái chông đã được vót rất kỳ công…

Mỗi một mùa măng, người trồng thường chọn ra những ngọn to, mập, không bị nhậy (ngọn măng bị sâu đục) để nuôi làm giống thành cây vầu cho vụ sau vừa có thêm măng ăn, lại có cây vầu để sử dụng vào những việc cần thiết.

Ngọn măng vầu nở, trông giống như những cái chông được vót rất kỳ công.

Măng vầu ăn ngon, ngọt và rất lành, khi nấu không cần luộc bỏ nước, măng nhanh chín, không phải ninh lâu như các loại măng khác. Măng được chế biến thành nhiều món như: Măng cuốn thịt, măng xào với củ kiệu, măng nộm, nấu canh, luộc chấm với muối vừng, măng phơi khô để dành; hoặc cho măng vào bếp củi nướng, ăn đậm đà và thơm ngon hơn. Ngoài ra, vỏ ngọn măng khi bóc ra còn dùng làm thức ăn cho trâu, bò…

Ngọn măng vầu khi đã được bóc bỏ vỏ.

Ngọn măng vầu được nấu canh với xương và luộc chấm với muối vừng.

Vỏ ngọn măng khi bóc ra, dùng làm thức ăn cho trâu, bò.

Cứ như vậy, măng nở rộ nhiều nhất từ giữa tháng giêng và hết tháng ba (âm lịch) mới kết thúc một mùa măng vầu nở.

Mùa măng nào cũng vậy, tôi và anh trai lại về quê hái măng. Vừa về tới nhà là tôi chạy vội ra vườn. Một cảm giác thật thích thú, khi đang rảo bước, lại thấy có vật gì đó cồm cộm dưới bàn chân, cúi xuống, bắt gặp ngay một búp măng mới nhú rất dễ thương, trông giống như tai thỏ, nằm lọt giữa khe đất nứt nẻ. Tôi reo lên như một đứa bé khi thấy mẹ đi chợ về, rồi vội vàng lấy cành cây nhỏ gẩy đất và cắm lại đánh dấu, để biết nơi đó có một ngọn măng vừa nhìn thấy ánh mặt trời…

Ngọn măng nở, hất tung mảng đất nặng trên đầu.

Tìm kiếm một lúc, hai anh em cũng đào được một xô măng mang về. Tôi lấy dao để bóc vỏ, nhưng mẹ không cho, bởi mẹ sợ tôi không biết làm và tay sẽ đen nhẻm vì vỏ măng... Mẹ là vậy, bao giờ cũng thế, dành hết phần nặng nhọc về mình…

Những ngọn măng vầu được đào lên từ đất.

Vài hôm trước, có mấy bạn của anh trai ở miền Nam ra Hà Nội công tác, đi Đền Hùng rồi ghé qua nhà tôi chơi. Được thưởng thức canh măng do chính tay mẹ nấu, anh nào cũng tấm tắc khen ngon, rất ngạc nhiên và tò mò nữa- khi mà được tận mắt chứng kiến những ngọn măng nở ra từ rễ của cây vầu bám sâu dưới lòng đất. Khi đi, có anh còn bẻ cả cánh lá cây vầu mang về để khoe với bạn bè, người thân.

Lá của cây măng vầu.

Khi hai anh em tôi trở lại thành phố, hành trang mang theo là những ngọn măng đã bóc vỏ trắng ngần. Mẹ ra tận cổng dõi theo chúng tôi, đi xa một đoạn, tôi ngoái lại, mẹ vẫn nhìn theo. Bất giác, nơi sống mũi tôi cay cay- mẹ già đi nhiều rồi, mái tóc chẳng còn mấy sợi đen. Ôi, mẹ yêu thương của tôi- để có những bữa măng ngon theo con về với phố, mà bao nhiêu lần rồi tay mẹ cứ đen nhẻm thế kia…

Bây giờ, mỗi khi ăn bát canh măng vầu nấu với xương, miếng măng mềm, ngon, ngọt, đậm đà tình quê hương – thì khi ấy tôi lại càng  thấy nhớ da diết hình ảnh đôi tay gầy guộc, đen thui vì bóc măng của mẹ...

Cù Thị Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh