Mưa lũ lớn đe dọa Bắc bộ, không thể lơ là
- Tây Y
- 22:57 - 31/07/2015
Nhiều tỉnh, thành phố ngập vì mưa lớn
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trận mưa lũ lịch sử trong những ngày qua đã khiến Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề, 18 người thiệt mạng, 6 người mất tích, 19 ngôi nhà bị sập, gần 4.000 căn nhà, trường học bị ngập nước hư hại nặng; hơn 880 lồng bè với gần 200 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và hơn 1.000 ha lúa, hoa màu bị ngập. Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng, ngoài ra ngành than cũng thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng như mỏ than Quang Hanh thiệt hại 200 tỷ đồng, mỏ than Mông Dương 300 tỷ đồng… “Ít nhất phải mất 1 tuần nữa các trạm than trên địa bàn tỉnh mới có thể đi vào hoạt động bình thường”, ông Nguyễn Đức Long thông tin.
Nhiều bãi than ở Quảng Ninh có nguy cơ vỡ nếu trời tiếp tục mưa
Đến chiều 30-7, toàn bộ thôn Bản Sen, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, với 27 hộ vẫn ngập sâu hơn 10m, TP Hạ Long cũng còn khoảng 30 nhà dân bị ngập. Đáng lo ngại, bãi thải than Mông Dương cọc 6 đang có nguy cơ vỡ.
“Nếu đập than này vỡ, toàn bộ lượng bùn thải từ bãi thải than Mông Dương cọc 6 sẽ tràn ngập xuống hơn 300 hộ dân ở phía dưới. Chúng tôi đã di dời 221 hộ. Tỉnh đã có chỉ đạo, trong đợt mưa lũ tới, địa phương nào để xảy ra thiệt hại nặng về người thì lãnh đạo địa phương đó sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Đình Long cho hay.
Với tình trạng ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 18 ở đoạn đèo Bụt (TP Hạ Long), chiều 30-7, lực lượng cứu hộ phải huy động máy bơm công suất lớn để bơm tiêu thoát, giải phóng đường.
Trong ngày 30-7, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định hỗ trợ bước đầu cho các hộ dân có nhà bị sập 50 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, tỉnh cũng đã nhận được khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ từ các doanh nghiệp, địa phương. Đối với hơn 1.000 du khách đang mắc kẹt ở đảo Cô tô, chiều 30-7, tàu Hải quân đã tiếp cận và chuyển du khách về đất liền. Trên địa bàn tỉnh Hải Phòng, từ đêm 29-7 đã có mưa với lượng mưa tương đối lớn.
Toàn bộ xã Việt Hải, huyện Cát Hải chìm trong nước. Tuyến đường chính dẫn vào trung tâm xã bị ngập dài hơn 3km, có những điểm độ sâu hơn 4m, khiến người dân trong xã không thể đi lại và giao thương với bên ngoài.
Tương tự, tỉnh Lạng Sơn cũng đã xuất hiện mưa và ngập. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, do mưa cấp tập đạt mức 300mm, nên mực nước trên sông Kỳ Cùng đã vượt mức BĐ I là 1m, sông Lục Nam xấp xỉ BĐ I. Tại xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng, 1 cháu bé 10 tuổi đã bị lũ cuốn trôi, 120 ngôi nhà bị lũ cuốn và sạt lở; toàn thị trấn Đồng Mỏ đã bị ngập.
Lũ sông Thái Bình đạt báo động III
Trong khi đó, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, từ ngày 31-7 đến 4 và 5-8 sẽ có mưa to đến rất to ở các tỉnh miền Bắc, thậm chí lan xuống Bắc Trung bộ. Lượng mưa phổ biến từ 200mm-300mm, thậm chí một số nơi sẽ xuất hiện mưa cực đoan với lượng mưa cấp tập trong vòng 6 tiếng đạt mức 500mm-600mm.
“Với diễn biến mưa như vậy, nguy cơ cao nhất trong đợt này là lũ quét và sạt lở đất. Ngoài ra, một số sông thuộc lưu vực sông Thái Bình nước lũ có thể đạt BĐ III. Từ ngày 4 đến 5-8, nước về các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình sẽ vượt ngưỡng cho phép từ 1-3m. Do đó, cần có biện pháp để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa lớn này”, ông Hoàng Đức Cường cảnh báo.
Đáng lo ngại là tình hình hồ chứa các tỉnh phía Bắc hiện đã đầy nước, nhiều hồ đã hư hỏng và có nguy cơ vỡ. Trước tình hình này, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiến nghị, các địa phương phải tháo nước đệm, giữ mực nước ở các hồ ở mức 70% dung tích Thiết kế. Các hồ có nguy cơ vỡ, sạt lở địa phương phải cử người canh gác 24/24h, kịp thời báo cáo nếu có sự cố.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, mưa lũ lớn trong những ngày tới sẽ còn tiếp diễn phức tạp và nguy hiểm, do đó không thể chủ quan lơ là. Hiện, Ủy ban Quốc gia TKCN đã huy động 31.000 cán bộ chiến sỹ, 860 phương tiện sẵn sàng ứng trực, hỗ trợ các tỉnh phía Bắc khi có yêu cầu.