Mưa lũ hoành hành miền Trung: Cầu dân sinh trơ móng, học sinh trắc trở đường đến trường
- Tây Y
- 00:37 - 05/09/2019
- Lũ cuốn cầu độc đạo trơ móng, nhiều tuyến đường ở Quảng Trị bị chia cắt
- Mưa lũ ở Hà Tĩnh khiến gần 26.000 học sinh không được khai giảng năm học mới
- Hà Tĩnh: Nước trên các sông dâng nhanh, thủy điện xả lũ
- Mưa lớn, nhiều đoạn đường Hồ Chí Minh qua Quảng Trị bị sạt lở
- Áp thấp nhiệt đới vào đất liền từ Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế, gió giật cấp 8
Tính đến 15 giờ 30 chiều ngày 4/9, trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế vẫn đang có mưa rất to, nhất là các huyện miền núi Hướng Hóa , Đakrông (Quảng Trị), A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên – Huế). Mưa lớn khiến các vùng ngập lụt trước đó tiếp tục bị nước lũ bao vây.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến huyện Hướng Hóa. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương này, mưa lớn đã gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như cơ sở vật chất trên địa bàn. Do nước dâng cao gây ngập úng, và ngập lụt cục bộ, chia cắt nhiều tuyến giao thông, đặc biệt là các xã vùng Lìa.
Nước sông Sê Pôn dâng cao khiến 689 ngôi nhà bị ngập, trong đó tập trung ở thị trấn Lao Bảo, xã Tân Thành, xã Tân Long…; giao thông bị chia cắt cục bộ, nhất là các xã vùng Lìa. Theo ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, huyện đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân/4.000 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng tại thị trấn Lao Bảo, 450 hộ/2.000 nhân khẩu đã phải di dời vì ngập lụt.
Thực tế tại huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) vào sáng 4/9, phóng viên ghi nhận nhiều địa phương trên địa bàn huyện vẫn còn bị chia cắt bởi nước lũ. Dù mực nước đã rút xuống thấp hơn so với ngày 3/9, song những cơn mưa nặng hạt vẫn đang tiếp tục trút xuống, khiến nguy cơ mực nước các sông, suối nơi đây dâng cao trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều tuyến đường bị chia cắt do nước sông, suối dâng cao hoặc sạt lở đất. Rạng sáng nay 4/9, tại Km 54+200, trên tuyến Quốc lộ 9, đoạn qua địa bàn thôn Ku Pua, (xã Đakrông, huyện Đakrông) xảy ra sạt lở đất đá với khối lượng ước tính 300 – 400 m3 gây tắc đường nhiều giờ đồng hồ. Đến tầm 8 giờ sáng cùng ngày, đoạn đường này mới được thông tuyến.
Đáng lo nhất là tại đường dẫn lên cây cầu dân sinh, cầu tránh lũ RLây (thôn A La, xã Pa Nang). Trước đó, vào ngày 3/9, mưa Lớn đã làm sạt ở toàn bộ phần nền đất phía dưới đường dẫn, chỉ còn lại một lớp bê tông được tráng ở trên cùng. Đáng nói, đây là cây cầu độc đạo dẫn vào trụ sở UBND xã Pa Nang và các trường học đóng trên địa bàn xã này. Theo người dân địa phương, trong ngày 3/9, chính quyền cùng người dân đã dùng các thân cây keo, tre để bắc 1 "nhịp" cầu tạm trên nền bê tông để người và phương tiện qua lại. Tuy nhiên, nhận thấy việc đi lại trên phần cầy tạm không an toàn, chính quyền đã cho rào chắn không ho người qua cầu. Nhưng, do đây là cây cầu duy nhất nối 2 bên khe Rlây, trong khi nước phía dưới khe vẫn đang chảy siết nên buộc người dân phải đi qua cây cầu này.
Khi phóng viên có mặt, một nhóm người địa phương đang tổ chức đập bỏ phần bê tông tráng mặt đường dẫn lên cầu đã bị xói lở. Theo những người này, họ đập cầu theo chỉ đạo của xã với mục đích để cắt đứt hẳn phần bê tông tráng, không cho phương tiện qua lại nữa.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bảo và tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, tại xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) và Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), lốc xoáy đi qua khiến 12 ngôi nhà của người dân bị tốc mái. Mưa lớn cũng làm hơn 1.811 ha lúa và hoa màu của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong… bị ngập úng, hư hại nặng. Ngoài ra, có khoảng 1.000m2 hồ cá bị sạt lở, trôi khoảng 4 tạ cá và hàng chục ha sắn, ngô bị gãy hỏng. Gia súc, gia cầm của nhiều hộ dân trong tỉnh bị chết do nước lũ cuốn trôi.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đến các địa bàn xung yếu, bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai để kịp thời hỗ trợ người dân. Các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tập trung tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác; sơ tán người và của cải đến nơi an toàn; chốt chặn tại các vị trí nguy hiểm để cảnh báo bà con; phối hợp với các lực lượng khác thông đường tại các địa điểm bị sạt lở; hỗ trợ lương thực, thực phẩm…
Video clip cầu tránh lũ RLây bị nước lũ làm xói mòn đường dẫn
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bảo và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn đã xảy ra 1 trường trường hợp tử vong. Đó là trường hợp ông Phan Khoái, (83 tuổi, thường trú tại thông Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền). Bị mất lúc 12 giờ ngày 3/9, do leo chằn chống mái hiên nhà, bị trượt chân, rơi xuống gây tử vong. Mưa bão cũng làm 2 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; 30 nhà bị ngập từ 0,1-0,2 m. Ngoài ra, nước lụt cũng khiến một số tuyến đường giao thông tại thành phố Huế bị ngập cục bộ trong chiều 3/9.
Một số hình ảnh mưa lũ tại Quảng Trị:
Cầu RLây bị xói mòn đường dẫn nghiêm trọng do mưa lũ