THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:34

Mưa lũ - Hậu quả của những cánh rừng nguyên sinh bị “cạo trọc”

 

Mất hàng chục năm mới có thể khôi phục được những cánh rừng

Phân tích về nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực miền núi phía Bắc, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu gây ra những đợt mưa lũ bất thường còn có cả nguyên nhân chủ quan do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người. 

Thực tế, khu vực ở miền núi người dân đã phạt thẳng những quả đồi và làm nhà ngay dưới chân, khi xảy ra sạt lở đất đá sẽ vùi lấp các ngôi nhà dẫn đến thiệt hại về người.  Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 100.000 ngôi nhà trong tình trạng phải sơ tán. Chính phủ đã có chủ trương sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm nhưng công tác này đang còn rất hạn chế. 

Một số tỉnh miền núi như Sơn La, Yên Bái đã xuất hiện nhiều những cánh rừng nguyên sinh bị "cạo trọc," thay vào đó là những nương ngô. Do đó, khi có mưa lũ, sẽ không được những cánh rừng che chắn nên mới gây sạt lở đất đá. Việc khôi phục những cánh rừng phải mất hàng chục năm. 

Những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá là một trong những nguyên nhân của những trận lũ lớn và sạt lở đất

 

Về công tác dự báo, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho biết​, dự báo mưa đã khó, dự báo chính xác lượng mưa bao nhiêu lại càng khó hơn, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Ngoài ra, khi gặp các loại hình thời tiết như kết hợp giữa không khí lạnh với hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới thì khâu dự báo định lượng mưa lại càng khó hơn. Theo ông Cường, khi bị ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, bão thường xảy ra mưa rất lớn và chủ yếu mưa vào ban đêm hoặc gần sáng, do đó, các bản tin dự báo cuối giờ chiều là rất quan trọng. 

Để khắc phục những hạn chế trong khâu dự báo, thời gian tới, cơ quan khí tượng thủy văn cần được trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại như các hệ thống quan trắc, radar... Ngoài ra, khi sản xuất ra các bản tin dự báo, việc truyền bản tin dự báo đến các địa phương trong vùng ảnh hưởng chưa kịp thời, cần phải nâng cấp. 

Cần có tầm nhìn dài hạn trong quản lý, giảm thiểu rủi ro thiên tai

Những năm gần đây, tại Việt Nam, thiên tai xảy ra liên tục từ đầu năm đến cuối năm, trên khắp các vùng miền cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường như bão, áp thấp nhiệt đới không theo quy luật; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ; mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều loại hình thiên tai khác như nắng nóng, dông lốc, mưa đá đã xảy ra tại nhiều nơi trên phạm vi cả nước. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP. 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đã đến lúc phải thay đổi nhận thức, hành động theo tầm nhìn dài hạn với tiếp cận quản lý giảm thiểu rủi ro thiên tai tổng hợp dựa trên nền tảng luật pháp, chính sách hoàn chỉnh, sự hỗ trợ của khoa học công nghệ tiên tiến, các công cụ tài chính tương thích và nhận thức của người dân. 

 

Khó khăn chồng chất vì mưa lũ

 

Theo đó, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan; tổ chức rà soát, đề xuất chính sách tránh chồng chéo, giảm thiểu xung đột về lợi ích ngành, vùng và địa phương, tạo động lực để nhân dân và khu vực tư nhân tham gia. 

Đặc biệt, chính sách cần tạo khuôn khổ để người dân nâng cao hiểu biết và tiếp cận đầy đủ thông tin rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng thực hiện của người dân, thúc đẩy hợp tác công-tư và hướng sự đầu tư tập trung nhiều hơn cho công tác chuẩn bị, phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. 

Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn lực nhân lực có chất lượng và ứng dụng khoa học công nghệ - nhất là công nghệ thông tin địa không gian phục vụ công tác quản trị, điều hành, hỗ trợ kĩ thuật, nâng độ tin cậy và dịch vụ cảnh báo sớm thiên tai ở các cấp. 

Ngoài ra, cần tăng cường giải pháp tài chính gồm cả kế hoạch đầu tư và phát triển các công cụ tài chính. Sắp xếp nguồn vốn nhà nước đầu tư có mục tiêu theo các chương trình, dự án cấp thiết, kết hợp lồng ghép các chương trình liên quan; phối hợp, hợp tác quốc tế về hỗ trợ vốn và kỹ thuật; thí điểm và ứng dụng các công cụ tài chính giảm nhẹ thiên tai như sử dụng có hiệu quả dự phòng ngân sách, các nguồn quỹ kết hợp phát triển bảo hiểm và tái bảo hiểm, nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân... bảo vệ nguồn tài chính bền vững, linh hoạt, có khả chống chịu với các cú sốc tổn thất kinh tế do thiên tai gây ra. 

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh