Mùa lễ hội 2016: Hạn chế tối đa ẩu đả, cướp lễ…
- Văn hóa - Giải trí
- 20:08 - 16/02/2016
Cướp lộc hoa tre ở Đền Sóc gây nghẹt thở nhưng không xảy ra ấu đả.
Lược bớt hình ảnh đổ máu, bạo lực
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp đầu Xuân, năm mới, người dân Việt lại nô nức trẩy hội, lễ chùa. Cùng với những vấn đề về an ninh, ùn tắc giao thông, đổi tiền lẻ, đốt vàng mã tràn lan lãng phí… thì nhiều vấn đề khác như lễ hội bị lợi dụng để một bộ phận trục lợi, lễ hội bị biến tướng cũng đang tồn tại, gây không ít bức xúc trong dư luận, khó khăn cho cơ quan quản lý. Nạn cướp lộc tre ở lễ hội Đền Sóc (Hà Nội), chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh), cướp phết ở Phú Thọ… gây ồn ào dư luận ở mùa lễ hội năm 2015, đến đầu mùa lễ hội 2016 đã bớt đi những ẩu đả, nhưng nạn cướp lễ vẫn gây náo loạn…
Tại hội Gióng - Sóc Sơn (Hà Nội), tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, tuy màn cướp lộc tre vẫn diễn ra nghẹt thở nhưng không có gậy gộc, đổ máu. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ kiệu giò hoa tre đã bị cướp sạch. Mặc dù không xảy ra xô xát lớn, nhưng qua màn tranh cướp quyết liệt thì cả bát hương bằng đồng rất lớn đặt tại sân đền Trình cũng đã bị xô đổ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với kiệu trầu cau sau khi được tế lễ ở sân đền Mẫu thuộc khu vực đền Sóc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của BTC lễ hội, việc “cướp” lộc này được diễn ra theo đúng kịch bản…
Lễ chém lợn ở Bắc Ninh được chém kín.
Tại một “điểm nóng” khác là lễ chém lợn ở Ném Thượng (phường Niệm Thượng - TP Bắc Ninh), không khí lễ hội diễn ra yên ả. Hai “ông lợn” được đưa vào chém kín. Tất cả các hoạt động phía bên trong đều bí mật, không được công bố, hạn chế những hình ảnh phản cảm. Có thể nói, năm nay, Bộ VH-TT&DL cùng tỉnh Bắc Ninh đã thành công trong việc thuyết phục nhân dân làng Ném Thượng lược bớt những hình ảnh đổ máu và bạo lực trong ngày lễ hội.
Đột xuất kiểm tra, đảm bảo an ninh lễ hội
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, từ 16/2 đến 31/3, các đoàn kiểm tra do Bộ trưởng và các Thứ trưởng làm trưởng đoàn sẽ đến kiểm tra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước theo kế hoạch, trong đó có những đoàn kiểm tra đột xuất nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VH-TT&DL về tổ chức các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí mừng Đảng, đón Xuân Bính Thân và công tác quản lý, tổ chức lễ hội, kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, tổ chức hoạt động lễ hội. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và nâng cao trách nhiệm giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho biết, trước Tết Nguyên đán Bính Thân, Bộ đã có 3 đoàn kiểm tra công tác quản lý và lễ hội đến các địa phương. Trong các nội dung phối hợp với địa phương đã lường ra những vấn đề mới, điều nào tốt thì phát huy, những hạn chế phải cố gắng khắc phục cho bằng được.
Chùa Hương quá tải ngay trong ngày khai hội.
Theo bà Thủy, tất cả những tồn tại của các lễ hội mà dư luận năm vừa qua phản ánh thì năm nay dứt khoát phải thay đổi. Như tại lễ hội Đền Sóc, tục cướp hoa tre là có thật trong lịch sử, nhưng trong xã hội hiện đại phải xem cướp thế nào, không phải là đông người như thế, mạnh ai là xông vào cướp. Năm nay, chúng tôi yêu cầu các địa phương có “điểm nóng” phải có kịch bản cụ thể, tránh việc lộn xộn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền.
“Cần phải hiểu, các nghi lễ, xin lộc, cướp lộc chỉ là tượng trưng, có lộc hay không có lộc, theo tôi, đi lễ đã là thành kính, chắc chắn đã được ban lộc rồi. Còn cướp được hiện vật mới là có lộc thì sai. Hiện nay, cơ chế thị trường tác động rất mạnh, nhiều địa phương coi lễ hội là có nguồn thu. Nếu không tuyên truyền, tổ chức, thuyết phục thì chắc chắn lễ hội sẽ bị lạm dụng, theo hướng thương mại hóa, thậm chí, nó sẽ giảm mục đích nhân văn của lễ hội đi để phục vụ lợi ích kinh tế. Vì vậy với các địa phương, việc tuyên truyền, quảng bá giới thiệu những giá trị nhân văn, giá trị lịch sử, giá trị di sản của lễ hội là rất quan trọng, như vậy lễ hội mới đúng với định hướng của ngành văn hóa, nếu thả để các địa phương thích tổ chức thế nào thì tổ chức thì sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề!”- bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Vẫn ùn tắc kéo dài tại chùa Hương Lễ hội Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bước vào lễ hội 2016 với quy mô và thời gian kéo dài nhất miền Bắc. Ngay trong ngày khai hội (mồng 6 Tết), công tác an ninh trật tự được đảm bảo. Tuy nhiên, do lượng du khách đổ quá đông dẫn đến quá tải, gần 5.000 đò ở chùa Hương đã hoạt động hết công suất để phục vụ lượng du khách về du xuân, lễ phật. Do lượng khách tham dự lễ hội chùa Hương tăng đột biến nên tại bến Thiên Trù có thời điểm xuồng, đò, đỗ kín đặc, khiến việc lên bến của du khách khá khó khăn. Những ngày đầu khai hội, hiện tượng ùn tắc kéo dài tại khu vực nhà ga cáp treo lên động Hương Tích tiếp tục tái diễn khiến nhiều du khách tỏ ra khá mệt mỏi trong cái nắng gay gắt của Hà Nội sau nhiều ngày rét đậm. Theo ước tính của Ban tổ chức, trong ngày khai hội có khoảng hơn 10 vạn lượt khách tham gia trẩy hội. |