Hội An vào mùa khách nội địa
- Văn hóa - Giải trí
- 23:35 - 13/07/2015
Rộn ràng mùa tháng Bảy
Tháng Bảy được xem là mùa cao điểm của khách nội địa đến Quảng Nam. Mỗi chiều đi về khu vực quảng trường Sông Hoài dễ dàng bắt gặp hàng chục xe du lịch cỡ lớn nối đuôi nhau đổ khách trên đoạn đường dài hàng trăm mét. Dọc quanh phố cổ, trong những nhà hàng, quán ăn dường như nơi đâu cũng bắt gặp du khách Việt đi theo nhóm hoặc từng đoàn đông hàng trăm người. Việc gia tăng khách Việt đến Hội An đã giúp bức tranh du lịch nơi đây thêm khởi sắc, tạo sự lan tỏa đến các vùng lân cận, nhất là 2 di sản thế giới Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Theo thống kê 6 tháng đầu năm, trong tổng số 1.865.000 lượt khách đến tham quan lưu trú trên địa bàn tỉnh khách nội đã chiếm 875.000 lượt, tăng 5,06% so với cùng kỳ năm 2014. Tại Hội An qua 6 tháng đầu năm đã có 591.500 khách ghé tham quan, tăng 20,23% so với cùng kỳ, riêng số khách Việt đến Cù Lao Chàm tăng đột biến với khoảng 167.500 khách, tăng gần 51% so với năm 2014.
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An ghi nhận, năm nay lượng khách Việt đến Hội An tăng gần 75%, dù số khách mua vé tham quan phố cổ mới chỉ khoảng 60% nhưng cũng đã đạt hơn 174 nghìn lượt, vượt trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân này, ông Phùng cho rằng ngoài yếu tố mùa hè là thời điểm của du lịch nội địa thì các sản phẩm dịch vụ trong phố cổ đã thực sự mang đến sự hấp dẫn cho khách. “Khách Việt tham quan phố cổ vào ban đêm rất đông vì những hoạt động văn hóa nghệ thuật nơi đây. Và đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên sức hút với du khách” - ông Phùng nói.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, lượng khách nội địa tăng còn có nguyên nhân từ công tác xúc tiến quảng bá luôn được đẩy mạnh thời gian qua. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức cho doanh nghiệp tham gia 3 roadshow quảng bá tại hai đầu đất nước là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ nhằm công bố chính sách kích cầu cũng như giới thiệu các điểm đến của Quảng Nam. Dự kiến, tháng 9 tới trung tâm sẽ tiếp tục tham gia hội chợ ITE tại TP.Hồ Chí Minh để thu hút khách đến Quảng Nam trong năm tiếp theo. “Thông thường chính sách kích cầu phải sau 6 tháng hoặc vài năm mới phát huy tác dụng nhưng không phủ nhận thông qua các đợt quảng bá này thương hiệu điểm đến Quảng Nam đã được nhiều thị trường khách nội địa biết đến” - ông Tú khẳng định.
Bài toán lưu trú
Có thể nói, trong bối cảnh khách quốc tế đến Việt Nam đang có dấu hiệu giảm sút, thì việc khách nội địa gia tăng mang ý nghĩa rất quan trọng, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp, nhất là các khách sạn dưới 3 sao… Khảo sát tại một số cơ sở lưu trú trên địa bàn Hội An hầu hết khẳng định năm nay lượng khách tương đối cao, bình quân 60 - 70%, giúp bù đắp cho những tháng đầu năm. Ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, việc khách tăng mạnh trong tháng 6 và tháng 7 là bình thường vì đây là mùa cao điểm của khách nội địa, điều khác lạ là năm nay lượng khách tăng sớm hơn so với mọi năm với khởi đầu là dịp lễ 30.4, 1.5 và tiếp tục kéo dài đến các tháng hè. “Dù chưa có báo cáo cụ thể từ các doanh nghiệp, nhưng qua thống kê sơ bộ có thể thấy năm nay lượng khách nội địa tăng khá hơn năm ngoái, tập trung chủ yếu vào đối tượng khách đoàn lớn và học sinh, sinh viên” - ông Vân dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc khách sạn Phú Thịnh (Hội An), lượng khách lưu trú dù có tăng hơn so với những tháng đầu năm nhưng nhìn chung vẫn khá thấp nếu so với thị trường Đà Nẵng (công suất lấp đầy phòng đạt khoảng 90 - 100%). Điều này cũng dễ hiểu khi Đà Nẵng được đánh giá là một trong những trung tâm giải trí ở miền Trung với nhiều dịch vụ vui chơi, ẩm thực hấp dẫn, giá phòng cũng rẻ hơn Hội An 15 - 20%. Bà Lê Thị Châu Trinh - Trưởng phòng Quản lý lưu trú (Sở VH-TT&DL Quảng Nam) thừa nhận, việc cạnh tranh khách lưu trú với Đà Nẵng đang là một thực tế đối với các khách sạn tại Hội An, nhất là những khách sạn dưới 3 sao.
Riêng khách sạn hạng 4 - 5 sao, sự phân khúc thị trường khá rõ nét với đối tượng khách cao cấp là chủ yếu. Dù vậy, theo bà Trinh để lưu giữ khách nội địa ở lại Hội An đến nay vẫn chưa có giải pháp nào mang tính chiến lược. Biện pháp trước mắt vẫn là yêu cầu các cơ sở lưu trú tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách. “Phải thẳng thắn rằng hiện tại chúng ta rất khó cạnh tranh với Đà Nẵng vì hạ tầng, dịch vụ về đêm tại Hội An vẫn còn hạn chế nên rất nhiều khách tham quan Hội An nhưng nghỉ ngơi mua sắm tại Đà Nẵng. Dù tháng 7, tháng 8 khách nội địa có tăng cao nhưng với xu hướng hiện tại dự kiến cả năm lượng khách Việt lưu trú sẽ chỉ bằng năm 2014, thậm chí có thể giảm hơn. Theo tôi, giải pháp tạm thời vẫn là tăng cường thêm dịch vụ như phát triển sản phẩm về đêm hoặc các sản phẩm làng nghề phụ cận” - bà Trinh nói.