THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:55

Mua hàng trực tuyến: Phần thiệt luôn thuộc về khách hàng

 

Giao dịch bằng... niềm tin

Nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng tăng cao, nắm lấy cơ hội này, nhiều doanh nghiệp sử dụng website, mạng xã hội để hỗ trợ cho kênh bán hàng truyền thống và đạt được hiệu quả khả quan. Chị Nguyễn Minh Anh, chủ cửa hàng thời trang tại phố Quán Thánh (Hà Nội) cho biết, từ khi có thêm kênh bán hàng online, doanh thu cửa hàng tăng gấp đôi. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, chị lập fanpage trên facebook, gia nhập các nhóm mua sắm trực tuyến và tham gia bán hàng cả trên các trang thương mại điện tử. Chị Minh Anh có hẳn một nhóm nhân viên 3 người thay nhau thường xuyên cập nhật những sản phẩm mới lên các trang điện tử và tư vấn, trả lời các câu hỏi của khách. Để hút khách hàng, chị Minh Anh thuê hẳn đội hình người mẫu bán và thợ ảnh để quảng cáo cho các sản phẩm mới. Nhờ đó, các sản phẩm của cửa hàng chị luôn đẹp long lanh, thu hút hàng chục nghìn lượt người thường xuyên theo dõi. Bên cạnh đó, cửa hàng có chính sách cho phép khách thử đồ, đổi trả, vừa ý mới thanh toán nên theo bật mí của chị Minh Anh, doanh số bán hàng online cao hơn cả doanh số khách mua trực tiếp tại cửa hàng dù một số lớn khách mua hàng tại cửa hàng là nhờ xem thông tin sản phẩm trên mạng xã hội.

Bán hàng trực tuyến đang thu hút đông đảo người tiêu dùng 


Mỹ Linh, sinh viên đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội thường xuyên có thói quen mua sắm trực tuyến. Theo Linh, mua sắm trực tuyến có nhiều tiện ích như chỉ cần ngồi nhà lướt mạng đã có thể ngắm và được tư vấn sản phẩm tận tình mà không sợ bị “đốt vía” như ở một số cửa hàng khách chỉ hỏi mà không mua hàng, được giao hàng tận nơi, nhận hàng mới thanh toán…

Tuy nhiên, việc mua bán trực tuyến hiện vẫn chủ yếu dựa vào niềm tin nên phần lớn người tiêu dùng mua hàng theo kiểu hên - xui. Đã có rất nhiều vụ khách hàng dở khóc dở cười vì mua hàng trực tuyến. Qua một trang web bán hàng trực tuyến, chị Đặng Thúy Sơn (Hà Nội) chọn mua một chiếc váy khá bắt mắt của địa chỉ bán hàng tận TP. Hồ Chí Minh với giá 300 nghìn đồng. Cửa hàng áp dụng chính sách nhận hàng mới thanh toán và nếu khách hàng không vừa size có thể đổi lại sản phẩm khác và phải chịu thêm phí vận chuyển. Khi nhân viên mang sản phẩm đến yêu cầu chị Sơn phải thanh toán tiền mới được bóc sản phẩm ra thử. Chiếc váy khi mặc lên người khác hoàn toàn với hình ảnh mẫu của cửa hàng, chị Sơn liên hệ địa chỉ mua hàng để đổi sản phẩm khác nhưng sau 3 lần đổi mất gần 100 nghìn đồng tiền cước phí chị vẫn không chọn được sản phẩm nào vừa ý đành chấp nhận mất tiền oan.

Vi phạm quyền lợi người mua sắm trực tuyến diễn ra thường xuyên

Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Các sàn thương mại điện tử cung cấp các mặt hàng rất đa dạng cùng hình thức thanh toán linh hoạt, phong phú, cho phép người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo đánh đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên.

Bên cạnh vấn đề về chất lượng sản phẩm, thương mại điện tử ở Việt Nam còn tồn tại một vấn đề rất lớn, đó là cung cấp thông tin. Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rõ một trong những quyền của người tiêu dùng là: “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”. Tuy nhiên, quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang diễn ra rất phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chủ động của người tiêu dùng trong việc tìm hiểu, nâng cao nhận thức cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Mua sắm trực tuyến là một hình thức mua sắm có nhiều ưu điểm và được khuyến.

Để hình thức này thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng; Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận,…; Kiểm tra kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua. Đồng thì, cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lại quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình; Cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty, theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Trong trường hợp bị vi phạm quyền lợi mà không được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh, khiếu nại tới Cục Quản lý cạnh tranh.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh