Múa đương đại đang tìm cách 'tự quẫy'
- Văn hóa - Giải trí
- 21:01 - 12/08/2019
Tác phẩm Thán của Nguyễn Duy Thành công diễn trong Hanoi Dance Fest 2019. Ảnh: Khiếu Minh
3 năm chuẩn bị, thu về 70 triệu tiền bán vé
Trong buổi trò chuyện Con đường của múa: Bản lĩnh & lựa chọn nằm trong chuỗi hoạt động của Mạng lưới khán giả tích cực Pan Hanoi grapevine diễn ra vào ngày 10.8 tại Kinergie Studio (Hà Nội), NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, đồng thời là Giám đốc nghệ thuật Hanoi Dance Fest 2019, đã kể câu chuyện không có gì vui nhưng cũng không còn lạ với múa đương đại. “Trong 3 năm, chúng tôi tìm những khoản hỗ trợ để các nghệ sĩ có thể dàn dựng tác phẩm cho liên hoan. Kinh phí có được chỉ vừa đủ để mỗi tiết mục được công diễn trong một buổi, diễn nhiều hơn là không có”, chị nói.
Vé xem liên hoan được bán ở mức 300.000 đồng/vé, sau đó lùi xuống 200.000 đồng/vé, và mức thấp nhất là 100.000 đồng/vé dành cho sinh viên. Trong 2 đêm diễn, ban tổ chức chỉ thu về vỏn vẹn 70 triệu đồng, một con số quá khiêm tốn so với kinh phí đã bỏ ra. NSƯT Trần Ly Ly, người thuộc thế hệ biên đạo múa tiên phong trong việc đưa múa đương đại vào VN, chia sẻ: “Làm nghệ thuật đương đại là phải chấp nhận bù lỗ. Nhưng điều chúng tôi luôn muốn là tạo sân chơi vừa thu hút nghệ sĩ, vừa thu hút khán giả đến với múa”.
Được nhiều khán giả biết đến qua chương trình Vietnam’s Got Talent và America’s Got Talent, nghệ sĩ Đoàn Minh Hoàn - người lập nên ngôn ngữ múa riêng của mình, tạm gọi là múa siêu thực, kể đã có khoảng thời gian chị bỏ múa vì... không có tiền. “Tôi từng quyết định bán nhà, lấy tiền để kinh doanh”, chị kể. Nhưng tình yêu với múa đã hối thúc chị trở lại sau 5 năm, “Khi công việc kinh doanh thành công là lúc tôi nhận ra mình không thể sống thiếu múa”. Cũng như Đoàn Minh Hoàn, Nguyễn Duy Thành là một nghệ sĩ độc lập. Gắn bó với múa đã 16 năm, nghệ sĩ đầu tiên của VN kết hợp hip hop với ngôn ngữ đương đại và truyền thống Á Đông để tạo nên phong cách riêng biệt này đã cười khi được hỏi làm gì để trang trải cuộc sống và để làm nghề. Không chỉ có nghệ sĩ độc lập, những nghệ sĩ “biên chế” cũng phải tìm cách “tự quẫy, tự bơi” để sống. NSƯT Trần Ly Ly thừa nhận, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, đa phần các nghệ sĩ không trụ được với nghề. “Rất nhiều bạn có cuộc sống khó khăn, không thể theo được nữa hoặc phải chuyển sang đi dạy”, chị nói.
Có thực tế là nhiều trường múa đang phải đối mặt với tình trạng không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. “Học phí theo học múa được hỗ trợ với chi phí thấp, chỉ tiêu tuyển sinh cũng được hạ xuống, nhưng vẫn thiếu học sinh”, NSƯT Trần Ly Ly nói. Nhà hát Nhạc vũ kịch VN đang dựng tác phẩm Hồ thiên nga, “tác phẩm cần 100 người múa ballet, tôi đã tìm và nhờ tới hiệu trưởng các trường múa nhưng không có nổi từng ấy người”, NSƯT Trần Ly Ly bày tỏ.
“Cởi trói” cho múa đương đại
Nghệ sĩ Đoàn Minh Hoàn kể lại, năm 2013, sau khi trình diễn tác phẩm Biến thể, trong đó có trình diễn múa nude, chị đã nhận rất nhiều “gạch đá”, thậm chí là những phản ứng gay gắt từ gia đình. Vào thời điểm đó, chị phải lên tiếng “minh oan” cho múa nude, nghệ thuật múa nude khác với múa thoát y. Theo chị, múa nude còn là sự chấp nhận hy sinh, chấp nhận trả giá, chấp nhận tổn thương của nghệ sĩ cho giá trị nghệ thuật mà họ muốn xây dựng. “Suốt một thời gian, tôi phải chờ bố mẹ đi ngủ rồi mới nhẹ nhàng mở cửa bước vào nhà”, chị nhớ lại. Nữ nghệ sĩ cho hay: “Sau đó, tôi làm những tác phẩm kiểu đèm đẹp, dễ xem nhưng lại thiếu tính xã hội. Tôi nhận ra đó không phải là những thứ mình theo đuổi”.
Nhiều nghệ sĩ đã phải nỗ lực kiên trì với con đường mình lựa chọn để dần thay đổi những quan điểm cố hữu về múa đương đại. Cách đây vài năm, tác phẩm Yes yes no no (Có có không không) nói về những người đồng tính do Trần Ly Ly biên đạo được cấp phép gây bất ngờ cho nhiều người, ngay cả với chính chị.
13 năm trước, Trần Ly Ly cũng không dám nghĩ One day (Một ngày) - tác phẩm táo bạo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, đưa những ma nơ canh trần trụi lên trên sân khấu được cho phép công diễn. “Khi ấy, bác Công Nhạc (NSND Công Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN - PV) đã đứng lên bảo vệ tác phẩm của tôi suốt
2 tiếng đồng hồ. Đến bây giờ, trong lòng tôi vẫn rất biết ơn những người dám đương đầu như thế”, NSƯT Trần Ly Ly nói.
Dù còn nhiều cái khó nhưng NSƯT Trần Ly Ly cho rằng, dần dần sẽ có nhiều cánh cửa mở cho múa đương đại. “Sự thay đổi không thể đến một sớm một chiều, nhưng tôi nghĩ trong tương lai 10 năm, 20 năm, mọi việc sẽ tốt hơn. Tất nhiên, việc này không riêng cá nhân nào có thể tự làm nên, mà cần có sự thay đổi của cả hệ thống”, NSƯT Trần Ly Ly bày tỏ.
Theo NGỌC AN/THANH NIÊN