Mua bản quyền World Cup là món hời hay khoản lỗ?
- Văn hóa - Giải trí
- 16:49 - 24/05/2018
Nhiều phỏng đoán về mức giá bản quyền phát sóng World Cup 2018 mà VTV đang đàm phán đã được giới phân tích đưa ra, trong đó phổ biến nhất là trong khoảng 8-10 triệu USD.
Mức giá này được cho là có cơ sở bởi số tiền mà VTV từng bỏ ra để mang về bản quyền World Cup 2014 đã là khoảng 7 triệu USD.
Liệu có khả năng sinh lời?
Với truyền thống là đơn vị phát sóng miễn phí các kỳ World Cup trước đó, nhiều khả năng VTV sẽ vẫn duy trì nguồn thu chính qua quảng cáo để thu hồi chi phí bỏ ra mua bản quyền.
Việc có được đầy đủ bản quyền của 64 trận đấu 4 năm mới có một lần sẽ giúp nhà đài phủ quảng cáo tối đa để tăng doanh thu. FIFA cũng tạo điều kiện để các đơn vị truyền hình khai thác tốt giải đấu khi giảm tối thiểu các trận đấu trùng giờ để nhà đài chia spot quảng cáo hiệu quả.
VTV từng ghi nhận kỷ lục về giá quảng cáo tại World Cup 2014. Ảnh: Getty.
World Cup 2014 đã ghi nhận kỷ lục về giá quảng cáo tại Việt Nam thời điểm đó khi giá một spot quảng cáo 30 giây với các trận đấu trong khung giờ từ 2-8h lên đến 150 triệu đồng, vào khung 23h giá lên đến 180 triệu đồng.
Với những trận đấu vòng trong, con số này lên tới 200-250 triệu đồng cho một spot 30 giây và với những vòng như tứ kết, bán kết, tranh giải ba, giá quảng cáo lên tới 250-300 triệu đồng.
Nếu giá quảng cáo không tăng so với 4 năm trước, theo tính toán của Zing.vn, chỉ cần mỗi trận đấu nhà đài quảng cáo khoảng 9 phút là có thể thu hồi 10 triệu USD tiền mua bản quyền.
World Cup luôn thu hút sự chú ý của khán giả Việt và luôn tạo những kỷ lục mới về giá quảng cáo. Nếu so với một chương trình giải trí như Giọng hát Việt 2018 có giá quảng cáo được TVad báo giá 210 triệu đồng cho một spot 30 giây thì việc giá quảng cáo tại một trận đấu World Cup cao hơn mức này là điều hoàn toàn có thể xảy ra, chuyên gia về quảng cáo cho biết.
Hơn nữa, nhà đài còn có thể thu doanh thu quảng cáo từ những chương trình đồng hành cùng World Cup, quảng cáo qua logo hiện trong trận đấu và từ nhiều hình thức quảng cáo khác.
Tuy nhiên, khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đang tới gần, khả năng tối đa doanh thu của VTV sẽ giảm dần bởi càng sát ngày khai mạc, quỹ thời gian để thu hút doanh nghiệp quảng cáo càng eo hẹp.
Ngày càng đắt đỏ, vẫn bán chạy như tôm tươi
Không phải ngẫu nhiên khi ngay từ năm 2011, FIFA đã bỏ túi 1,85 tỷ USD tiền mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 và 2022 khi mà World Cup 2012 và 2014 còn chưa diễn ra.
FIFA đã kiếm đậm tiền bản quyền truyền hình World Cup 2018 từ khi nhiều nhà đài đặt mua từ tận năm 2011. Ảnh: Bein Sports.
Và dù giá bản quyền truyền hình ngày càng đắt đỏ, các nhà đài tại 108 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã hoàn thành việc đàm phán để sở hữu quyền phát sóng. Trong đó có những quốc gia doanh nghiệp phải chi gấp 2-4 lần so với năm trước đó.
Tại nhiều quốc gia, các nhà đài thu mỗi thuê bao từ 100-150 USD cho gói xem World Cup 2018. Với việc bỏ ra 20-50 triệu USD để mua bản quyền, chỉ cần nhà đài bán được 160.000-400.000 gói xem World Cup là có thể thu hồi vốn.
Đây là con số hoàn toàn khả thi với những quốc gia, vùng lãnh thổ có dân số 5-10 triệu người có kinh tế phát triển như Singapore hay Qatar. Chưa kể tới việc các nhà đài vẫn có thêm doanh thu từ quảng cáo và kéo thêm được lượng thuê bao đăng ký mới để xem World Cup.
Với những nhà đài thu phí xem World Cup 2018, bản quyền giải đấu này dường như là một món hời và việc tranh chấp để độc quyền phát sóng giải đấu là chuyện phổ biến tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên đảm bảo khả năng sinh lời, tại không ít quốc gia các nhà đài thường bắt tay, chung tiền mua bản quyền World Cup để cùng khai thác. Theo danh sách mà FIFA công bố, có 51 quốc gia có nhiều nhà đài cùng mua bản quyền để khai thác chung, phần lớn trong số này là các nước đang phát triển.
Với các nhà đài phát miễn phí World Cup 2018, phương án thu hồi vốn khả thi nhất vẫn là qua doanh thu quảng cáo như trường hợp của VTV năm 2014.
ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cùng 8 doanh nghiệp khác mang World Cup về chiếu miễn phí cho người hâm mộ Thái Lan.
Bên cạnh đó không ít quốc gia có sự tham gia mua bản quyền World Cup của những doanh nghiệp không thuộc ngành truyền hình. Ví dụ điển hình nhất là Thái Lan khi có tới 9 doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp giải khát, thực phẩm, hóa chất, năng lượng hay ngân hàng, cùng góp 44 triệu USD để mang World Cup về phát miễn phí cho người dân Thái.
Chia đều khoản chi phí, 9 doanh nghiệp trên chỉ mất trung bình 5 triệu USD để độc quyền quảng cáo suốt giải đấu mà không vấp phải sự cạnh tranh về sóng truyền hình với các doanh nghiệp cùng ngành.
Một chuyên gia truyền thông nói rằng số tiền trên là hợp lý cho một chiến dịch quảng cáo kéo dài liên tục 1 tháng với tỷ lệ người xem dự kiến sẽ cao kỷ lục.
Không những vậy, việc 9 doanh nghiệp tư nhân mang World Cup về chiếu miễn phí cũng là động thái quan hệ công chúng rất tích cực, mang về những giá trị vô hình cho thương hiệu của doanh nghiệp.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc