Mù Cang Chải, Yên Bái: Giải quyết việc làm cho 1.220 người trong năm 2020
- Bài thuốc hay
- 14:13 - 15/02/2021
Với sự đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, kết thúc năm 2020, kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải có bước tăng trưởng khá, đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, phát triển mạnh các thành phần kinh tế; hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Chất lượng giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được nâng lên; an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, giảm nghèo nhanh và bền vững; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy.
Kết thúc năm 2020, kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải có bước tăng trưởng khá, đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 32/33 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với năm 2019.
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, huyện Mù Cang Chải đã thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội cho 14.034 lượt đối tượng, với kinh phí 4,92 tỷ đồng.
Tiến hành rà soát, cấp phát bổ sung thẻ BHYT cho nhân dân, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 99,12%. Chi trả kinh phí hỗ trợ chính sách xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho trên 42.000 đối tượng thụ hưởng, với 32,46 tỷ đồng.
Hoàn thành kế hoạch làm nhà ở cho 20 hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện, giải quyết việc làm cho 1.220 người, vượt 1,7% kế hoạch.
Trong năm 2020 có 167.200 lượt khách du lịch tới huyện; doanh thu từ du lịch đạt trên 100,4 tỷ đồng, vượt 12,1% kế hoạch tỉnh giao và vượt 5,7% kế hoạch huyện giao.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm và có nhiều đổi mới.
Năm 2021 huyện Mù Cang Chải tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp, dược liệu; phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang.
Làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các thành phần kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch, dược liệu.
Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, thương mại dịch vụ.
Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng gắn với phát triển dược liệu, du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, trong đó chú trọng công tác phân luồng và phát triển nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.