Mozambique muốn mời doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sang đầu tư
- Công nghệ mới
- 18:05 - 24/05/2016
Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ký kết bản ghi nhớ với Bộ Giao thông và Truyền thông Mozambique
Ngày 23/5/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi hội đàm và ký kết bản ghi nhớ với Bộ Giao thông và Truyền thông Mozambique.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam đã đặt quan hệ với Mozambique từ sớm với nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, dầu khí và mới đây là lĩnh vực viễn thông. Viettel đã liên doanh với một doanh nghiệp viễn thông của Mozambique để xây dựng mạng viễn thông mang thương hiệu Movitel.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu, Việt Nam rất quan tâm đến phát triển lĩnh vực CNTT - viễn thông và nhiều nước cũng quan tâm đến lĩnh vực này của Việt Nam. CNTT - viễn thông có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế, có thể nói đây là lĩnh vực mà các nước quan tâm phát triển trong nền kinh tế tri thức. Việt Nam đã quan tâm đổi mới và thúc đẩy cạnh tranh lĩnh vực này hơn 20 năm qua.
“Chúng tôi đã xây dựng lĩnh vực này thành ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn của đất nước và coi đây là nền tảng của sự phát triển. Hiện mạng lưới của Viẹt Nam đã được hiện đại hóa từ đô thị đến miền núi, từ đất liền đến hải đảo. CNTT - viễn thông đã đáp ứng yêu cầu cơ bản của 90 triệu dân Việt Nam và đáp ứng nhu cầu cao của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam kể cả chất lượng và dịch vụ. Thị trường viễn thông và Internet của Việt Nam cũng cạnh tranh mạnh. Thuê bao Interrnet băng rộng của Việt Nam đạt khoảng 7 triệu và thuê bao di động đạt 130 triệu”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Vẫn theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Năm 2015, doanh thu lĩnh vực viễn thông của Việt Nam đạt 16 tỷ USD. Lĩnh vực công nghiệp CNTT trở thành nền kinh tế quan trọng có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao so với các lĩnh vực khác, đạt khoảng 40 tỷ USD, đóng góp 25% cho GDP của Việt Nam. Với chính sách ưu đãi đầu tư tốt thì Việt Nam đang là điểm đến háp dẫn của nhiều tập đoàn viễn thông và CNTT thế giới. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang có mặt tại Việt Nam như Samsung, Intel, Micrsoft. Chúng tôi đã xây dựng được một số doanh nghiệp viễn thông - CNTT đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây là những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm trong quản lý khai thác” .
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cám ơn phía Mozambique đã tạo điều kiện cho các công ty của Việt Nam được liên doanh với công ty của Mozambique. Công ty này đã khai thác dịch vụ viễn thông tại Mozambique và trở thành mạng số 1 về hạ tầng và dẫn đầu về mạng lưới tại Mozambique.
Mozambique mời doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại quốc gia này.
Tại buổi làm việc, ông Carlos Alberto Fortes Mesquita, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Mozambique chia sẻ, Mozambique rộng gấp 2 lần nhưng dân số chỉ bằng 1/3 của Việt Nam. Ở Mozambique, phát triển hạ tầng viễn thông rất khó khăn vì đất nước rộng lớn. Mozambique là cửa ngõ thâm nhập đối với những quốc gia Châu Phi không có đường ra biển. Hạ tầng cở sở viễn thông của Mozambique không những phục vụ trong nước mà còn phục vụ cho các nước láng giềng. Tại Mozambique có 3 nhà khai thác di động, trong đó là liên doanh Movitel với Viettel hoạt động tốt.
“Mozambique đang có kế hoạch đấu thầu giấy phép 4G. Chúng tôi muốn phát triển Chính phủ điện tử để đưa thông tin đến vùng xa của đất nước. Mozambique muốn sử dụng mạng di động để đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước”, ông Carlos Alberto Fortes Mesquita nói.
Ông Carlos Alberto Fortes Mesquita cho hay: “Mozambique xác định những yếu tố quan trọng để phát triển đất nước: than đá, khí đốt khai thác và xuất khẩu. Nếu các mỏ khí đốt được khai thác thì Mozambique đứng thứ 2 trên thế giới. Mozambique tập trung vào nông nghiệp và năng lượng vì năng lượng đang thiếu hụt nhiều. Mozambique có than đá làm nhiệt điện, có nước làm thủy điện, có nắng làm điện năng và muốn sản xuất điện để xuất khẩu cho các nước khác. Ngoài ra, Mozambique còn đặt chiến lược phát triển ngành du lịch để thu lại nguồn ngoại tệ lớn. Tuy nhiên, để phát triển được những lĩnh vực trên thì phải có viễn thông. Vì vậy, Mozambique muốn mời Việt Nam sang hợp tác đầu tư vào lĩnh vực này. Chúng ta có liên doanh Viettel đã thành công nhưng cần có doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Mozambique. Hy vọng trong lần gặp nhau giữa 2 bộ tới sẽ có thêm doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Mozambique”.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết: “Liên doanh Movitel đã khai trương dịch vụ tại Mozambique từ năm 2012. Đến nay, Movitel đã trở thành công ty số 1 tại Mozambique với hơn 4 triệu thuê bao. Tại đây chúng tôi đã xây dựng mạng viễn thông lớn nhất phủ tới tận vùng sâu vùng xa, hơn 20.000 km cáp quang dọc theo đất nước. Tôi hoàn toàn tin tưởng, với hiện tại thì hạ tầng viễn thông của Mozambique đã ngang với các nước Châu Phi. Movitel đã hỗ trợ đưa Internet phục vụ trường học hay hỗ trợ Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, 3G phát triển chậm, số điện thoại 3G chưa đạt 10% tổng số thuê bao”.
Ông Lê Đăng Dũng đề nghị Chính phủ Mozambique có chính sách hỗ trợ phát triển 3G nhanh hơn. Trong đó, nên hỗ trợ phát triển smartphone nhưng cần có smartphone giá rẻ khoảng dưới 30 USD. Muốn làm như vậy, chính phủ Mozambique phải không đánh thuế đối với các doanh nghiệp nhập khẩu smartphone để giảm giá thiết bị.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đồng tình đưa việc hợp tác viễn thông CNTT trở thành hợp tác tiêu biểu giữa Việt Nam và Mozambique. Bộ trưởng cho rằng hai bên cần tăng cường trao đổi các đoàn thiết lập kênh đối thoại để chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT – viễn thông. Việt Nam có thể hỗ trợ Mozambique xây dựng chính sách trong lĩnh vực an ninh thông tin vì Việt Nam vừa ban hành Luật An toàn thông tin. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể hỗ trợ Mozambique đào tạo nhân lực trong ngành thông tin - truyền thông.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Việt Nam cam kết hỗ trợ Mozambique để thúc đẩy sự phát triển của quốc gia này.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình: Thực hiện kinh tế tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên
Trong chiến lược phát triển, Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình (CNC) đã tiên phong thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm thu gom,...
1 năm trước
Tin nên đọc