Một tâm hồn giữa hai thế giới
- Chia sẻ
- 03:13 - 06/06/2021
Đời ảo xen giữa đời thực
Chiều hôm ấy, tôi ngồi uống cà phê cùng một người anh đã từng làm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Khi câu chuyện xoay về đời sống hiện nay, anh khẳng định "Giờ người ta một nửa sống trong đời thực, một nửa sống trên mạng". Nhận xét này khiến tôi chững lại đôi phút để nhận ra một sự thực bất thường mà vì quá phổ biến, nó trở nên hiển nhiên và bình thường: Sống trên mạng và sống trong đời thực.
Cuộc sống hai phần ấy không chỉ đơn thuần là việc ai đó cặm cụi chỉnh một bức ảnh trước khi đăng mạng để sống "ảo" với lời khen, tiếng chê. Họ thực sự sống trong môi trường ảo đó, coi nó quan trọng không thua gì đời thực để phải đầu tư thời gian, công sức, tài sản. Vậy nên, đời sống ảo đó có quyền lực chi phối suy nghĩ, hành vi của không ít người.
Theo bài báo "Người Việt online gần 7 tiếng một ngày" đăng tải trên báo điện tử vnexpress.vn năm 2019, thì trung bình người Việt dành ra 06 tiếng 52 phút mỗi ngày để online.
Hẳn ai trong chúng ta cũng từng ca thán mình không có đủ thời gian trong một ngày. Rất có thể, chìm trong không gian số chính là nguyên nhân thực sự cho việc không có thời gian tập thể dục, đọc sách, tự học hoặc trò chuyện trực tiếp với người thân. Vậy là, tấm màn bí ẩn về từ "bận" trong đời thực đang dần dần được hé lộ. Có lẽ, đa số công dân mạng sẽ khẳng định vì lý do công việc, để bắt kịp với nhịp sống thời đại và nắm bắt các cơ hội...
Tuy nhiên, phải lưu ý đối với những hoạt động bất hợp lý mang đến sự thỏa mãn, con người sẽ luôn có cách để giải thích hợp lý. Vậy là chất lượng sống trong đời thực từ từ hòa vào sự hài lòng trong đời ảo, cho đến khi thực ảo lẫn lộn khiến người ta nương náu vào đời ảo nhiều hơn chăm lo cho đời thực.
Muôn nẻo muôn màu
Vậy nhịp sống trong đời ảo có gì đặc sắc? Điều đặc sắc nhất có lẽ chính là "cái tôi" được viên mãn với sự nâng niu, chiều chuộng từ các dịch vụ. Nơi người ta có thể quên đi mình là ai để có thể trở thành bất kì ai- thường là đa số sẽ nhắm đến việc xây dựng bản thân trở thành hình mẫu lý tưởng của thành đạt, giàu có, hạnh phúc và hiểu biết. Bạn và tôi có thể thấy, nếu đó là đời thực và đời thực nhiều nhân tố tích cực đến vậy thì tốt đẹp xiết bao.
Vậy nhưng thế giới ảo có những "phép thuật" của riêng nó để biến điều không thể thành có thể (thậm chí điều không nên thành rất nên). Ví dụ không thiếu: từ tuyên truyền về những hiện tượng tâm linh mang màu sắc hư ảo, công thức để thành công nhanh hơn thời gian nấu một bát mì, cho đến những phát ngôn ấn tượng được mớm đến từng người và cả việc người ta tranh cãi, miệt thị nhau hùng hổ ra sao v.v… cũng được chia sẻ cho các công dân mạng cùng "hóng". Ai mải làm, mải học mà không kịp "hóng" thì dễ bị chê bai là "người tối cổ".
Vẫn biết là dân tộc ta có tính tò mò, thích xem những thứ hay ho, nhưng thường xuyên nạp vào những chuyện vụn vặt đó, thì liệu có đang phí hoài năng lực tò mò hay chăng?
Tôi xin kể câu chuyện mắt thấy tai nghe. Gần đây, tôi được xem một video "live stream" (quay trực tiếp trên mạng xã hội) của một bạn học sinh lớp tám dạy cách làm giàu và khởi nghiệp. Trong video, khuôn mặt non nớt này khẳng định việc học các môn phụ là không cần thiết và nên chép phao, ngoài ra, để thành công thì chỉ cần học tốt môn Tiếng Anh. Để tăng tính thuyết phục, bạn trẻ cũng nói đến hàng chồng sách kinh tế để chứng mình bản thân đã đọc nhiều, nên những gì bạn chia sẻ là có giá trị, là cần thiết để… khởi nghiệp (?!)
Thế giới nghe – nhìn ấy còn rất nhiều thứ đáng sợ và đáng thương. Và đừng quên đối với người lớn, thì khả năng sàng lọc sẽ ít nhiều tốt hơn các bạn nhỏ.
Giờ đây ở giữa hai thế giới, tâm hồn của các bạn nhỏ đã, đang bị bóp méo cũng với hàng triệu ảo tưởng quay cuồng núp dưới các từ khóa được tính toán cẩn thận bởi các thuật toán.
Hãy biết cách gìn giữ tính nguyên vẹn, hồn nhiên của tâm hồn
Một vấn đề luôn có hai mặt và giai đoạn chuyển tiếp nào cũng xuất hiện những vấn đề cần được xã hội quan tâm- đặc biệt là quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế tri thức.
Nền kinh tế tri thức dù rất cần đến sự hỗ trợ của các thành tựu công nghệ thông tin, song con người là yếu tố không thể bỏ quên.
Có lẽ đã đến lúc mỗi chúng ta cần ý thức được đời thực và thế giới ảo. Bởi dù tiện ích, hấp dẫn, thú vị đến mấy thì thế giới đó cũng không thuộc về con người. Đó là thế giới của dữ liệu, của thông tin và các con số để phục vụ cho con người, thay vì dẫn dắt, kiểm soát con người.
Nếu trong nhịp sống vội vã, chúng ta tiếp tục dành nốt chút thời gian ít ỏi còn lại để hoàn toàn chìm đắm vào thế giới ảo thì sức khỏe tinh thần sẽ ngày càng suy giảm với các vấn đề như stress, trầm cảm, lo âu. Cùng lúc đó, những bạn nhỏ cũng say sưa trong thế giới ảo và biến nhận thức ở thế giới ảo thành nền tảng để nhận thức thế giới thực.
Mỗi con người sinh ra đều có một tâm hồn, hãy biết cách gìn giữ tính nguyên vẹn, hồn nhiên của tâm hồn từ những hành động rất nhỏ như: Giảm thời lượng dành cho các thiết bị công nghệ, ngủ sớm hơn, đọc sách, tập thể dục, duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và chăm sóc cho các mối quan hệ trong đời thực nhiều hơn, bạn nhé.