Một số quy định chủ yếu về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Bài thuốc hay
- 12:52 - 18/09/2023
Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện sơ cấp cứu tại Công ty Cổ phần PT Daehan Global, tỉnh Bắc Giang. Ảnh http://www.bhlgroup.vn.
Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là một trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động (NLĐ) khi NLĐ bị TNLĐ-BNN. Với ý nghĩa thiết thực đó, chính sách này đã tạo “điểm tựa” vững chắc, giúp rất nhiều NLĐ vượt qua khó khăn.
Công tác giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN đối với NLĐ luôn được cơ quan BHXH đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng người, đúng quy định. Theo thống kê, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng và một lần cho trên 8.100 NLĐ trong năm 2022 và gần 1.700 NLĐ trong 3 tháng đầu năm 2023. Ngoài việc chi trả chế độ cho NLĐ bị TNLĐ, BNN, quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN. Năm 2022, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, số chi này là 269 triệu đồng.
Với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật là 31%, người lao động được hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ-BNN theo từng tháng với mức bằng 30% lương cơ sở. Dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều NLĐ. Mỗi NLĐ đều là trụ cột của gia đình. Khi không may bị TNLĐ hay BNN phải nghỉ làm, hầu hết NLĐ không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo “gánh nặng” tài chính cho cả gia đình.Vì vậy, nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là NLĐ và thân nhân trước những rủi ro về TNLĐ, BNN, quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do TNLĐ, BNN trên cơ sở đóng góp vào quỹ.
Theo quy định hiện hành của Luật An toàn, vệ sinh lao động thì những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN. Nếu như người sử dụng lao động (SDLĐ) mà không đóng BHXH cho NLĐ thì khi chẳng may trong các quá trình lao động, NLĐ bị TNLĐ hoặc BNN thì người SDLĐ phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hàng tháng, một lần, trợ cấp phục vụ cho NLĐ thay cho cơ quan BHXH.
Bảo hiểm TNLĐ-BNN là một trong những quyền lợi cơ bản của NLĐ, vì vậy khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, người SDLĐ sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ trong việc đóng BHXH cho NLĐ, đó là quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân NLĐ trong quá trình làm việc.
Đối tượng áp dụng
- Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định.
Thực hành huấn luyện sơ cấp cứu tại Công ty Cổ phần PT Daehan Global, tỉnh Bắc Giang. Ảnh http://www.bhlgroup.vn
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
-Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
- Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định;
+ Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh.
- Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.
Giám định mức suy giảm khả năng lao động
- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
+ Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
+ Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
- Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;
+ Bị tai nạn lao động nhiều lần;
+ Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.
Thực hành huấn luyện sơ cấp cứu tại Công ty Cổ phần PT Daehan Global, tỉnh Bắc Giang. Ảnh http://www.bhlgroup.vn
Điều kiện hưởng trợ cấp
1. Đối với trợ cấp 1 lần
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
- Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
+ Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
+ Ngoài mức trợ cấp này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
2. Đối với trợ cấp hằng tháng
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
- Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
+ Ngoài mức trợ cấp quy định trên này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp và trả cho người lao động nghỉ việc do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 28/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp. Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.