Một số nội dung về chế độ TNLĐ-BNN được sửa đổi, bổ sung
- Bài thuốc hay
- 13:25 - 19/02/2020
- “Phòng ngừa tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp” từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp
- Bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động
- Mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động
- Quy định mới về mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là một trong 5 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, ngày 25/6/2015 tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 đã thông qua và thống nhất chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN được thiết kế quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) số 84/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016, theo đó các quy định về chế độ TNLĐ-BNN trong Luật BHXH sẽ hết hiệu lực kể từ khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực thi hành. Một số nội dung về chế độ TNLĐ-BNN được sửa đổi, bổ sung như sau:
* Về đối tượng áp dụng:
– Bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
– Ngoài đối tượng áp dụng theo quy định BHXH bắt buộc, Luật ATVSLĐ còn khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện về TNLĐ.
Điều kiện hưởng chế độ TNLĐ
Cơ bản các quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ không thay đổi, tuy nhiên có bổ sung và luật hóa một số nội dung.
– Bổ sung quy định chi tiết đối với 02 trường hợp bị TNLĐ:
+ Trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc: Bổ sung, diễn giải nội dung tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, bao gồm kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.
+ Trường hợp bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động: Bổ sung, diễn giải nội dung hoặc được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.
– Bổ sung điều khoản quy định trường hợp người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN chi trả nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân:
+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Theo quy định hiện hành thì điều kiện hưởng chế độ TNLĐ là bị tai nạn tại nơi làm việc, trong giờ làm việc hoặc ngoài nơi làm việc, ngoài giờ làm việc khi được sự phân công của người sử dụng lao động mà không quy định điều kiện loại trừ nên trong một số trường hợp đã gây ra những vướng mắc trong quá trình giải quyết. Để hạn chế vướng mắc Luật ATVSLĐ đã quy định cụ thể những trường hợp không được hưởng chế độ TNLĐ, cũng nhằm đảm bảo tính công bằng cho đối tượng hưởng.
* Điều kiện hưởng chế độ BNN
– Bổ sung quy định điều kiện hưởng đối với BNN trường hợp người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các ngành, nghề, công việc có nguy cơ bị BNN thuộc danh mục do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà phát hiện bị BNN thì việc giám định và giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.
– Sửa đổi quy định cơ quan chủ quản ban hành là Bộ Y tế sau khi đã lấy ý kiến từ Bộ Lao động – Thương binh xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động thay cho quy định hiện hành là Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng ban hành.
* Quy định giám định mức suy giảm khả năng lao động
– Bổ sung quy định đối với trường hợp thương tật hoặc BNN không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị;
– Bổ sung, luật hóa quy định trường hợp sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định, người lao động được giám định lại TNLĐ-BNN sau 24 tháng kể từ ngày người lao động được HĐGĐYK kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó, trường hợp do tính chất của BNN khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
* Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
Sửa đổi thống nhất mức hưởng cho 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở và chỉ áp dụng một hình thức nghỉ dưỡng sức thay cho quy định hiện hành có 02 hình thức nghỉ tại nhà bằng 25% và nghỉ tập trung bằng 40% mức lương cơ sở để phù hợp với chế độ dưỡng sức sau ốm đau, thai sản được quy định tại Luật BHXH năm 2014. Ngoài ra, đã quy định tại luật nội dung số ngày nghỉ tối đa từ 05 đến 10 ngày đối với từng trường hợp tùy thuộc vào mức suy giảm khả năng lao động.
* Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ-BNN
Theo quy định tại Luật ATVSLĐ năm 2015, hồ sơ giải quyết chế độ TNLĐ-BNN có sự thay đổi đáng kể, đã loại bỏ thành phần hồ sơ là thành phần Biên bản điều tra TNLĐ trong giải quyết hưởng chế độ TNLĐ và Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại trong giải quyết hưởng chế độ BNN.
* Về quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN
Tại Luật ATVSLĐ khẳng định quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN là quỹ thành phần của quỹ BHXH hiện hành, tuy nhiên các nội dung chi đã có sự điều chỉnh, bổ sung đáng kể. Ngoài những nội dung chi như hiện hành như chi: Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; Chi dưỡng sức phục hồi sức khỏe; Chi phí quản lý và đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng, đã bổ sung thêm 03 nội dung chi hỗ từ quỹ TNLĐ-BNN như:
(1). Chi phí giám định thương tật, bệnh tật do TNLĐ-BNN đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định của Luật; Trả chi phí giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định, trường hợp do tính chất của BNN khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh mà kết quả giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN.
(2). Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN.
Mức chi này được ấn định tối đa bằng 10% nguồn thu.
(3) Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc.
Nội dung chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN sau khi trở lại làm việc được quy định cụ thể như sau:
a) Trường hợp người bị TNLĐ-BNN được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe người lao động theo kết luận của HĐGĐYK đối với người bị TNLĐ-BNN sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc, nếu phải đào tạo người lao động để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phí.
b) Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.
Nội dung chi hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN được quy định cụ thể các hoạt động được hỗ trợ bao gồm: Khám bệnh, chữa BNN; Phục hồi chức năng lao động; Điều tra lại các vụ TNLĐ-BNN theo yêu cầu của cơ quan BHXH; Huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN và thuộc đối tượng quy định bao gồm: Người quản lý phụ trách ATVSLĐ, người làm công tác ATVSLĐ, người làm công tác y tế, anh toàn vệ sinh viên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ và được tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cấp giấy hứng nhận sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu; Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này.
Việc hỗ trợ các hoạt động quy định tại điểm a và điểm b nêu trên không bao gồm phần chi phí do Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả theo quy định của Luật bảo hiểm y tế hoặc chi phí do người sử dụng lao động đã hỗ trợ thanh toán chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLFF-BNN như: Chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả; phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu; thanh toán toàn bộ chi phí bảo hiểm y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, Luật ATVSLĐ còn bổ sung điều khoản quy định trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Khi bị TNLĐ-BNN thì người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định.