Một số nội dung cơ bản của pháp luật về công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
- Bài thuốc hay
- 16:24 - 16/06/2022
1. Quy định về 6 nhóm đối tượng phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Căn cứ Khoản 5 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, về sửa đổi Điều 17 của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động, quy định về đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
Nhóm 1: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại Khoản này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3, 5, 6 quy định tại khoản này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động.
Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, theo quy định trên, có 6 nhóm đối tượng phải tham gia huấn luyện an toàn lao động trong doanh nghiệp.
2. Các nội dung cơ bản về công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại cơ sở;
- Chính sách, chế độ về an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động;
- Điều kiện lao động, các yếu tố nguy hiểm độc hại gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như các biện pháp phòng ngừa;
- Những kiến thức cơ bản về kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; nội quy an toàn lao động, vệ sinh lao lao động của cơ sở;
- Hướng dẫn, biển báo, quy trình làm việc an toàn vệ sinh lao động; mà người lao động phải tuân thủ khi thực hiện công việc tại phân xưởng cũng như tại các khu vực khác;
- Công dụng, cách sử dụng cũng như cách bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân phổ biến;
- Cách xử lý tình huống, các phương pháp sơ cứu tai nạn lao động
- Các yếu tố nguy hiểm phát sinh tại nơi làm việc, các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động;
- Quy trình làm việc an toàn, quy trình vận hành, xử lý sự cố thiết bị, máy móc được giao;
- Cấp thẻ huấn luyện an toàn lao động cho người lao động;
- Các ngành nghề được huấn luyện & cấp thẻ an toàn cho người lao động.
+ Thẻ an toàn hóa chất
+ Thẻ an toàn điện
+ Thẻ an toàn làm việc trên cao
+ Thẻ an toàn trong xây dựng
+ Thẻ An toàn vận hành thiết bị chịu áp lực
+ Thẻ an toàn vận hành thiết bị nâng
+ Thẻ an toàn làm việc trong không gian hạn chế
+ Thẻ an toàn phá dỡ công trình xây dựng
+ Thẻ an toàn trong vệ sinh công nghiệp
+ Các ngành nghề khác.
3. Sự cần thiết phải thực hiện huấn luyện an toàn lao động cho người lao động
Bất kì ngành nghề lao động nào cũng tiền ẩn rủi ro tai nạn lao động. Tai nạn lao động luôn rình rập và có thể xảy ra bất kì lúc nào. Hậu quả của tai nạn lao động có thể nhẹ, hoặc khá nặng nề, không chỉ về thể xác, kinh tế mà còn về cả tinh thần. Nguyên nhân gây ra tai nạn lao động phần lớn đến từ sự chủ quan, không đảm bảo an toàn lao động, an toàn vệ sinh trong quá trình làm việc, dẫn đến môi trường làm việc bị thiếu an toàn.
Việc huấn luyện an toàn lao động giúp cho người lao động có thể chủ động nhận biết các mối nguy hiểm tiềm ẩn trong khi làm việc, từ đó đưa ra các biện pháp phòng tránh sự cố tai nạn nghề nghiệp một cách triệt để.
Việc trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để người lao động chủ động phòng ngừa những tai nạn lao động, hiểu rõ được các tình huống nguy hiểm tiềm ẩn có thể dẫn đến việc tai nạn lao động tại bất cứ lúc nào. Để từ đó người lao động có sự chuẩn bị trước qua việc dự báo rủi ro, có biện pháp phòng ngừa tai nạn trong quá trình làm việc.
Huấn luyện an toàn lao động giúp cho người lao động làm việc tốt, làm đúng những yêu cầu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước mà còn mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho doanh nghiệp. Làm việc an toàn sẽ giúp cho hoạt động của doanh nghiệp liên tục và chuyên nghiệp hơn, giảm thiểu chi phí cho các sự cố về con người lẫn máy móc và tăng năng suất lao động, hiệu quả làm việc, cụ thể có lợi ích cơ bản sau:
· Giúp người lao động hiểu được các loại nguy hại tiềm tàng ở nơi làm việc.
· Giúp đề phòng những nhân tố nguy hại trước khi sự việc xảy ra
· Quản chế sự phát sinh phát triển của nguy hại.
· Đánh giá mức độ nguy hại ở nơi làm việc
Công tác huấn luyện an toàn lao động nhằm nâng cao nhận thức về an toàn lao động, đảm bảo an toàn thân thể, tính mạng cho người lao động. Đồng thời giúp loại bỏ và hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra tai nạn, chấn thương cho người lao động. Ngoài ra, hoàn toàn có thể nói rằng công tác huấn luyện an toàn lao động còn có ý nghĩa rất quan trọng dưới góc nhìn hình sự, dân sự, kinh tế và xã hội.
Mặt khác, nếu người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật còn bị xử phạt vi phạm hành chính (mức phạt tiền cao nhất đến 100.000.000 đồng) quy định tại Điều 25 Nghị định 12/2022/NĐ - CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.