Giải thưởng Kova dành cho kho thóc xóa nghèo
- Dược liệu
- 14:10 - 16/06/2017
Mô hình xóa đói giảm nghèo này đã nhận được Giải thưởng KOVA lần thứ 12 (tháng 12.2014), giải thưởng Kova nhầm khuyến khích, cổ vũ và tôn vinh các cá nhân, tập thể là tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng. Qua đó, nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử cao đẹp này, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Tại xã vùng 3 Kon Chiêng có dân số hầu hết là đồng bào dân tộc Ba Na, những năm trước tỷ lệ hộ nghèo luôn ở ngưỡng báo động. Hầu như hộ nào cũng thiếu vài tháng lương thực, cứ giáp vụ là rơi vào cảnh thiếu thốn, chạy đôn chạy đáo kiếm ăn. Chị Đinh Thị Kuen nảy ra sáng kiến vận động những hộ kinh tế khá sau mỗi đợt thu hoạch góp 20kg thóc để giúp đỡ các hộ đói giáp hạt và mua một con bò dành tặng cho hộ nghèo nhất. Điều này đã giúp nhiều người thoát cảnh nghèo đói đeo bám.
Chị Đinh Thị Kuen cùng các em nhỏ trong làng Ktu
Để đến được làng Ktu phải đi vòng qua nhiều vách núi, cơn mưa rào khiến quãng đường đất hơn 50km trở lên trơn trượt, nguy hiểm. Thấy chị Kuen đội mưa kiểm tra kho thóc vì sợ nước hắt vào, tôi chạy đến phụ giúp một tay. Kể với chúng tôi về kho thóc xóa nghèo, chị Kuen nói “Có gì đâu mà được lên báo chứ, mình giúp vậy đáng gì, vì nhiều người trong xã còn nghèo khổ lắm”.
Ban đầu, khó thóc xóa nghèo của chị Kuen chỉ có 56 hộ dân trong làng Ktu đóng góp, nhưng khi được UBND xã Kon Chiêng hưởng ứng, sau 5 năm, giờ con số lên gần 1.000 người tham gia. Sau mỗi đợt thu hoạch lúa, chị Kuen cùng mọi người trong hội phụ nữ xã đến từng nhà vận động quyên góp 20kg thóc. Đến cuối năm bán thóc mua bò, sau đó liên hệ với xã Kon Chiêng chọn ra hộ dân nào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để trao tặng. Nếu số tiền mua bò dư sẽ được trích ra, hỗ trợ, tiếp bước đến trường cho những em nhỏ vượt khó học giỏi. “Năm 2014, được xã tặng bằng khen về kho thóc xóa nghèo, mình vui lắm. Hiện tại, mình đang đề nghị xin xã 27ha đất bỏ hoang để trồng mì. Số tiền thu được sẽ dùng để mua bò, tiếp tục trao tặng cho những hộ nghèo” – Chị Kuen chia sẻ.
Những con bò thoát nghèo trong làng Ktu
Anh Bia- Trưởng thông làng Ktu cho biết: Khi chưa có kho thóc xóa nghèo của chị Kuen, trong làng có hơn 60% hộ nghèo, thiếu ăn. Giờ đây, gia đình nào hết gạo chỉ cần đến đăng ký với chị Kuen, không phải vay tiền mua gạo. Cách đây 3 năm, hộ nghèo nhất làng là ông Pring được Nhà nước xây một căn nhà tình nghĩa, hội phụ nữ xã cũng trao tặng một con bò làm vốn. Chưa đầy 2 năm, ông Pring không chỉ thoát nghèo mà mỗi đợt thu hoạch lúa cũng đóng gióp 20kg vào kho thóc xóa nghèo của chị Kuen.
“Trong những buổi họp thôn chị Kuen đều giải thích đây là gạo của những người nghèo khổ, ai mà gian dối để lấy là xấu, dân làng xem thường. Cũng từ đó mà người dân trong làng Ktu ý thức, không có việc người khá giả rồi nói nghèo để nhận gạo” – Anh Bia nói.
Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng Đinh Huy, cho biết mô hình này đã được triển khai về hầu hết các buôn, làng và làng Ktu thực hiện tốt nhất. Từ đó mà tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể. Bởi vậy, tuy đây là xã đặc biệt khó khăn nhưng có gần 20 em đậu đại học, trong đó nguồn kinh phí từ kho thóc của chị Kuen hỗ trợ nhiều em.
Nhiều ngôi nhà khang trang của người Ba Na trong xã Kon Chiêng
Xóa đói thì chưa đủ, cần nhân rộng mô hình làm sao phải thoát nghèo mới là đích mà chị em phụ nữ xã Kon Chiêng nhắm đến. Sau khi bàn bạc, chị em cùng đi đến thống nhất là phải có quỹ để làm vốn ban đầu. Cuối cùng đã nghĩ ra mãnh đất bỏ hoang ở nơi gần suối được chị em khai phá, tạo quỹ đất của Hội. Hàng chục hécta mì được trồng dưới bàn tay cần cù của chị em phụ nữ. Không ai ngờ số tiền thu từ tiền bán mì lên tới vài trăm triệu đồng. Số tiền này được đem cho các hộ phụ nữ nghèo trong xã vay không tính lãi để làm ăn. “Hội còn mua bò mẹ cho các hộ nghèo nuôi, sau khi đẻ con, bò mẹ sẽ được chuyển cho hộ khác. Tiền đó cũng được dùng để cho mấy chị em phụ nữ vay để mua phân bón, mua giống. Ngoài ra, phụ nữ cũng giúp hộ nghèo làm đổi công”- chị Kuen cho biết.
Là một trong số những hộ nghèo, chị Rơih được cho vay 5 triệu đồng. Nguồn vốn ấy chị dùng mua dụng cụ để dệt thổ cẩm đem bán. Tích lũy được một số tiền, chị Rơih mua bò sinh sản. Bây giờ đàn bò nhà chị đã có 90 con, tổng thu nhập của gia đình mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Nhìn ngôi nhà xây kiên cố, trong nhà không thiếu tiện nghi, chúng tôi biết cái đói cái nghèo đã rời xa gia đình chị lâu lắm...Cũng như chị Rơih, chị AYet ở làng K’Tu cũng thoát nghèo bằng những đồng vốn nghĩa tình này. Chị AYet kể: Lúc mới tách hộ, do ruộng rẫy ít, nên hầu như năm nào gia đình chị cũng thiếu ăn. Chị cũng đã vay vốn ngân hàng làm ăn, nhưng không hiệu quả, nhiều năm không trả xong nợ. Cuối cùng chị A Yet được Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng cho vay 17 triệu đồng để mua bò nuôi; cho mượn lúa ăn lúc thiếu… Rồi chị em xúm vào giúp đỡ ngày công, bày cách làm, chỉ dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, gia đình chị A Yet đã dần trả hết nợ. Giờ đây, hộ chị AYet không những thoát nghèo, mà còn trở thành hộ khá giả trong thôn làng
Hiện chị em phụ nữ xã Kon Chiêng đang quản lý 31 tấn thóc, gần 30ha mì, 25 con bò sinh sản và hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn. Các chị còn đang bàn nhau tìm hiểu để trồng tiêu, cà phê để cho thu nhập cao hơn.