CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:26

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế: Một người cũng đào tạo nếu doanh nghiệp đặt hàng

 

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (người cầm micro) phát biểu tại Hội nghị đồng hành cùng doanh nghiệp

 

Chiều 13/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị: “Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tham dự Hội nghị có các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, dưới sự chủ trì của ông Phan Ngọc Thọ.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó số doanh nghiệp đang hoạt động khoảng gần con số 5.000. Chính đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân này đã góp phần rất lớn và có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhận thấy vai trò hết sức quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Sự vào cuộc quyết liệt trong cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần sự hỗ trợ, tháo gỡ của của các cơ quan ban ngành, địa phương. Với việc tổ chức Hội nghị “Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Phan Ngọc Thọ với cương vị là người đứng đầu chính quyền tỉnh, muốn được lắng nghe những chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc để cùng đồng hành với doanh nghiệp, tìm cách tháo gỡ phù hợp nhất.

Tham dự Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã tham gia ý kiến hết sức sôi nổi liên quan đến các vấn đề, như: môi trường đầu tư, kinh doanh, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, cải cách hành chính, thông tin tư vấn, vấn đề hỗ trợ vốn, tín dụng, mặt bằng, công nghệ, sở hữu trí tuệ,…

Trước đó, ngày 28/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Quyết định số 39/ QĐ – UBND về việc Ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu của tỉnh này trong năm 2018 là đạt được số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 15% so với năm 2017 và đạt khoảng 6.800 doanh nghiệp đang hoạt động vào cuối năm 2018; lao động trong doanh nghiệp đạt hơn 100.000 người (tăng trên 5% so với năm 2017); giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt 920 triệu USD (tăng 15%); tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp đạt trên 13.000 tỷ đồng (tăng 20%); khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 4.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ưu tiên phát triển 3 – 5 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 1 – 3 doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ, nhà đầu tư.

Để đạt được các mục tiêu này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, như: tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung rà soát, bổ sung, thực hiện cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp. Ngoài ra, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến các vùng trọng điểm kêu gọi đầu tư như các Khu công nghiệp, Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, vùng ven biển đầm phá, TP. Huế, Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã… cũng được Thừa Thiên Huế xem trọng.

Một yếu tố khác cũng rất quan trọng, tác động đến nhà đầu tư, doanh nghiệp đó chính là nguồn nhân lực. Để hỗ trợ doanh nghiệp về mặt này, Thừa Thiên Huế cũng đã có quy định rõ ràng. Theo đó, lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực do các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh tổ chức.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuyển dụng lao động (từ cấp phó, trưởng bộ phận trở lên) là người có hộ khẩu tại tỉnh Thừa Thiên Huế (có hợp đồng lao động, đã làm việc trong doanh nghiệp tối thiểu 6 tháng liên tục và đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội theo quy định) được hỗ trợ chi phí tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ là 5 năm kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được miễn phí tham gia các phiên giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động do các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Trong buổi họp báo trước khi diễn ra Hội nghị “Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Phan Ngọc Thọ cũng đã giành thời gian trả lời câu hỏi của phóng viên báo LĐXH, báo Dân Sinh liên quan đến vấn đề đổi mới giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đầu tư nâng cấp cơ sở, chất lượng cơ sở GDNN, đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề.

Theo ông Thọ, GDNN là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN, nhất là trong thời kỳ Cách mạng 4.0 là rất quan trọng và hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện. Phải đổi mới tư duy về đào tạo nghề, GDNN, đổi mới phương thức đào tạo; thậm chí là đổi mới theo từng tháng, từng quý chứ không hẳn là theo tháng, theo giai đoạn và phải làm triệt để kể cả cơ sở GDNN Trung ương đóng trên địa bàn lẫn của địa phương.

“Đồng thời, chúng ta cũng cần phải đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị cho các cơ sở GDNN. Mặt khác, cần mở rộng ngành nghề đào tạo và đào tạo theo nhu cầu, đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có đơn đặt hàng đào tạo thì dù chỉ có một người thì chúng ta cũng sẽ đào tạo”, ông Thọ nói thêm.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh