THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 10:58

Nhân Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại Nơi làm việc (28/4)

Một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là quyền cơ bản của mọi người lao động

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ILO

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ILO

Đã mười năm kể từ khi tòa nhà Rana Plaza từng tọa lạc tại Dhaka, Bangladesh, sụp đổ. Ít nhất 1.132 người, chủ yếu là công nhân dệt may, đã thiệt mạng và hơn 2.500 người bị thương trong cái ngày định mệnh đó.

Thảm họa này đã thu hút sự tập trung chú ý trên toàn cầu và dẫn đến sự thay đổi. Thế nhưng, chỉ khi một thảm họa lớn như sự cố Rana Plaza mới được đưa lên trang nhất của mọi tin bài thì tai nạn và tử vong vẫn xảy ra hàng ngày tại nơi làm việc ở mọi quốc gia.

Trên thực tế, hàng năm có khoảng 2,9 triệu phụ nữ và nam giới trên khắp thế giới phải gánh chịu hậu quả của tai nạn hoặc bệnh tật liên quan đến công việc; mỗi ngày có đến hơn 8.000 trường hợp tử vong.

Mức độ thiệt hại là vô cùng lớn, cả đối với cá nhân, khó khăn mà họ phải gánh chịu cũng như tổn thất về kinh tế.

Tháng 6 năm 2022, Tổ chức Lao động Quốc tế đã thực hiện một bước tiến lịch sử khi bổ sung môi trường làm việc an toàn và lành mạnh vào danh sách các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại Nơi làm việc.

Vì sao điều này quan trọng?

Điều này quan trọng bởi vì an toàn và sức khỏe nghề nghiệp giờ đây không còn được coi là một tùy chọn bổ sung. Tất cả 186 Quốc gia thành viên của ILO hiện có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và tạo dựng một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh như một nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, dù họ có phê chuẩn các công ước của ILO liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp hay không.

Điều này rất quan trọng vì nhiều lý do. Đầu tiên và quan trọng nhất, việc làm này công nhận rằng mọi người lao động đều có quyền được bảo vệ khỏi các mối nguy hiểm và rủi ro có thể gây thương tích, bệnh tật hoặc tử vong tại nơi làm việc.

Với việc ghi nhận an toàn sức khỏe nghề nghiệp (ATSKNN) là một quyền cơ bản, ILO gửi tới các chính phủ và người sử dụng lao động một thông điệp rõ ràng rằng họ phải có trách nhiệm tạo dựng một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho mọi người lao động.

Bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động không chỉ là vấn đề đạo đức; điều này cũng đem lại lợi ích về kinh doanh theo như một phân tích lợi ích chi phí gần đây do Ban thư ký ASEAN về ATSKNN thực hiện trong lĩnh vực xây dựng đã chỉ ra.

Khi người lao động cảm thấy an toàn và khỏe mạnh tại nơi làm việc, nhiều khả năng họ sẽ làm việc năng suất và hiệu quả hơn. Điều này có thể mang lại lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động cũng như toàn bộ nền kinh tế. Ngược lại, khi người lao động bị thương hoặc bị bệnh do các mối nguy hiểm tại nơi làm việc có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến năng suất và tăng trưởng kinh tế.

Đưa ATSKNN trở thành quyền cơ bản thúc đẩy công bằng và bình đẳng xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người lao động trong các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội, những người có thể có nguy cơ phải đối mặt với các mối nguy hiểm tại nơi làm việc cao hơn do các yếu tố như nghèo đói, phân biệt đối xử và không được tiếp cận giáo dục, đào tạo và các dịch vụ ATSKNN.

Việc đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về ATSKNN cũng rất quan trọng để từ đó có thể dẫn đến điều kiện làm việc tốt hơn và cải thiện sức khỏe cho người lao động.

Châu Á và Thái Bình Dương hiện ghi nhận tiến bộ về ATSKNN trên nhiều mặt. Các công ước liên quan đến ATSKNN của ILO đã được phê chuẩn cùng với sự ra đời của các chính sách, luật và chương trình ATSKNN quốc gia mới trong khu vực. Khu vực đang thực hiện các bước để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, chẳng hạn như nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận tới các công nhân vệ sinh và tái chế rác thải ở Nam Á và các doanh nghiệp nhỏ nhất cũng như người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức ở ASEAN. Trong khi đó, năng lực của thanh tra lao động - những người đi đầu trong nỗ lực đảm bảo nơi làm việc an toàn và lành mạnh - cũng được nâng cao thông qua đào tạo và sử dụng công nghệ.

Đây đều là những sáng kiến quan trọng cần được hoan nghênh và ủng hộ. Tuy nhiên, để ATSKNN trở thành hiện thực hàng ngày đối với mọi người lao động, vấn đề này phải được giải quyết đồng thời với các Nguyên tắc và Quyền cơ bản khác của ILO tại nơi làm việc. Đó là các vấn đề liên quan đến tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động trẻ em cũng như chấm dứt phân biệt đối xử trong thế giới việc làm.

Sự tham gia của cả người sử dụng lao động và người lao động thông qua đối thoại xã hội và hợp tác tại nơi làm việc là rất quan trọng nếu muốn tạo ra một nền văn hóa phòng ngừa trong ATSKNN thực chất. Tự do hiệp hội và thương lượng tập thể giúp người lao động tổ chức và thương lượng để có được điều kiện làm việc tốt hơn, bao gồm cả an toàn và sức khỏe. Nếu không có những quyền này, người lao động có thể sẽ không thể vận động cho chính mình và có thể dễ bị bóc lột và ngược đãi hơn.

Công đoàn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này, giúp nói lên những mối quan ngại của người lao động cũng như đào tạo họ những kiến thức cơ bản về ATSKNN. Trong khi đó, các ủy ban ATSKNN cấp doanh nghiệp chẳng hạn như các ủy ban được thành lập trong ngành dầu cọ Indonesia cũng như ngành may mặc Bangladesh cho phép người lao động và người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề về an toàn và sức khỏe một cách trực diện và bình đẳng.

Lao động cưỡng bức và lao động trẻ em cũng như phân biệt đối xử dựa trên giới, tuổi tác, tình trạng di cư, việc làm và nghề nghiệp về cơ bản đều có mối liên hệ với an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, nam giới, phụ nữ, người già, thanh niên và những người dễ bị tổn thương sẽ tiếp tục phải làm việc cực nhọc trong những hoàn cảnh nguy hiểm, nơi tai nạn xảy ra phổ biến và hiếm khi thuộc diện bao phủ của an sinh xã hội.

Môi trường làm việc an toàn và lành mạnh giờ đây là quyền cơ bản của mỗi người lao động và của mọi người lao động. Các Chính phủ, người sử dụng lao động, công đoàn cũng như các công ty ở mọi cấp độ của chuỗi cung ứng phải cùng nhau phối hợp để hiện thực hóa quyền này.

Chúng ta có thể làm như vậy thông qua cam kết chung, nỗ lực chung và bằng cách tiếp cận toàn diện. Chúng ta cần một cách tiếp cận mà ở đó tất cả các quyền cơ bản của người lao động được công nhận và thúc đẩy, giúp mang lại công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người.

Văn Lý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh