THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:00

Một lần đến Pù Luông

 

Chuyện sức khỏe con người nơi đây đã tựa vào cây rừng và đá núi hùng vĩ, hẳn vậy mới rắn rỏi thế. Và cái chính họ sống đơn giản, không tham vọng đồ đạc như người dưới xuôi. Không sấp ngửa kiếm tiền, mặc dù có nhà dưới xuôi đầy đủ tiện nghi. Một nông dân vùng Cao Sơn tên Hà Nhâm nói, tết đến, năm mới,  chị chỉ ước ao ngày mùa nhà sàn đầy thóc, chuồng đầy gà vịt, ruộng đầy rau. Có cái ti vi thì xem vào buổi tối một lúc thôi, rồi đi ngủ, không cần đồng hồ báo thức làm gì. Chỉ nghe gà gáy là báo thức rồi. Buổi sáng ở Cao Sơn, bên bản Son vắng vẻ, nghe tiếng gà gáy động núi, nghe du dương, thấy mình đi một chặng đường trơn heo vắng, rợn người, có khi bò trên đường mà không  sợ ai cười trong sự lấm láp khó tả của mưa rừng bất chợt. Rồi tất cả chìm vào âm u, nghe mưa ở rừng Pù Luông cảm giác như đang sống ở một thế giới khác. Nơi đây không có sự  bon chen của con người, càng không có sự tắc đường, và ám ảnh đám đông như một bầy kiến bu chật cả ngã tư thành phố cũng tiêu tan. Khắp nơi ở vùng sơn cước này phủ trắng hoa mận, thưa thác hoa mai, điểm mấy khóm đào bích thẫm cả trời chiều ngơ ngẩn trái tim ta. Và tiếng gà lại dóng lên, tiếng con sống choai choai đập cánh y như sự mạnh mẽ của thế giới đàn ông. Nghe chuyện thật chứ không phải huyền thoại, già làng Hà Hoàng Nhi từng hạ con hổ lớn về bản phá nương ngày bắp trổ hạt, rồi ông lại đổi bộ xương hổ lấy cái nồi đồng đựng cám cho heo ăn. Giá trị một cái nồi đồng cổ cũng chỉ đến đựng cám thôi, chứ không thể nghĩ xa hơn nó là đồng nguyên chất của thời kỳ đồ đồng  những thế kỷ trước, giá trị lắm.

Quà tặng đôi khi có giá trị với người này mà không có giá trị với người kia. Vì sở thích và  am hiểu văn hóa của mỗi người còn phụ thuộc vào độ nghiêng của miền xuôi và miền núi. Khi lái xe đang tính đường bằng cột cây số không, thì dân bản Son vẫn tính đường bằng dao quăng. Cậu lái xe bảo tôi mỗi con dao quăng  ước tính hơn cây số chị à. Xe máy đi đường núi phải luôn có hộp đồ nghề  và lái xe phải biết sửa xe chứ không ở đây hỏng xe, muốn khóc  cũng không khóc được.

Tràn vào trái tim lữ khách lên vùng Pù Luông  là vùng sơn cước thiên nhiên hùng vĩ, là những bản người Thái, người Mông chênh vênh bên núi, bên đồi nương. Bên những bếp lửa mà bếp là nhà sàn ngăn nắp, bếp còn là đất tường trình, mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát. Cuộc sống giản đơn với chiếc ti vi, chỉ mở buổi tối vì  lo tốn điện thôi, không có nhiều tiền để trả tiền điện, chứ nghe ti vi thích lỗ tai lắm. Chị Nhâm hát dân ca Thái ru con rồi bảo đứa con gái mang chè Tán ma, một thứ lá đắng trên rừng uống vào thấy đỡ mệt ngay.

Không có danh xưng dược sỹ hay bác sỹ, những kinh nghiệm của đồng bào vùng núi Pù Luông sống nhờ rừng núi, chữa bệnh bằng lá thuốc của rừng thẳm cây xanh, chứ nơi đây tìm đâu ra cửa hàng thuốc tân dựợc?. Một góc chợ bản Son - Bá - Mười, cũng có một bà bán thuốc, thuốc viên thì ít mà thuốc nam là nhiều. Những đứa trẻ miền núi da đỏ au, tóc hoe vàng. Với chúng, Tết không có bóng bay mà là những tiếng pháo nặn bằng đất thó ném trên đất vỡ ra trên đất. Những quả còn thì rất đẹp của người Thái, người Mường, người dân tộc Lào.   Pù Luông ở huyện Bá Thước rất gần đất Lào, sự giao thoa văn hóa hai dân tộc là những Lễ Hội ẩm thực, Lễ Hội cơm mới, được mùa, Lễ Hội xuân. Dân bản còn nhắc vị tổ của làng đá, vua đá thị trấn Nhồi, có quê hương ở vùng Cao Sơn này, dù ông là vua đá Nhồi do dân vinh danh, thì người dân bản còn tự hào lắm.Vì khánh đá làng  Nhồi thế kỷ thứ  3 được nhà Tấn (Trung Quốc) lưu giữ sử dụng tương truyền mãi về sau. Nếu “vua” đá gốc gác Cao Sơn, thì  “vua” săn hổ phá rẫy  là Hà Hoàng Nhi cũng ở bản này. Nhưng danh tiếng của họ, rừng xanh và núi Pù Luông biết tới. Có thể như thế là đủ với những “vua” đá, “vua” hổ của rừng xanh và núi thẳm, họ đâu có ồn ĩ, đâu có quảng cáo lăng xê  như ở dưới xuôi.

Dưới xuôi có bao điều làm người miền núi ngơ ngác. Cái danh mọn bằng móng tay mà có người bỏ tiền ra mua bằng phong bì .Cả bằng cấp cũng mua, bằng ngoại ngữ, bằng tiến sỹ, mua hết. Khéo mà bằng cấp giả sẽ trở thành quả mìn nổ chậm vào tri thức văn hóa đời sau. Không lo không buồn sao được. Thế thì lên núi nói chuyện với cây rừng vậy. Còn tôi kẻ lữ khách bị gán cho gàn dở ai lại lên núi ngày mưa, để ngơ ngác thấy sao người Cao Sơn sống thanh thản. Họ đã học cây để che chắn bão giông, học cách làm nông nghiệp gieo lúa ngắn ngày, và trồng khoai  trái vụ,  để ấm no, không đứt bữa. Chỉ ấm no đã, và con cháu vùng Son - Bá - Mười, ba bản vùng  Cao Sơn, trẻ em đến trường đông vui hơn. Rừng núi chẳng cần đến đồng hồ. Vẫn  tiếng gà gáy hẹn giờ ở chênh vênh độ cao 1200 mét so với mực nước biển. Pù Luông - đường núi, tôi đi, mãi ngơ ngác giống hệt như người miền núi ngạc nhiên về người dưới xuôi: “Xem ti vi thấy người dưới xuôi lắm đồ đạc, không thích sao mà còn lên núi nói chuyện với cây. Hay mày muốn nói chuyện với thần đá  ở ngọn Pù Luông thẫm xanh kia. Nơi chỉ có trời xanh và những người chinh phục đỉnh núi hay nhìn lên và ước một chữ buông vật chất thì xem ra rất nhẹ  trong người”.

Hoàng Việt Hằng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh