CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 08:59

Một lần đến Nga

 

Nhớ lại “thời xa vắng” của ông nhà văn Lê Lựu

Nhớ lại thời trước Đổi mới, mỗi khi có người thân quen nào đó đi nước ngoài về là tạo nên một sự kiện trong làng, ngoài xã. Anh em, bè bạn có thể ngồi nghe họ kể hàng giờ về chuyến đi với rất nhiều háo hức mới mẻ. Đặc biệt là các nước không nằm trong phe Xã hội chủ nghĩa thì đó là điều “kinh hoàng”.

Còn nhớ những năm đầu thập niên 90, nhà văn Lê Lựu sang Mỹ, trở về đã trở thành một sự kiện trong đời sống xã hội. Anh được mời đi khắp nơi để kể chuyện về người Mỹ, về nước Mỹ. Những đơn đặt hàng anh đến nói chuyện với phong bì, phong bao cát sê cao như ngôi sao ca nhạc thời thượng, lịch luôn đặc kín. Những câu chuyện anh kể hay đến mức có người ghi hẳn thành băng cát sét, in rồi bán chạy như mắm tôm, cá mè thời bao cấp, dù giá cao ngút ngát trời xanh.

Tượng đài Hồ Chủ Tịch ở Matxcova.

Thuở ấy, nước ngoài là một thế giới xa lạ, bí ẩn và đầy mê hoặc. Vì vậy, ai được sang Mỹ, sang Anh tức là được đi đến một thế giới khác. Tôi kể chuyện này cho người bạn Việt kiều, anh trợn mắt không tin và cho rằng tôi bịa chuyện. Chỉ đến khi tôi đưa cho anh xem cái băng cát sét cũ moi từ giá sách xuống, anh mới tin là thật.Còn bây giờ, hoạ có mà điên mới ngồi nghe ai đó kể về nước Mỹ, hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Vậy mà tôi lại định kể về chuyện đi Nga thì quả là không tâm thần thì cũng... hâm hấp.

Những nẻo đường đến với nước Nga

Nước Nga, miền đất xa xôi trước thế kỉ XX hầu như không được nhắc đến trong lịch sử Việt Nam. Thế nhưng bước sang thế kỉ XX, nước Nga bỗng trở nên gần gũi, thân quen đến kỳ lạ.

Khởi đầu, có lẽ phải kể đến sự kiện Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trong Chiến hạm Rạng rồi tiếp đến là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Nga xô viết ngày 30/6/1923. Kể từ đó, nước Nga gắn chặt với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam thế kỉ XX và cho đến tận hôm nay.

Nếu thế hệ đầu tiên là việc các lãnh tụ của Việt Nam như Hồ Chủ tịch, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong... sang Nga để tìm đường cứu nước, thì thế hệ thứ hai là các nhà khoa học và quân sự Việt Nam sang Liên Xô học hỏi khoa học, kỹ thuật để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Nước Nga đã làm nên tên tuổi các nhà khoa học lớn như Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự... và nhiều nhà quân sự lớn cho Việt Nam, mà một trong số đó là Anh hùng Lực lượng Vũ trang và Anh hùng Lao động Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Nước Nga cũng là cái nôi đào tạo nên những nghệ sĩ lớn của Việt Nam như Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn và nhiều, rất nhiều văn nghệ sĩ khác đã từng theo học tại Nhạc viện Traicốpxki cũng như Trường Viết văn Mắcxim Goocki. Những năm đó còn có cả một lực lượng lao động khổng lồ sang Nga theo con đường xuất khẩu lao động.

Bia vỉa hè ở Petecbua. 

Gần đây, có một dòng người Việt Nam sang Nga không phải để học tập hay lao động mà họ sang Nga chỉ với một mục đích duy nhất, đó là tham quan và tìm hiểu về mảnh đất này, đó là dòng người du lịch.

Bốn lý do khiến du lịch Nga bùng nổ

Những năm gần đây, dòng người đổ sang Nga du lịch đông kỉ lục. Chỉ cần mở trang tìm kiếm Google, với dòng chữ “du lịch nước Nga” đã thấy hiện lên vô số những công ty, doanh nghiệp tham gia dịch vụ này. Ở đây có mấy lý do. Thứ nhất, đó là đời sống kinh tế người Việt những năm gần đây khá tốt nên nhu cầu thăm thú các nơi trên thế giới của không ít người không phải là quá khó khăn.

Thứ hai, người Việt Nam chọn nước Nga vì phong cảnh Nga vô cùng mê hoặc và quyến rũ, nhất là mùa thu Nga. Nga còn nổi tiếng với vô vàn các lâu đài, cung điện, những nhà bảo tàng và các di tích lịch sử, văn hóa khác.

Thứ ba, nhiều người Việt Nam vốn ít nhiều gắn bó với nước Nga bởi đã từng học tập hoặc lao động ở đó. Những người chưa đến nước Nga bao giờ thì háo hức vì tác động tình cảm từ sách báo hay những chuyện kể của người đi trước.

Và thứ tư, do bị phương Tây bao vây và cấm vận, đồng rúp Nga xuống giá nên du lịch Nga tính theo USD rất rẻ. Nếu như trước đây, 1USD được tính bằng khoảng 33 - 34 rúp Nga thì tỉ giá tại thời điểm này khoảng trên 60 rúp/USD.

Sự thân thiết mơ hồ đến từ ký ức

Không tính những người đi trước và sau, tại thời điểm người viết bài này sang Nga, có tới 5 thành viên trong Báo Dân trí cùng đi Nga và họ đi theo 3 đoàn khác nhau.Đó là nhà thơ, nhà báo Phan Huy đi cùng nhà thơ, nhà báo Bùi Hoàng Tám theo tour. Kế toán trưởng Phạm Thị Châu đi cùng phu nhân Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn. Nhà thơ, nhà báo Tuyết Nga đi cùng nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. May mắn cho tất cả chúng tôi, vì đi cùng thời điểm như đã nói ở trên nên cùng được thưởng thức những ngày kỳ lạ nhất của năm nước Nga, đó là thời khắc “mùa hè rớt”. Tôi không biết người Nga gọi cái từ “rớt” này như thế nào,  nhưng với người Việt Nam, cái tên “Mùa hè rớt” có lẽ là do nhà thơ Bằng Việt khi ông dịch tác phẩm này của nữ thi sĩ Olga Berggoltz từ tiếng Nga sang tiếng Việt.

Cử quốc ca Việt Nam chào mừng du khách Việt. 

Chuyến đi theo tour có hơn 10 ngày, lại chỉ qua 2 thành phố lớn (Matxcva va Xanh Petecbua), ngôn ngữ không biết, thật khó có thể có những phát hiện mới về mảnh đất đã quá thân quen với nhiều người này. Vì thế, chỉ xin kể lại vài cảm giác nhỏ trong chuyến “cưỡi máy bay xem nước Nga” vậy.

Có lẽ cái cảm giác rõ nét nhất khi đến nước Nga, khiến tôi có cảm giác như lần sang... nước Mỹ. Không, nói chính xác hơn, Nga như là một mặt khác của Mỹ và ngược lại, Mỹ cũng thế, là mặt khác của Nga. Nếu nước Mỹ là sự hùng vĩ của hiện đại thì ngược lại, Nga là sự hùng vĩ của thời đã qua. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa Nga thời hiện đại không vĩ đại và Mỹ không có thời quá khứ huy hoàng. Những tòa nhà chọc trời của Mỹ có lẽ không hơn gì những nhà thờ, cung điện  nguy nga, lộng lẫy của Nga và ngược lại.

Không hiểu sao tuy đến nước Nga lần đầu, tôi luôn có cảm giác thân thiết đến khó có thể giải thích. Phải chăng do từ nhỏ, tôi đã đọc nhiều cuốn sách viết về mảnh đất này? Những cái tên như Lep Tolxtoi, Alecxan Tolxtoi, Sekhop, Aimatop, Annakhomatova... Và cả hình như trong sâu thẳm, đất nước Liên Xô từng là “anh em” một thuở?.

Một điều khiến có cảm giác thân quen, bởi ở đây có rất nhiều người Việt sinh sống với đủ các hình thức. Từ định cư lâu dài, lao động theo hợp đồng, du học sinh… và cả những người trốn sang đây theo con đường không hợp pháp.

Một góc phố cổ Acbat. 

Tôi đã đến một “ốp” mà ở đó, như một góc phố ở Việt Nam. Cũng có quán phở, tiệm cắt tóc, hiệu sơn sửa móng tay, may vá... và đã từng được ăn món tràng lợn chấm mắm tôm ngay tại Maxcova, trong một quán ăn của người Việt. 

Nếu sang Nga, điều khiến tôi khó chịu nhất và cũng là điều khiến tôi duy nhất khó chịu, đó là thái độ của Hải quan Nga với người Việt. Tại cửa ra vào, dòng người Việt chen chúc, trong khi đó ở các cửa khác thì hoặc là không có người, hoặc là thưa thớt. Thật không khó để thấy sự phân biệt đối xử ở đây từ gương mặt, thái độ, phong cách phục vụ của nhân viên Hải quan Nga. Nó ức chế đến mức ngay khi đó, người viết bài này đã tỏ ra ân hận vì chọn du lịch sang Nga.

Thế nhưng rất may, trong suốt chuyến đi, dây là nơi duy nhất gây sự khó chịu, còn ở bất cứ nơi nào trên hành trình, chúng tôi đều gặp những con người hồn hậu và mến khách. 

Nhà báo Bùi Hoàng Tám

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh