THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 08:49

Một Hà Nội trong lòng bàn tay

Ông của tôi là người Quảng Ngãi, đi tập kết ra Bắc, gặp bà tôi cô dân quân tự vệ gần đơn vị ông đóng quân (Gia Lâm nay là quận Long Biên), bà tôi mồ côi mẹ từ nhỏ nên ông tôi thương yêu lấy bà rồi ở lại Hà Nội luôn. Thành ra, ông không nói giọng Bắc chuẩn, mà giọng ông là giọng miền Trung giống ông nội tôi, và pha một chút miền Bắc nhè nhẹ. Ông bà ở cùng nhau trong một căn nhà tập thể nhỏ ven bờ đê sông Hồng. Ông rất hiền, sống tử tế, ấm áp. Năm nay, ông đã bước sang tuổi 86 nhưng lúc nào cũng vui vẻ và luôn là một người đàn ông chỉnh chu y phục bất kể mùa hè hay mùa đông. Phòng ông bà ở tầng trệt và có một khoảng sân con, ông kiêm thêm việc trông xe cho bọn trẻ con đi học ở trường gần đó, bận rộn luôn tay luôn chân. Vậy mà, ông nhớ mặt hết các bé, bạn nào đến cũng chào hỏi, nói cười với ông giòn tan.

Ông bà Đường - ông bà của tác giả

Ông bà Đường - ông bà của tác giả

Ông nói chuyện với tôi luôn thật là nhẹ nhàng và luôn dành rất nhiều tình cảm cho ông nội tôi, là người em út sống ở phương Nam. Mỗi lần tôi đến chơi rồi ra sân bay đi về Sài Gòn, ông đều tiễn ra đầu ngõ, dặn dò tài xế đủ kiểu và đứng nhìn mãi cho tới khi xe chạy khuất sau ngõ. Những lần như vậy, tôi thấy thương mến ông vô cùng, một hình ảnh người ông miền Bắc nhưng chẳng khó tính tẹo nào như người ta thường nói trong sách vở, ngược lại, rất đỗi dịu dàng, mực thước.

Bà của tôi là một người phụ nữ bé nhỏ và không nói quá nhiều. Lúc đầu, khi mới đến nhà ông bà, dĩ nhiên tôi cảm thấy bà xa lạ hơn vì bà mới thật sự là một người Bắc. Tuy nhiên, bà nhanh chóng làm tôi quên đi sự ngần ngại đó, bằng một hoạt động rất đỗi quen thuộc là rủ tôi đi chợ cùng. Tôi đi chợ cùng bà, xem cách bà tỉ mẩn chọn từng lá rau, từng miếng thịt, nghe bà nói về ông, về các con, các cháu với tình yêu thương và sự quan tâm rất mực. Đó không phải là những lời hoa mỹ, mà là những điều thật nhỏ nhặt như mọi người thích ăn gì, ăn ra sao… Sau một chuyến đi chợ, tôi yêu quý bà hơn 100 lần, thấy bà dễ thương quá, sự đáng yêu toát ra từ sự tận tụy và nhiều lo lắng của một người phụ nữ vì chồng, vì con. Về sau này, bà hay bị đau chân và ở tuổi 80, bà chẳng đi ra ngoài mấy nữa, nhưng mọi thứ ở bà chẳng có gì đổi khác. Tôi về đến Hà Nội, bước vào phòng trò chuyện cùng bà, mọi thứ vẫn trong veo và dạt dào trìu mến như buổi chợ đầu tiên đó.

Mỗi lần tôi đến chơi nhà ông bà, các bác và các anh chị đều cùng về và nấu những món Hà Nội rất ấm cúng. Tôi nghĩ, đây là điểm khác biệt rất lớn giữa Hà Nội và Sài Gòn. Ở Sài Gòn, người ta thường ra ngoài ăn, có khi với bạn, có khi với gia đình và rất nhiều kỉ niệm ở những nơi quán quen đó, bên nồi lẩu tưng bừng hoặc ly sinh tố mát lạnh nói cười. Ở Hà Nội, người ta sống với cái không khí êm đềm, hương thơm thanh tao của các món cơm giản dị: nem rán, canh riêu cua với cà pháo muối trong gian bếp của mỗi nhà.

Tác giả trong một lần ra thăm ông bà ở Hà Nội

Tác giả trong một lần ra thăm ông bà ở Hà Nội

Tôi nhớ thương nhiều cái cách bác Thanh tôi vẩy rau một cách điêu luyện trước mỗi bữa ăn, cách bác Hương, bác Nga tôi dù đi làm tất bật nhưng luôn chỉnh chu, chu đáo chuẩn bị từng món ăn, từ thịt rang đến quả hồng, và cả cách các anh tôi vào bếp âm thầm dọn cơm, rửa bát…Tôi không quên chút nào những ngõ dài sâu hun hút rêu mọc li ti ven đường, chiếc cầu thang chật hẹp nắng xiên xiên dẫn đến nhà bác tôi. Mùa đông gió rít lùa qua các ô cửa nhỏ, mưa lạnh lướt thướt bên hiên. Mùa hè hơi nóng hầm hập bốc hơi trên những mái nhà, và nắng cứ rối rít xối xả đổ xuống trên đường xi măng. Tôi ghi luôn vào trí nhớ mình tiếng loa phát thanh chiều chiều lan dài trên những mái nhà, và góc sân khu tập thể râm ran lời chào hỏi kéo dài mãi, như thể người ta ai cũng biết nhau cả…

Mỗi chuyến ra Hà Nội rồi về Sài Gòn, tôi đều có những cảm xúc vương vấn đan cài. Lòng tôi hân hoan vô cùng khi thấy ánh đèn lung linh của Sài Gòn qua ô cửa máy bay, để biết rằng mình đã thật về Nhà rồi đây, với tất cả phóng khoáng, sôi nổi của một thành phố trẻ. Nhưng đâu đó, trong tôi vẫn là một niềm luyến lưu với Hà Nội bé nhỏ, trầm mặc, với những sắc hương quấn quýt khó quên của người thủ đô. Hà Nội, đó hình như không phải là một định danh hành chính. Ấy là cái chất riêng mà những người ở đây đã có, và đã sẻ chia, với tất cả hào hoa và mến yêu. Để rồi, dẫu ở nơi đâu, người ta luôn có một niềm trông ngóng được về với Hà Nội, về với những tháng ngày trong lành và an yên nhất…

Cháu Đoàn Bảo Châu: Tặng ông bà Đường và các bác

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh