THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:18

Một dấu in đậm nặng tựa ngàn cân


Nhân chi sơ tính dễ… sợ
Con người đã không thể liên tục phát triển về cấu trúc của cơ thể và thăng tiến về chức năng tư duy để có được hình ảnh hài hòa của ngày hôm nay, nếu con người không biết... sợ! Chính nhờ bản năng sinh tồn được điều khiển từ cảm giác lo sợ mà con người qua bao thế hệ đã tồn tại trước mối nguy cơ phủ vây tứ phía từ thiên nhiên và bệnh tật. 
Sợ cũng như thuốc tích lũy
Nếu tưởng thấy kim rút máu mới... đổ lệ thì lầm. Nỗi lo đã bắt đầu trước đó rất lâu, ngay từ lúc thầy thuốc cắm cúi viết giấy xét nghiệm vì danh sách càng dài, bệnh càng thấy ớn, hầu bao càng mau thủng vì chi phí. Chưa xong, cái sợ phải đến vì người bệnh dù muốn tránh né thế nào cũng đến lúc phải đối đầu với sự thật. Chưa hết, nỗi lo chắc chắn bội tăng khi bệnh nhân ngồi chờ kết quả. Thời gian chờ đợi càng lâu, hệ thần kinh và nội tiết càng bị đẩy sát đến chân tường. Không lạ gì khi nhiều người vào thời một, hai thập niên trước đây dễ ngã bệnh nặng trước khi có kết quả xét nghiệm chỉ vì suy sụp tinh thần. Cũng may là nhờ tiến bộ về kỹ thuật nên bệnh nhân bây giờ ít còn phải khổ như người bệnh thời xưa. Nhưng đó là chuyện xứ người. Với bối cảnh quá tải lại thêm cách tổ chức luộm thuộm ở các bệnh viện nước ta thì nay thậm chí còn khổ hơn xưa!
                                                         Sự giải thích tận tình của bác sĩ giúp ổn định tâm lý bệnh nhân.
Sợ quá như dùng thuốc ngộ độc!
Tương tự loại phim nhiều tập cà kê dê ngỗng, còn lâu mới đến đoạn kết. Con đường gian khổ dường như mới bắt đầu khi có kết quả xét nghiệm trong tay. Còn gì khổ hơn khi trên bảng kết quả có vài con số nào đó bị đánh dấu xanh đỏ, gạch dưới hay in đậm nét! Càng nhiều chỗ in đậm, mặt bệnh nhân càng tái mét!
Dùng chi ngôn ngữ hiểu chết liền?!
Tệ hơn nữa cho người bệnh khi đa số kết quả xét nghiệm hiện nay trên thực tế là hình ảnh điển hình của phản khoa học, vì:
• Chứa quá nhiều chữ viết tắt thừa sức gây hoang mang cho người bệnh. Ai chưa tin chỉ cần chọn có mỗi phần công thức máu cũng đủ rõ. Người bệnh nào còn bình tĩnh cho nổi khi đọc hàng loạt WBC, TBS, LYM, NEU, MONO, HB, HCT... mà không hiểu gì hết!
• Đánh dấu tối nghĩa, qua đó người đọc không thể phân biệt giữa tiếng chê và lời khen. Biết là ngôn ngữ vi tính có tính tự động và chính xác nhưng không thể vì thế mà đánh dấu luôn cả những biến đổi không có ý nghĩa bệnh lý. Nếu đơn giản và thiếu linh động đến thế thì cần thầy làm chi?!
• Thiếu lời giải thích cho dù chỉ trên cơ bản. Cứ như người bệnh nào cũng hiểu bệnh như... thầy thuốc!
• Thiếu ý kiến đề nghị của phòng xét nghiệm. Còn cảm giác nào buồn tủi cho người bệnh hơn câu tự hỏi “biết đi về đâu sau khi xét nghiệm?”. Còn bản nhạc nào buồn hơn “Con thuyền không bến”, trong khi khách vãng lai đã trả giá, thậm chí quá cao cho chuyến du lịch gọi là trọn gói?
Ước gì!
Trong trường y sinh viên vẫn còn được giảng dạy là ngành y đòi hỏi tính chính xác và tinh tế. Ngày nào về phía thầy thuốc vẫn chưa có phương án:
• Thu ngắn thời gian chờ đợi trước phòng xét nghiệm;
• Giảm thiểu thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm;
• Thông tin ngắn gọn nhưng đầy đủ về kết quả xét nghiệm;
• Hướng dẫn chính xác về biện pháp kế tiếp sau lần xét nghiệm thì bệnh nhân tiếp tục là... nạn nhân!
Có nhà nghiên cứu nào đã thử thống kê về số bệnh khởi phát từ nỗi lo sợ của mỗi lần xét nghiệm?  Có khó lắm không với một chút lạc quan, với nhúm nhỏ khôi hài, hay ít giọt thông cảm khi diễn dịch kết quả xét nghiệm? Lắm điều đáng tiếc phải chăng vì nhiều thầy thuốc, nhiều nhà khoa bảng tự hào hiểu rõ về con người, có lẽ vì quá bận rộn với con số xét nghiệm và trên biên lai thu phí nên đã không còn ít phút để hòa mình trong cảm xúc phức tạp của người bệnh?

BS Lương Lê Hoàng/Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh