THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:18

Mong ước của cô giáo Vân

“Tổng đài” cô Vân

“Cô ơi, em bị hắt (HIV) hai năm rồi, bây giờ em muốn có con. Liệu con em có bị lây bệnh không, cô trả lời giúp em với vì em chưa có đứa con nào ?”. “Chị ơi, vợ chồng em đều đang dùng ARV (thuốc điều trị HIV), giờ “quan hệ” với nhau có cần dùng bao cao su không?”. “Chị ơi, em hết thuốc rồi, chiều em ra, chị dẫn đi lấy nha...” - những câu hỏi qua điện thoại của người quen lẫn chưa từng gặp mặt dồn dập đến với cô Vân từ sáng sớm tới tận đêm. Nhưng lần nào cũng vậy, sau khi nghe xong câu hỏi, cô liền bấm nút kết thúc cuộc gọi, sau đó mới chọn một trong ba chiếc điện thoại thường mang theo bên mình để gọi lại, trả lời. “Đa số người nhiễm HIV có cuộc sống khó khăn. Vậy nên tôi mới sắm mấy cái điện thoại, sử dụng các mạng khác nhau để gọi lại cho người ta. Họ dùng thuê bao mạng nào, thì mình lấy điện thoại có cùng mạng gọi lại, nhằm tận dụng ưu đãi gọi nội mạng cho đỡ tốn cước phí” - cô Vân giải thích. Cô cũng nói thêm, bằng cách này, “tổng đài” đỡ bị nghẽn, vì có những cuộc gọi, “khách hàng” - nhất là những người biết mình mới mắc bệnh - có nhu cầu tư vấn, động viên cả giờ! “Từng mang tâm trạng của những người mới biết mình mắc bệnh, nên tôi hiểu, nếu không được tư vấn kịp thời, có thể dẫn tới hành động tiêu cực. May là sau hầu hết cuộc gọi, người bệnh đã bình tâm lại” - cô Vân kể...

Cô Trần Thị Thanh Vân.                   Ảnh: Tấn Đức.

Cách đây 16 năm, khi con trai tròn tuần tuổi, cô Vân (lúc ấy đang là giáo viên tại trường THCS Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, An Giang) nhận được hung tin: Chồng nhiễm HIV giai đoạn cuối. Niềm vui làm mẹ vừa chớm nở bỗng chốc chìm trong nỗi đau. Sức khỏe đang yếu sau kỳ vượt cạn, cô lại phải gửi con cho em gái để chăm sóc chồng. Hơn nửa năm sau thì chồng cô mất, để lại đống nợ cùng căn bệnh HIV cho Vợ. “Nghĩ không sống nổi một năm, nên tôi đem hết quần áo ra giặt, xếp gọn vào một góc nhà. Rồi tôi đi chụp một bức ảnh đẹp để đặt lên bàn thờ khi chết...” - cô Vân nhớ lại chuỗi ngày đen tối mà mắt đỏ hoe. Ban đầu cô không dám đưa con đi xét nghiệm, vì nghĩ con cũng đã lây bệnh từ cha mẹ. Khi biết con hoàn toàn bình thường, cô như bừng sống lại. Đó là động lực giúp cô “đứng lên”, quên đi bản thân mình để sống vì con. Cô xin chuyển về trường THCS Cần Đăng, quê cô, để giảng dạy. “Ban đầu, một số giáo viên và phụ huynh học sinh chưa hiểu mình, chưa biết nhiều về bệnh HIVcũng như con đường lây truyền nên tỏ ra xa lánh, e dè, ngại tiếp xúc; dần dà khi mọi người hiểu ra thì chính họ lại chủ động kết thân, giúp mình xóa đi mặc cảm. Có thầy cô, phụ huynh còn lên mạng tìm tài liệu nói về bệnh HIV và cách phòng chống, điều trị bệnh, đem đến cho mình xem. Chính sự quan tâm chân tình đó đã giúp tôi mạnh dạn tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV cho cộng đồng” – cô Vân kể. Cô bắt đầu tìm đến những người nhiễm giống mình để khuyên nhủ, đưa họ đi điều trị. Rồi cô còn in cả số điện thoại của mình lên móc khóa do cô tự làm, được bán ở nhiều điểm du lịch để ai cần tư vấn về phòng chống HIV có thể gọi.

Hơn chục năm qua, “tổng đài” của cô Vân không chỉ giúp nhiều người nhiễm HIV xóa mặc cảm tự ti, duy trì sức khỏe nhờ sử dụng thuốc đúng, mà còn giúp phát hiện nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Như trường hợp mới đây, cô nhận được cuộc gọi bất ngờ: “Mấy bữa nay sao đầu con bị nhức dữ quá, hai bên tai thì chảy mủ đặc sệt nữa cô ơi”-  nghe đứa học trò 12 tuổi ở gần chợ Cần Đăng kể, cô liền lấy xe máy tới thăm. Qua tìm hiểu cô được biết, cha mẹ đứa trẻ đều đã qua đời do căn bệnh thế kỷ cách đây chừng một năm. Nó và em gái 9 tuổi được bà nội đưa từ Campuchia về  thuê nhà, tạm sống qua ngày bằng nghề xin ăn. Kết quả xét nghiệm cho thấy thằng bé đã nhiễm HIV, còn đứa em gái hoàn toàn khỏe mạnh. Thương hoàn cảnh của học trò, cô Vân tất tả đi tìm các nhà hảo tâm tài trợ 200 ngàn đồng mỗi tuần để điều trị bệnh lâu dài cho nó. Cô lại kết nối với nhà chùa tại địa phương cất tặng căn nhà để 3 bà cháu có chỗ nương thân. Hay như trường hợp chị N. vừa nhiễm HIV lại bị tật ở chân do di chứng bệnh bại liệt từ nhỏ, sống chật vật trên chiếc ghe rách cùng đứa con nhỏ. Nhận được tin báo qua “tổng đài”, cô Vân tìm tới, đưa lên bờ tạo điều kiện cho N. sinh sống bằng nghề may mùng và vận động cất nhà cho hai mẹ con ở. “Nhờ cô Vân mà mẹ con tôi không còn phải lo chìm ghe trong những ngày mưa bão, mùng mền tôi may để bán cho người ta không lo phải hư hỏng, ế ẩm vì bị ướt nữa” - chị N. xúc động nói.

Lấy tiền túi giúp người nhiễm HIV

“Cái khó nhất là làm thế nào để người nhiễm có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình” - để tìm lời giải cho câu hỏi này, xong nhiệm vụ ở trường, cô Vân lại lấy xe máy rong ruổi tìm nơi tiêu thụ các sản phẩm thêu may thủ công, rồi về tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho các thành viên trong nhóm Hi vọng An Giang do cô phụ trách với số thành viên hơn 50 người. Cô còn thành lập “quỹ tín dụng nhỏ”, từ số tiền cá nhân dành dụm được để giúp người nhiễm HIV có vốn làm ăn. Trong nhóm, ai có ý tưởng kinh doanh hay cần ít vốn làm ăn chỉ cần trình bày, cô nghe thấy có lý thì xuất tiền cho mượn liền, không cần thủ tục giấy tờ rườm rà gì. Tùy theo việc làm, có người mượn năm, bảy trăm ngàn đồng, có người tới 5 triệu đồng. Số tiền này sẽ trả dần trong 10 tháng, hoàn toàn không lấy lãi.

Bà M (62 tuổi) ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, một bệnh nhân HIV trước đây sống bằng nghề mò cua bắt ốc, thu nhập thấp, môi trường làm việc không phù hợp. Khi tham gia nhóm, được cho mượn 5 triệu đồng để mở quán giải khát ở quê, giờ đã làm chủ được quán nước nho nhỏ, lại có đồng ra đồng vào. Cứ như vậy, đồng vốn xoay vòng cho chị T. bán bún ở chợ Cần Đăng, chị Th. bán tạp hóa, chị H. giữ trẻ kiêm bán sim card điện thoại ở xã Bình Hòa, chị Ng. bán vé số... Sau hơn 3 năm thực hiện, đã có hàng chục người nhiễm HIV, từ tay trắng, giờ đã tích lũy được vốn và có việc làm, ổn định cuộc sống. “Tôi dạy học hơn 25 năm, lương giáo viên giờ được chừng 10 triệu đồng/tháng, chỉ xài chừng 2-3 triệu thôi, còn bao nhiêu thì giúp người nhiễm HIV. Nhiều người nói tôi liều, lỡ mất hết thì lấy tiền đâu mà sống, nhưng tôi nghĩ cứ thử, có thất bại, mất tiền thì kiếm lại, còn thành công thì người nhiễm HIV có được cái nghề làm ra tiền. Nhờ vậy họ tự tin bước ra sống hòa nhập cộng đồng” – cô Vân bộc bạch.

Nhiều đồng nghiệp của cô Vân ở trường THCS Cần Đăng nói rằng “trông cô mảnh mai vậy mà giỏi giang hết sức”. Nhiều bận sau giờ lên lớp, người ta lại thấy cô đội nắng đưa mấy người dương tính với HIV đi “thử thuốc” (thử phác đồ điều trị). Rồi cô lại tạt qua nhà mấy người bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng để thăm hỏi và tư vấn điều trị. Lúc nào đói cô tạt vào quán ăn tô cháo hay uống ly nước mía cho hồi sức rồi tiếp tục công việc, nhiều hôm tối khuya về đến nhà. Cô bảo: “Cuộc đời vất vả vật lộn đủ thứ việc nên quen rồi. Với lại làm việc trong niềm vui, không áp lực nên chẳng thấy mệt”. Từ khi được bầu vào Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (năm 2012) và được phân phụ trách khu vực ĐBSCL, công việc của cô ngày càng bận rộn hơn. Hầu như tháng nào cô cũng có vài chuyến đi - về giữa các tỉnh, thành trong khu vực phụ trách để tập huấn báo cáo viên nguồn cho các địa phương về những chính sách đối với người nhiễm HIV, các kiến thức liên quan đến phòng tránh lây nhiễm và điều trị cho người bệnh tại cộng đồng...

 

Thầy Nguyễn Hồng Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Cần Đăng (Châu Thành, An Giang) cho biết, ngoài thời gian đứng lớp, cô Vân còn được tin tưởng bầu làm Tổ trưởng bộ môn hóa và Chủ tịch Công đoàn trường. Ở vai trò, nhiệm vụ nào cô cũng hoàn thành xuất sắc. Nhiều người có khó khăn, bế tắc còn tìm gặp cô xin lời khuyên hoặc đơn giản chỉ để soi lại mình.“Cô Vân luôn sống vì mọi người. Tấm lòng và sự quan tâm của cô Vân dành cho người nhiễm HIV thật đáng nể phục và trân trọng” - thầy Dũng nói.

Bà Trần Thị Thanh Trúc, cán bộ phụ trách Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS, thuộc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành ghi nhận: “Từ lâu chị Vân xem những người nhiễm HIV như người thân của mình vậy. Việc gì có lợi cho họ, chị đều lăn xả vào làm, không nghĩ gì tới bản thân mình. Chúng tôi luôn trân trọng ghi nhận những đóng góp lớn lao của chị đối với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương trong nhiều năm qua”. 

TẤN ĐỨC-TIẾN LONG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh