Mong đón các anh về ngôi nhà chung
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:03 - 13/02/2018
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo bước ngoặt chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975 lịch sử. Đã 50 năm đi qua, để dành được thắng lợi trên, hàng nghìn người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống “để đất nước nở hoa”, “để màu cờ thêm tươi thắm”, nhưng đến nay hài cốt của các anh vẫn nằm đâu đó, chưa được quy tập, cất bốc, đây cũng là nỗi day dứt của những người ở lại.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng chỉ đạo hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968.
Bước ngoặt chiến lược của Tổng tấn công Mậu Thân 1968
Nối tiếp chiến thắng của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, từ đó bằng các thắng lợi nối tiếp qua các chiến dịch tại các chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không tiến tới ký kết Hiệp định Paris, Đảng, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đánh cho Mỹ cút chuyển sang mục tiêu đánh cho ngụy nhào và giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975 lịch sử. Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chỉ huy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cho biết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử đấu tranh và giải phóng dân tộc, ghi dấu một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất, một chiến thắng có ý nghĩa chiến lược mang tính bước ngoặt của quân giải phóng miền Nam.
Tín hiệu vui từ công tác quy tập hài cốt liệt sĩ
Đã hơn 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, nhưng công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sĩ hy sinh vẫn đang là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Theo thống kê, cả nước hiện còn khoảng 200.000 hài cốt các chiến sĩ hy sinh chưa được tìm thấy, gồm các chiến sĩ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào và Campuchia. Việc quy tập hài cốt liệt sĩ đã được Nhà nước thực hiện ngay sau ngày đất nước thống nhất, nhưng để việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được đẩy nhanh và hiệu quả hơn, ngày 27/7/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1237/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo (Đề án 1237). Từ đề án này, trong những năm qua đã có hàng vạn hài cốt liệt sĩ cũng như nhiều ngôi mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh trên khắp các chiến trường cả trong nước và ở các nước bạn Lào, Campuchia được tìm thấy, quy tập và đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Bên cạnh đó, hàng vạn liệt sĩ đã được xác định danh tính và trả lại tên trên bia mộ thông qua Đề án 150 (Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin). Mặc dù vậy, vẫn còn khoảng 300.000 hài cốt chưa xác định được danh tính, trên bia mộ các anh vẫn còn dòng chữ “Mộ chưa biết tên” là điều khiến bất cứ ai cũng ngậm ngùi.
Trong năm 2017, bên cạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 luôn được quan tâm một cách đặc biệt. Đó là việc tỉnh Đồng Nai và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã tiến hành khai quật được mộ tập thể chôn 72 chiến sĩ của ta trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968, đã đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai tháng 6/2017. Bên cạnh đó, từ nguồn tư liệu của các cựu binh Mỹ và các cựu quân nhân Việt Nam cộng hòa, các manh mối về ngôi mộ tập thể được nghi là chôn hơn 600 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh đêm 1, rạng sáng 2 Tết Mậu Thân tại Sân bay Tân Sơn Nhất đã được xác minh, làm rõ.
Nỗi lòng của các cựu binh
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành, nguyên Trung đội phó Tiểu đoàn 16 phân khu 2 Long An, người trực tiếp tham gia vào trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân 1968 bùi ngùi nhớ lại: “Khoảng 24 giờ đêm 30 tết, xung kích 1 của đơn vị tôi đã lọt vào trong 21 hàng rào dây thép gai vây quanh sân bay do các đồng chí đặc công tiểu đoàn 12 đưa vào. Đội xung kích 2 đã nằm ở vị trí sẵn sàng chiến đấu phía bên kia quốc lộ 1 (nay là đường Trường Chinh). Đúng 2 giờ sáng mùng 1 Tết, lệnh nổ súng bắt đầu, chúng tôi ùa vào tấn công sân bay Tân Sơn Nhất”.
Khi vượt qua hàng rào sân bay, các chiến sĩ Tiểu đoàn 16 vấp phải sự chống cự quyết liệt của quân địch trấn giữ trong lô cốt đầu cầu. Do hỏa lực địch quá mạnh, nhiều chiến sĩ đã hy sinh ngay trước lô cốt. Chiến sĩ Phan Văn Đồ ôm bộc phá quyết tử mới đánh sập được lô cốt này. Vượt qua lô cốt đầu cầu, lực lượng được chia thành 2 cánh theo đường tuần tra trong sân bay để đánh sâu vào trong. Đại đội 1 rẽ phải tiến về phía Đông, đánh chiếm được 2 nhà để máy bay, đẩy bọn địch vào phía trong. Đại đội 2 rẽ trái tiến về phía Tây tiến sát khu gia binh, vừa đánh, vừa truy đuổi địch. “Trận đó 2 cánh quân của Tiểu đoàn 16 đánh sâu vào trong sân bay nhưng vì không có pháo hỗ trợ nên tiến rất chậm, chỉ mới chiếm được vài nhà chứa máy bay thì hầu như ai cũng hết đạn nhưng vẫn cố gắng tiến công. Mãi đến gần sáng, thấy thời cơ đã hết mà bộ đội ta cũng hy sinh nhiều, đồng chí Trần Văn Trắc, Đại đội trưởng Đại đội 2, ra lệnh rút quân thì chỉ còn 6, 7 chiến sĩ ra khỏi được cổng sân bay, phối hợp cùng Đại đội 3 phá vòng vây để trở về căn cứ địa. Ước tính có khoảng 1.700 người tham gia trận đánh và tỷ lệ thương vong của các đơn vị này đều ở mức cao.”, ông Vũ Chí Thành xúc động kể lại.
Theo ông Thành, trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất Xuân Mậu Thân 1968 số bộ đội của ta hy sinh nhiều. “Tôi nghe tin có mộ tập thể khoảng 600 người, con số này tương đối chính xác với số anh em thương vong. Hai tiểu đoàn 12 và 16 đánh vào sân bay đã có hơn một ngàn quân, rồi tiểu đoàn 267 cũng có sáu, bảy trăm quân. Ngoài ra, còn có quân của biệt động thành khu vực Gò Môn (Gò Vấp - Hóc Môn) đánh vào sân bay ở cánh Bắc... Tôi mong sớm tìm thấy được các đồng đội và đề nghị Nhà nước vinh danh những anh em đánh vào sân bay, không bỏ sót một ai”, ông Thành mong mỏi.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua chúng ta đã làm tốt công tác tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh và NCC, nay phải tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách, giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng về xác nhận, công nhận liệt sĩ và NCC.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ.