THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 10:50

Mỗi xã một sản phẩm: Người dân làm giàu từ nông sản bản địa

 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các làng nghề đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu đời, với 54 dân tộc anh em, các sản phẩm làng nghề của Việt Nam rất đa dạng, độc đáo và mang bản sắc riêng. Tuy nhiên, chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm mới xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian ngắn, bắt đầu từ tỉnh Quảng Ninh vào năm 2013 và lan tỏa sang một số tỉnh, thành khác trong cả nước. Tới năm 2018, OCOP mới chính thức trở thành chương trình mục tiêu quốc gia với sự chỉ đạo có hệ thống từ Trung ương tới địa phương.

Các địa phương quảng bá các sản phẩm thế mạnh.

 

Mục tiêu của OCOP Việt Nam là phát triển các tổ chức kinh doanh, nòng cốt là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn chặt với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các làng nghể, sản xuất các sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân địa phương nhằm gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị xuất khẩu ra nước ngoài cho các sản phẩm ở nông thôn Việt Nam.

 “OCOP là chương trình kinh tế có giá trị xã hội và nhân văn sâu sắc nhằm phát triển sinh kế, đời sống và việc làm cho nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững và phát huy, bảo tồn các bản sắc văn hóa địa phương. Chính vì vậy, sau chưa đầy 1 năm triển khai chương trình ở cấp quốc gia, 100% các tỉnh/thành đã xây dựng đề án OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 42 tỉnh/thành đã phê duyệt đề án triển khai ở cấp tỉnh, 4 tỉnh/thành đã chuẩn bị công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Nhờ chương trình OCOP, số hợp tác xã đặc biệt là hợp tác xã sản xuất ở nông thôn tăng nhanh, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt từ chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị nước ngoài, có mặt trên các chuyến bay quốc tế, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng đáng kể, đóng góp quan trọng vào việc nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam lên 45 tỷ đồng trong năm 2019.

Từ chương trình OCOP, các tiêu chí về nông thông mới, đặc biệt là tiêu chí về sinh kế được cải thiện. Nhờ đó, mục tiêu có ít nhất 50% số xã được công nhận xã nông thôn mới đã được hoàn thành trong năm 2019, thay vì tới năm 2020 như kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, theo điều tra sơ bộ, vùng nông thôn có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh). Trong đó, có 3.126 doanh nghiệp (chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước) tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 06 nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, nhóm dịch vụ -  du lịch nông thôn. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể một cách bài bản, thống nhất, đồng bộ, góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Ông Nam cho rằng, bên cạnh thời cơ và thuận lợi, khu vực nông thôn còn nhiều thách thức như dân số khu vực nông thôn Việt Nam chiếm 68% dân số cả nước, lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn chiếm 65% lao động cả nước, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị còn cao và biến đổi khí hậu khó kiểm soát. Do đó nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều đề án, chương trình lớn đã được Chính phủ triển khai như: Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Đề án về xử lý môi trường nông thôn; Đề án hỗ trợ phát triển thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn, đặc biệt là Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Chương trình này được xác định là chương trình phát triển kinh tế nông thôn quan trọng trong thời gian tới.

Theo ông Trần Thanh Nam, chương trình OCOP góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới… Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm. Củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. Triển khai thực hiện từ 8-10 mô hình Làng văn hóa du lịch.Củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. Phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP, chương trình cần chú trọng thực hiện những giải pháp nhằm tạo ra được các sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh