CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:50

Mỗi vòng gỗ... một năm tù

 

Cây làm nên hồn cốt Seoul (ảnh Internet)

Mỗi vòng gỗ...một năm tù

Người dân Kuala Lumpur rất hãnh diện khi nói thủ đô của mình là “thành phố xanh”, “thành phố vườn”. Quả thật, ở Kuala Lumpur, người ta dành rất nhiều không gian cho cây cối. Cây leo lên ban công nhà cao tầng chất ngất. Dưới đất, chỉ khoảnh trống nhỏ bằng cái thúng thôi đã thấy có cây rung rinh ngoi lên. Bên cạnh những tòa nhà chọc trời xám lạnh sắt thép có khá nhiều kiến trúc cổ kính, ẩn hiện trong cơ man cây xanh. Từ trên ngọn tháp truyền hình Kuala Lumpur cao 421m, nhìn xuống thành phố, thật mát mắt với những khoảnh rừng trong phố, xanh thẫm một màu…

Cây già yếu vẫn được tồn tại và chăm sóc trong phố ở Malaysia.  Ảnh: Minh Huệ

Ra ngoại ô, cây cổ thụ san sát hai bên đường. Anh Henry, hướng dẫn viên du lịch nghiêm giọng: “Ở xứ Mã Lai, chớ có chặt phá cây! Tù luôn đó! Cứ mỗi vòng gỗ là một năm tù”. Luật của Malaysia quy định: Nếu anh chặt phá, làm chết một cây xanh, thì cứ đếm vòng gỗ (vòng đời - mỗi vòng    là một tuổi) của cây ra mà phạt. Mỗi vòng gỗ phạt 10.000 ringgit tương đương với 3.000 USD. Nếu không có tiền nộp phạt, phải ngồi tù 1 năm, đừng “mơ” đến chuyện ân xá, giảm án gì hết. Như vậy, nếu cây mà có 20 vòng gỗ tức 20 năm tuổi thì kẻ chặt cây sẽ ngồi tù 20 năm nếu không có 60.000 USD nộp phạt. Luật nghiêm thế, cho nên cây cối mới yên ổn mà tô xanh cho đô thị hiện đại trên khắp đất nước Malaysia.

Làm nên những đô thị xanh ấy, phải kể đến rất nhiều công viên được đầu tư đích đáng. Trong đó, có Vườn hồ (Lake Gardens) nằm ở phía nam Kuala Lumpur. Gọi là Vườn hồ bởi ở đây có hồ nước nhân tạo, rộng gần 92 hecta, uốn mình quanh những bãi cỏ mướt xanh, những rừng cây cổ thụ, các công viên bướm, nai, chim. Bạn sẽ hoa cả mắt khi bước vào công viên bướm và có lẽ không đủ thời gian để mà chiêm ngưỡng chừng 6.000 con bướm thuộc hơn 120 loài. Công viên chim cũng vào loại lớn nhất Đông Nam Á, có hàng ngàn con chim đủ loại trên thế giới. Đây được coi là lá phổi xanh của thành phố và là 1 trong những công viên cổ nhất Malaysia (được xây dựng năm 1880). Nơi đây, có hơn 15.000 cây thuộc 100 loài, đã được sử dụng để tái tạo khí hậu rừng mưa nhiệt đới của Malaysia. Đến Vườn hồ, bạn có cơ hội ngắm hơn 3.000 loài phong lan thuộc loại đẹp nhất thế giới và hơn 2.200 loài hoa sen. Riêng hoa dâm bụt, quốc hoa của Malaysia, cũng có tới hơn 500 loài nhiều màu sắc khác nhau.


Và chỉ cách Kuala Lumpur chừng 20 phút xe hơi là đến công viên Mines Wonderland với 400 héc ta cây xanh và hồ nước. Công viên này độc đáo ở chỗ có tuyết, có cả ánh nắng mặt trời và bãi tắm, tất cả ở cùng một địa điểm. Đến đây, bạn có thể chèo thuyền từ một vịnh nhỏ, bãi cát trắng xoá để vào một trung tâm thương mại sầm uất, hiện đại.

Cây đắt nhất thế giới

Cạnh tháp truyền hình Kuala Lumpur có cây cổ thụ tên Jelutong tuổi thọ đã trên 100 năm, thân to 5 người ôm không xuể, cao ngút. Henry khẳng định: đây là cây đắt nhất thế giới. Vì khi xây tháp truyền hình, người ta phải di chuyển nó sang vị trí bây giờ với chi phí 430.000 ringgit, tương đương 145.000 USD, tính ra chừng 30 cây vàng. Hồi đó, Chính phủ Malaysia đã có quyết định khá “rắn”, nếu không di dời, bảo tồn được cây Jelutong thì không xây tháp truyền hình. Thế mới biết cây xanh đối với dân Malaysia quý giá đến thế nào!

Cây Jelutong đắt nhất thế giới vì chi phí di chuyển nó đi nơi khác, người ta không chặt bỏ khi nó gây vướng tháp truyền hình.    Ảnh: Minh Huệ

Cùng với tháp truyền hình Kuala Lumpur, nơi có thể ngắm toàn cảnh thành phố, Jelutong thành “địa chỉ vàng” của du lịch Malaysia. Ngay dưới gốc cây là tấm biển đề lai lịch, gốc gác, công vận chuyển một cách tỉ mỉ…

Bệnh viện đa khoa cho cây

Chị Vũ Quỳnh Tiên, phiên dịch cho chúng tôi trong một chuyến công tác tại Hàn Quốc, lấy chồng Hàn, đang định cư tại Seoul cho biết, ở Hàn Quốc có nhiều công ty chuyên chữa trị bệnh cho cây xanh, có nơi còn có hẳn Bệnh viện đa khoa của cây nữa.

Việc chữa bệnh, cung cấp dinh dưỡng không chỉ cho cho cây sắp chết hoặc bị bệnh mà nếu cây có biểu hiện bị “yếu đi” đều được bơm dinh dưỡng giống như truyền máu, truyền đạm cho người vậy. Phá hoại cây xanh, người đó có thể bị xử lý hành chính, bắt buộc phải phục hồi lại cây. Tùy theo mức độ có thể bị tù (dưới 5 năm) hoặc phạt tiền 15 triệu won (15.000.000 USD). Trường hợp bắt buộc phải đốn cây thì phải xin giấy phép của Phòng cảnh quan công viên đô thị.

Ở Seoul, Hàn Quốc, cây già yếu được truyền dinh dưỡng như truyền đạm cho người ốm. Ảnh: Hoa Từng Mùa

Những cây cổ thụ đặc biệt hoặc cây quý được chăm sóc bảo vệ, có đóng bảng hướng dẫn, ghi tên, ghi tuổi, cơ quan quản lý rõ ràng. Chị Vũ Quỳnh Tiên kể: Ở huyện Songchu, thành phố Yangju, tỉnh Gyeonggido có cây Neu-ti-na-mu hơn 500 tuổi. Hầu như người Hàn Quốc nào cũng biết đến cây cao tuổi nổi tiếng này. Ngay dưới gốc có tấm bảng ghi rõ, cây được phục hồi ngày nào, cơ quan nào quản lý, số điện thoại liên lạc cần thiết để cứu hộ vv...Loài cây này rất phổ biến ở Hàn Quốc. Vào thu, lá cây chuyển từ màu xanh ngắt sang màu vàng, sau đó sang màu hơi nâu và rồi mới thành màu đỏ rực. 

Mùa thu quyến rũ ở Seoul  (ảnh Internet)

Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) có thể gọi là thủ đô xanh, nhiều nhất là cây ngân hạnh (còn gọi là cây bạch quả). Theo WSJ, những năm 70 của thế kỷ trước, Hàn Quốc chọn cây ngân hạnh làm loại cây chính của thủ đô Seoul. Có thời điểm ngân hạnh chiếm tới 47% số lượng cây trồng mới. Hiện, tỷ lệ trồng ngân hạnh tuy đã giảm một phần để đa dạng hóa cây xanh trong thành phố, nhưng vẫn chiếm hơn 40% (với khoảng 28.500 cây).

Mỗi độ thu về, sắc vàng rực rỡ của những hàng cây ngân hạnh tạo nên khung cảnh lãng mạn và thơ mộng, góp phần làm nên hồn cốt cho Seoul. Tuy nhiên lá và quả của chúng sau khi rơi xuống đất khiến cho mặt đường trở nên trơn trượt. Quả ngân hạnh bị dẫm nát, rất khó thu dọn và gây ra mùi hôi khó chịu. Chính quyền Seoul đã rất nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Hàng năm có tới hàng trăm đội được cử đến thu dọn. Thay vì chặt bỏ cây, họ tìm cách đưa toàn bộ lá và quả rơi rụng xuống hệ thống lưới hình phễu.

Cây Neu-ti-na-mu hơn 500 tuổi ở Hàn Quốc

Cây xanh đô thị Hàn Quốc còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chất CaCl2, chất chống tuyết đóng băng. Mỗi khi có tin tuyết rơi, người ta sẽ rắc muối này khắp các con đường, kèm theo thông báo, “chú ý không rắc muối quá gần cây xanh, hạn chế ở những khu vực có nhiều cây xanh”. Vì muối này gây ảnh hưởng rất lớn cho cây xanh đô thị, làm giảm khả năng quang hợp, khó hấp thu chất dinh dưỡng từ đất, cộng thêm khói bụi xe hơi, nên mỗi mùa xuân sang, người ta tiến hành các chiến dịch tẩy rửa cho cây. Chất tẩy rửa hoàn toàn không gây hại cho cây và người, ngược lại còn giúp cây dễ hấp thu dinh dưỡng.

Chỉ là cái cây thôi, nhưng đó là cả một câu chuyện ứng xử với thiên nhiên, môi trường.

Ở Hà Nội (Việt Nam) Cây xanh đang bị chặt xuống từng ngày.

Minh Huệ - Hoa Từng Mùa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh