THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:39

Mối nguy hại từ ma túy tổng hợp

 

Dễ gây ra các hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng ma túy tổng hợp.

“Ma túy tổng hợp có sức hủy hoại khủng khiếp, làm não bộ người sử dụng bị tổn thương nặng nề, không ít người trở thành bệnh nhân tâm thần vì sử dụng loại ma túy này lâu ngày”, ông Phan Đình Thư, Trưởng phòng chính sách 06 thuộc Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết.

Công tác cai nghiện hiện vẫn gặp nhiều khó khăn

Cục phòng chống tệ nạn xã hội cũng cho biết, hiện cả nước có gần 185.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, tăng 0,8% so với cuối năm 2013, tăng 6,3% so với năm 2012 và tăng tới 15,4% so với 2012. Chỉ trong 20 năm qua, số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý đã tăng hơn 3 lần, tăng thêm hơn 55.000 người. Trung bình mỗi năm, Việt Nam tăng thêm 6.400 người nghiện ma tuý. Điều đáng nói, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng từ 1,4% (1996) lên 14,5% (2014), đều nằm trong độ tuổi từ 18-30. “Ma túy đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng… là những tên gọi khác nhau của ma túy tổng hợp..

Tại TP.Đà Nẵng, tính đến tháng 6/2015, trong số hơn 1.000 người nghiện ma túy có trong hồ sơ quản lý thì có khoảng 80% là số người nghiện ma túy tổng hợp, trong khi năm 2007 gần như chưa có người nghiện ma túy tổng hợp.

 “Số người nghiện ma túy tổng hợp đang có chiều hướng gia tăng, nhất là trong giới trẻ, học sinh sinh viên. Khi sử dụng liều cao, người dùng  ma túy tổng hợp thường không kiểm soát được hành vi của mình, thậm chí trở nên hung bạo, dễ gây ra các hành vi vi phạm pháp luật” – ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng cho biết.

Thời gian qua, trên cả nước đã ghi nhận không ít trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng có căn nguyên từ việc sử dụng ma túy tổng hợp với những biểu hiện như gây sự hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi, đập phá…

Hiện nay, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đang triển khai thí điểm tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Nghệ An mô hình thí điểm điều trị cai nghiện ma túy tổng hợp để góp phần hạn chế tác hại do loại ma túy này gây ra. Ở Đà Nẵng, 45 bệnh nhân nghiện ma túy tổng hợp được điều trị thí điểm tại Trung tâm giáo dục dạy nghề 05-06 bằng các loại thuốc và đến nay, khoảng 50% người có tình trạng sức khỏe bình thường và hòa nhập cộng đồng.

 Công tác cắt cơn cai nghiện còn gặp khó khăn

          Thiếu nhân lực chuyên trách, cán bộ làm công tác y tế còn hạn chế về số lượng khiến cho hiệu quả các mô hình cai nghiện chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, hiện nay đội ngũ cán bộ theo dõi công tác phòng chống tệ nạn xã hội các xã, phường còn hoạt động kiêm nhiệm trong khi chế độ chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ này còn hạn chế.

          Còn tại Quảng Nam, ông Huỳnh Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho rằng, bên cạnh đội ngũ nguồn nhân lực,  cơ sở hạ tầng cũng chưa bảo đảm để thực hiện cắt cơn cai nghiện cho đối tượng tại cộng đồng. “Đối tượng nghiện đa số là những thanh thiếu niên có tiền án tiền sự và không có việc làm ổn định, nhận thức chưa đủ về tác hại của ma túy nên quá trình tư vấn, cắt cơn còn nhiều khó khăn” – ông Thanh cho biết.

          Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, hiện nay, khó khăn chung là các hội chứng cai của người nghiện ma tuý tổng hợp không biểu hiện rõ ràng, dẫn đến việc xác định nghiện gặp khó khăn. “Cán bộ cần được tập huấn chuyên sâu về điều trị các rối loạn do sử dụng ma tuý tổng hợp. Trong quá trình điều trị người nghiện ma tuý tổng hợp cần liên tục có sự quan tâm, chăm sóc, tư vấn tâm lý đối với người nghiện.Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận về chẩn đoán và điều trị nghiện ma tuý tổng hợp, đồng thời nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc để nhân rộng trên cả nước trong thời gian tới”.

Bùi Minh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh