THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:51

Mọi người dân Việt Nam được quyền tự do tôn giáo, hội họp

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, hội tụ của nhiều văn hóa tín ngưỡng khác nhau. Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành luôn đề cao quyền con người, khẳng định quyền tự do tôn giáo của mọi công dân. Ngày 18/11/2016 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua đánh dấu bước ngoặt trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo của các tầng lớp nhân dân.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và có hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung độc lập được đăng ký sinh hoạt tôn giáo (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam). Trong giai đoạn 2017 - 2020 có 3 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo là Hội thánh Tin lành Liên hiệp truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Kito Việt Nam; 1 tổ chức được công nhận pháp nhân tôn giáo là Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam.

Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 50.703 cơ sở tín ngưỡng; có 29.801 cơ sở tôn giáo, 53.390 chức sắc, 95.360 chức việc; 40.075 người vừa là chức sắc, vừa là chức việc tại 62/63 tỉnh, thành phố và 26.548.509 tín đồ. Việt Nam hiện có 63 cơ sở giáo dục, đào tạo tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo với hơn 18.000 học viên đăng ký theo học các khóa đào tạo tôn giáo mỗi năm. Năm 2020 có khoảng 230 cơ sở thờ tự được xây mới, 308 cơ sở thờ tự được nâng cấp, sửa chữa.

Trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú về cấp độ, số lượng và phạm vi hoạt động. Nhiều hoạt động quốc tế lớn như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK 2019, Tổng hội dòng Đa Minh tế giới… đã được các tổ chức tôn giáo Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công tại Việt Nam.

Nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo đi nước ngoài để tham dự các khóa đào tạo về tôn giáo, hội nghị, hội thảo, giao lưu hợp tác với hơn 300 đoàn hoạt động, hợp tác tôn giáo ra vào Việt Nam. Hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi như việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung (hiện có 67 điểm nhóm tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp đã được đăng ký sinh hoạt), mời chức sắc nước ngoài hoặc chức sắc Việt Nam giảng đạo, cho phép nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo từ nước ngoài vào Việt Nam…

Những điểm mới trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã khiến thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo như: thời gian hoạt động để được công nhận của tổ chức tôn giáo giảm từ 23 năm xuống còn 05 năm; năm 2020 đã giải quyết trên môi trường mạng 43 thủ tục đăng ký, công nhận tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, 18 thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và được theo dõi trên Trang thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Về quyền tự do hội họp và lập hội, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã thực hiện các khuyến nghị liên quan đến vấn đề này. Dự án Luật về hội đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xem xét ban hành Nghị định quy định tổ chức đại diện người lao động và Thông tư quy định về thương lượng tập thể, phát huy vai trò của các tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động, tuân thủ quy định của pháp luật.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh